Bối cảnh và cách thức tấn công
Kênh Al Jazeera cho biết các vụ nổ xảy ra vào ngày 3/1 trong buổi lễ kỷ niệm 4 năm ngày mất của Tướng Qassem Soleimani thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), một nhánh của quân đội Iran.
Tướng Soleimani đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ vào ngày 3/1/2020, được chôn cất tại nghĩa trang thành phố Kerman.
Theo Tasnim, một trang tin tức của Iran có liên hệ với IRGC, vụ nổ đầu tiên xảy ra cách nơi chôn cất tướng Soleimani 700 m còn vụ nổ thứ hai xảy ra sau đó, cách đó 1 km. Cả hai quả bom đều được được đặt trong vali, có vẻ như đã được kích nổ từ xa. Trang web tin tức bán chính thức ISNA dẫn lời ông Mohammad Reza Pour Ebrahimi, đại diện của thành phố Kerman tại Quốc hội Iran cho biết thêm vụ nổ đầu tiên mạnh hơn vụ thứ hai.
Những gì nêu trên có nghĩa là chất nổ không nằm ở khu vực đông người nhất của của buổi lễ và sẽ không phải vượt qua bất kỳ cổng an ninh nào. Điều này cũng trùng khớp với cảnh quay từ hiện trường vụ nổ, cho thấy mộ của tướng Soleimani không bị hư hại.
Tính chất vụ tấn công
Đài truyền hình quốc gia Iran ngày 3/1 dẫn phát biểu của ông Rahman Jalali, Phó Tỉnh trưởng Kerman cho biết vụ việc này là cuộc tấn công khủng bố.
Thiệt hại về người trong vụ tấn công
Theo báo cáo sơ bộ, có ít nhất 20 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Tuy nhiên, số người chết đã tăng dần, từ 20 lên 73. Sau đó, vào tối cùng ngày, lãnh đạo cơ quan dịch vụ khẩn cấp Kerman, ông Mohammad Saberi nói rằng có ít nhất 103 người đã bị thiệt mạng trong vụ nổ gần mộ tướng Soleimani.
Video cho thấy rất nhiều người đã tham gia lễ kỉ niệm 4 năm ngày mất của tướng Qassem Soleimani ở nghĩa trang thành phố Kerman. Nguồn: Reuters
Tuyên bố của giới chức Iran
Sau vụ tấn công, theo đài truyền hình nhà nước Iran, chính phủ nước này đã quyết định để tang một ngày trên toàn quốc.
Trong một tuyên bố bằng văn bản sau vụ nổ chết người ở Kerman, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nhấn mạnh rằng thủ phạm của hành động mà ông Raisi gọi là “hèn nhát”, “tàn ác” sớm bị trừng phạt. Theo ông Raisi, nhưng hành động như vậy không bao giờ có thể phá vỡ quyết tâm vững chắc của dân tộc Iran.
Về phần mình, ông Ahmad Vahidi, Bộ trưởng Nội vụ Iran, đồng thời là chỉ huy IRGC cho rằng “kẻ thù đang tiến hành các hoạt động tâm lý” và yêu cầu người Iran không tin vào những suy đoán cũng như tin đồn.
Trong khi đó, Lãnh đạo Lực lượng Quds (một trong năm nhánh của IRGC, chuyên trách về chiến tranh phi thông thường và hoạt động tình báo quân sự), ông Esmail Qaani đã gửi lời chia buồn tới người dân Kerman, những người đã bị tấn công bởi những kẻ khát máu.
Phản ứng của các nước, tổ chức quốc tế và các lực lượng bên ngoài Iran
Liên hợp quốc
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã gửi lời chia buồn tới những người thiệt mạng trong vụ tấn công và kêu gọi thủ phạm phải chịu trách nhiệm.
EU:
Liên minh châu Âu (EU) đã lên án vụ đánh bom Kerman “bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất”, bày tỏ tình đoàn kết với người dân Iran. Trong một tuyên bố phát đi cùng ngày với vụ tấn công, EU nêu rõ: “Hành động khủng bố này đã gây ra một con số gây sốc về thương vong và thương vong cho dân thường. Suy nghĩ của chúng tôi bây giờ hướng về các nạn nhân và gia đình họ. Thủ phạm phải chịu trách nhiệm”.
Nga:
Trong một lá thư gửi Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamene, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã chia buồn về vụ nổ kép làm rung chuyển Kerman. Theo ông Putin, việc sát hại những người dân yên bình đến thăm nghĩa trang gây sốc vì sự tàn ác của nó.
Iraq:
Chính phủ Iraq đã đưa ra một tuyên bố lên án những gì họ mô tả là "cuộc tấn công khủng bố ở Kerman", đồng thời nói rằng “Iraq bày tỏ sẵn sàng cung cấp nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau nhằm giảm bớt tác động của hành động tội phạm hèn nhát này”.
Liban:
Bộ Ngoại giao Liban cảnh báo về “mức độ nghiêm trọng của hành động tội phạm này và khả năng nó gây bất ổn cho an ninh khu vực”.
Pakistan:
Thủ tướng Pakistan Anwaar-ul-Haq Kakar cho biết ông "vô cùng đau buồn khi biết về thiệt hại to lớn về nhân mạng trong các cuộc tấn công khủng bố ở Kerman".
Houthi:
Văn phòng chính trị của nhóm phiến quân Houthi ở Yemen đã đưa ra tuyên bố lên án cái mà họ gọi là “các vụ đánh bom tội phạm” nhân kỷ niệm “sự tử đạo” của tướng Soleimani.
Hezbollah:
Lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah đã gửi lời chia buồn tới những người thiệt mạng trong vụ nổ. Theo Al Jazeera, ông Nasrallah không bình luận về những thủ phạm có thể xảy ra, nhưng cho biết những người thiệt mạng đều đi theo con đường đấu tranh giống như tướng Soleimani.
Nhận định về thủ phạm và diễn biến sau vụ tấn công
Theo Giáo sư Hassan Ahmadian, chuyên gia nghiên cứu về Trung Đông tại Đại học Tehran, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Israel đều có khả năng là thủ phạm. Trong một phát biểu với Al Jazeera hôm 3/1, Giáo sư Ahmadian nói: “ISIS đã cho thấy rằng chúng sẵn sàng làm điều đó (giết số lượng lớn dân thường). Israel có thể muốn leo thang chống lại Iran, buộc Tehran phải làm điều gì đó nhằm kéo Mỹ (vào một cuộc xung đột) chống lại Iran. Đây đều là những khả năng.”
Mỹ và Israel chưa bình luận gì về nhận định của Giáo sư Ahmadian.
Về phần mình, nhà phân tích chính trị cấp cao Marwan Bishara của Al Jazeera nói rằng có “những đám mây đen chiến tranh” đang quần tụ ở Trung Đông sau nhiều ngày căng thẳng khu vực leo thang. Theo ông Bishara, giờ đây bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra ở khu vực này bởi có quá nhiều bạo lực và căng thẳng bị dồn nén, từ Biển Đỏ, tới biên giới Iran - Iraq, tới Yemen và vùng Vịnh. Cho nên, về cơ bản, mọi nơi trong khu vực hiện nay đều là ứng cử viên cho sự leo thang hơn nữa.