Theo tờ The Guardian, tại Mỹ, các quan chức suy đoán tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoặc một số nhóm cực đoan dòng Sunni có liên quan. Họ cho rằng Israel không liên quan vụ việc. Trước đây, Israel từng phối hợp với nhóm nổi dậy thế tục ở Iran là Mujahedin-e-Khalq (MeK) – nhóm bị cáo buộc đứng đằng sau các cuộc tấn công vào sâu bên trong Iran.
Những cuộc tấn công trước đó chủ yếu nhằm mục đích phá hoại và ám sát, thường nhằm vào các nhà khoa học. Các quan chức Mỹ và Anh nhận định vụ đánh bom ngày 3/1 ở Kerman không giống những vụ trước đó. Vụ này nhằm vào những người tới để tưởng niệm 4 năm ngày máy bay không người lái của Mỹ sát hại ông Qassem Suleimani, một chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC). Vụ đánh bom khiến cả trăm thường dân thiệt mạng. Nếu đứng đằng sau vụ việc thì đây sẽ là một thay đổi đáng chú ý của MeK và tình báo Israel Mossad.
Trong khi đó, giới lãnh đạo Iran chắc chắn về thủ phạm gây ra vụ đánh bom ngày 3/1. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cáo buộc Israel, cảnh báo nước này sẽ phải trả giá đắt.
Thông thường, Mỹ và Israel cho rằng Iran không muốn xảy ra xung đột với Israel và các nước phương Tây ủng hộ nước này, ít nhất là không phải bây giờ. Các đối tác khu vực của Iran như lực lượng Hezbollah ở Liban và lực lượng Houthi ở Yemen đã tăng cường tấn công Israel để thể hiện ủng hộ người dân ở Gaza. Tuy nhiên, các loạt tên lửa xuyên biên giới của Hezbollah và hành vi tấn công tàu thuyền trên Biển Đỏ của Houthi đã được tính toán cẩn thận, sao cho tránh vượt ngưỡng có thể kích hoạt cuộc chiến toàn diện trong khu vực.
Dù vậy, các tính toán ngày càng có nguy cơ sai lầm và nguy cơ đó ngày càng tăng.
Hầu hết các máy bay không người lái và tên lửa do Houthi phóng đi trên tuyến đường Biển Đỏ đã bị lực lượng đặc nhiệm do Mỹ dẫn đầu chặn lại trong những ngày gần đây. Điều may mắn là không có trường hợp thương vong trên các tàu bị Houthi tấn công, nhưng may mắn đó có thể không xuất hiện nữa. Đã có một số người ở Lầu Năm Góc cho rằng Houthi là mối đe dọa đối với tự do hàng hải và nhóm này đã được phép tồn tại quá lâu.
Vào rạng sáng 1/1, trực thăng Mỹ đã đánh chìm 3 thuyền của Houthi đang tham gia một cuộc tấn công tàu, khiến những tay súng trên các thuyền này thiệt mạng. Trước đây, Mỹ tránh các cuộc tấn công trực tiếp vào các địa điểm tên lửa và trung tâm chỉ huy của Houthi ở Yemen, vì sợ làm chệch hướng tiến trình hòa bình ở đó.
Ngày 3/1, Mỹ và 11 đồng minh toàn cầu đã đưa ra cảnh báo với Houthi rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm về hậu quả nếu tiếp tục các cuộc tấn công hoạt động vận chuyển hàng hải trên Biển Đỏ. Một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ cho biết: “Tôi cho rằng sẽ không có một cảnh báo khác. Tuyên bố đã nói lên điều đó”.
Trong khi đó, cũng không thể biết các tính toán rủi ro - lợi ích ở Iran đang bị ảnh hưởng như thế nào trước diễn biến leo thang của các sự kiện kể từ khi Hamas tấn công Israel ngày 7/10/2023.
Vào ngày 25/12/2023, một nhân vật cấp cao trong IRGC đã bị sát hại trong một cuộc không kích của Israel vào Damascus (Syria). Sau đó vào ngày 2/1, phó lãnh đạo chính trị Hamas là Saleh al-Arouri đã bị giết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Israel vào Beirut (Liban).
Thủ lĩnh Hezbollah, ông Hassan Nasrallah, gọi vụ ám sát ông al-Arouri là một hành vi gây hấn nhằm vào Dahiyeh – khu vực ngoại ô phía Nam ở Liban và là thành trì của Hezbollah. Ông này coi đây là một cuộc tấn công vào Hezbollah và Liban.
Theo các nhà ngoại giao Mỹ, Đại sứ quán Liban ở Mỹ đảm bảo với chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng vụ giết phó thủ lĩnh Hamas sẽ không gây ra các cuộc trả thù hàng loạt của Hezbollah. Nếu xảy ra, điều có thể khiến các cuộc giao tranh nóng lên dọc theo biên giới tranh chấp giữa Israel và Liban. Tuy vậy, chính phủ Liban không phải lúc nào cũng đoán trước được ý định của Hezbollah.
Một yếu tố dễ biến động khác trong tình trạng hỗn loạn này là nền chính trị Israel. Kể từ ngày 7/10/2023, Israel không còn chấp nhận kẻ thù hiện diện ở sát biên giới. Mỹ đã can thiệp hai lần, ngay sau cuộc tấn công của Hamas vào tháng 10/2023 và sau đó là vào dịp Giáng sinh, để ngăn chặn Israel tấn công phủ đầu Hezbollah và kho vũ khí ước tính hơn 120.000 rocket của lực lượng này.
Tuy nhiên, trong vấn đề Gaza hay Liban, những lo ngại chính trị ở Israel sẽ lấn át áp lực của Mỹ đối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Trong những tháng gần đây, Mỹ và Pháp đang xem xét một giải pháp ngoại giao khả thi liên quan đến lực lượng nước ngoài và quân đội Liban đóng vai trò đệm. Một lựa chọn khác là củng cố lực lượng Liên hợp quốc được triển khai dọc theo biên giới Liban - Israel. Tuy nhiên, mọi hy vọng về một giải pháp hòa bình như vậy càng trở nên xa vời sau vụ ám sát ông al-Arouri và nhất là sau vụ đánh bom khốc liệt ở Kerman.