Tương lai nào cho hiệp ước hòa bình giữa Ai Cập và Israel?

Ai Cập đã tỏ ra thất vọng trước các động thái quân sự gần đây của Israel ở Rafah. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định Cairo sẽ không thay đổi việc duy trì các thoả thuận với Tel Aviv vì lợi ích lâu dài của họ.

Chú thích ảnh
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi (thứ 2 từ trái sang) cùng các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của Liên đoàn Arab và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) tại Riyadh, tháng 11/2023. Ảnh: AFP/TOI

Trong những tuần qua, dựa trên hàng loạt thông tin từ giới truyền thông, nhiều nhà quan sát nhận định mối quan hệ lâu đời giữa Israel và Ai Cập dường như sắp rạn nứt.

Sau khi Quân đội Israel (IDF) tiến hành chiến dịch trên bộ ở khu vực biên giới Rafah ngày 7/5, Cairo đã nhanh chóng phản ứng và giận dữ.

Kênh CNN của Mỹ đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Ai Cập cảnh báo Israel về ‘những hậu quả thảm khốc’”.

Giới chức Ai Cập giấu tên nói với các phóng viên rằng cuộc tấn công của Israel có thể gây nguy hiểm cho Hiệp định hòa bình năm 1979 giữa Cairo và Tel Aviv. Các quan chức khác cảnh báo hai nước có thể hạ cấp quan hệ ngoại giao.

Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Ai Cập tuyên bố sẽ tham gia vụ kiện của Nam Phi tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), cáo buộc Israel phạm tội ác diệt chủng.

Ai Cập cũng đã ngừng điều phối các xe viện trợ từ lãnh thổ nước này vào Gaza. Giới chức Cairo nhấn mạnh họ chỉ nối lại hoạt động viện trợ nếu phía bên kia cửa khẩu Rafah nằm dưới sự kiểm soát của người Palestine.

Một quan chức Israel giấu tên nói với nhật báo Haaretz: “Tình hình hiện nay đối với Ai Cập đang ở mức tồi tệ nhất kể từ khi xung đột nổ ra”.

Sau đó, các mối đe dọa đã dừng lại.

Chú thích ảnh
Một chiếc xe tăng của IDF ở phía Gaza của cửa khẩu biên giới Rafah - Ai Cập. Ảnh chụp màn hình X

Những tuyên bố giận dữ từ Ai Cập có thể đoán trước, song điều đó không báo hiệu rạn nứt sắp xảy ra trong mối quan hệ mà Cairo có lợi ích lâu dài nhiều mặt với Israel. Mặt khác, điều này phản ánh mối quan ngại sâu sắc của Ai Cập về cuộc xung đột kéo dài dai dẳng giữa Israel và Hamas, cũng như những kịch bản nguy hiểm có thể xảy ra sau đó.

Động thái của Ai Cập được thúc đẩy bởi các lợi ích cốt lõi của quốc gia – gồm kinh tế, an ninh và khu vực – điều mà nước này muốn bảo vệ trong bối cảnh giao tranh nổ ra ở Gaza.

Ai Cập đang chịu thiệt hại nặng nề về kinh tế do xung đột. Ngay cả trước khi Hamas tấn công Israel hôm 7/10/2023, nền kinh tế Ai Cập đã suy thoái liên tục. Nợ gia tăng khiến nước này phải cắt giảm các dịch vụ xã hội và trợ cấp cơ bản trong thập kỷ qua. Đồng thời việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào năm 2022 đã cắt đứt nguồn nhập khẩu lúa mì chính của nước này. Cairo đã phải phá giá đồng bảng để nhận khoản vay quan trọng từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, lạm phát cao ngất ngưỡng tiếp tục leo thang.

Trong bối cảnh đó, cuộc xung đột nổ ra ngay bên cạnh đất nước đã làm cho tình hình càng tồi tệ hơn.

Chú thích ảnh
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry. Ảnh: AFP/TTXVN

Một trong những nguồn ngoại tệ chính của Ai Cập – nguồn thu mà nước này cần để trả gần 200 tỷ USD nợ nước ngoài và nhập khẩu các mặt hàng quan trọng - là vận tải quốc tế qua kênh đào Suez. Tuy nhiên, lưu lượng đi lại qua kênh đào này đã giảm 50% do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào các tàu đi qua Biển Đỏ.

Du lịch, nguồn ngoại tệ quan trọng khác và là ngành chiếm hơn 8% GDP, cũng đang suy giảm mạnh vì chiến tranh.

Ngoài những thách thức đó, Ai Cập còn chứng kiến làn sóng lên tới 100.000 người tị nạn Gaza kể từ khi chiến tranh nổ ra.

Tình hình tại cửa khẩu Rafah không làm cho tình hình kinh tế của Ai Cập trở nên thuận lợi hơn.

Hành lang El-Arish đến Rafah cung cấp một phần đáng kể viện trợ chảy vào Gaza, Chính phủ đã kiếm tiền bằng cách tính phí xử lý mỗi chuyến hàng này. Nhưng chính Cairo đã quyết định ngừng các chuyến hàng viện trợ sau khi Israel kiểm soát cửa khẩu này.

Ai Cập coi đó là hành vi vi phạm Thỏa thuận về Di chuyển và Tiếp cận năm 2005 mà Israel đã ký với Chính quyền Palestine (PA) sau khi rút khỏi Dải Gaza. Thoả thuận quy định rằng PA sẽ kiểm soát phía Gaza của cửa khẩu dưới sự giám sát của Liên minh châu Âu. Trên thực tế, thoả thuận này đã bị đình chỉ sau khi Hamas tiếp quản Gaza năm 2007, nhưng Ai Cập muốn PA giành lại quyền kiểm soát khu vực biên giới này.

Chú thích ảnh
Xe tải Ai Cập chở hàng viện trợ nhân đạo đến Dải Gaza xếp hàng bên ngoài biên giới Rafah phía Ai Cập. Ảnh: AFP/TOI

Ông Ofir Winter, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Tel Aviv, giải thích: “Phản ứng của Ai Cập nhằm làm rõ với Israel rằng sự hiện diện của Tel Aviv tại các cửa khẩu biên giới là bất hợp pháp, và các quyết định thiếu phối hợp sẽ phải trả giá - gây thiệt hại cho quan hệ song phương”.

Ai Cập còn có một động cơ quan trọng khác khiến nước này từ chối chấp nhận sự hiện diện của Israel ở biên giới Rafah.

“Động thái này gửi tín hiệu tới những người chỉ trích Chính quyền của Tổng thống Abdel-Fattah el-Sissi và trong thế giới Arab rằng Cairo không hợp tác với Israel trong việc kiểm soát cửa khẩu Rafah”, ông Winter nói.

Giữa tất cả những thách thức đó, nếu Ai Cập đi đúng hướng, cuộc chiến ở Gaza có thể thay đổi vị thế của nước này trong khu vực.

Ông Michael Barak, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện chống khủng bố quốc tế thuộc Đại học Reichman, cho biết: “Ai Cập coi đây là cơ hội vàng tận dụng cuộc khủng hoảng hiện nay nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề Palestine. Ai Cập cũng đang cố gắng củng cố hình ảnh của nước này trong thế giới Arab”.

Theo ông Barak, Ai Cập cũng muốn gửi tín hiệu tới Mỹ rằng nước này là một đồng minh rất quan trọng trong khu vực. Ao Cập có thể đưa Israel và Hamas đến bàn đàm phán cũng như đạt được lệnh ngừng bắn.

Chú thích ảnh
Các binh sĩ IDF hoạt động tại khu vực Rafah của Dải Gaza hôm 20/5. Ảnh: IDF

Song Ai Cập sẽ phải nỗ lực rất nhiều để cố gắng rút ngắn cuộc xung đột, thậm chí có nguy cơ làm căng thẳng mối quan hệ với Washington. CNN đưa tin tình báo Ai Cập đã thay đổi các điều khoản của thỏa thuận con tin mà Israel đã đồng ý, trong khi các nhà hòa giải khác không hề hay biết. Nỗ lực thiếu quyết đoán đó đã khiến Qatar, Mỹ và Israel tức giận và các cuộc đàm phán đã bị đình trệ kể từ đó.

Cho đến khi đạt được mục tiêu quan trọng đó, Cairo đang tìm kiếm quan điểm rõ ràng của Israel về tương lai của Dải Gaza và việc quản lý cửa khẩu Rafah, trước khi đồng ý hợp tác viện trợ. Ai Cập cũng gửi nhiều tín hiệu rằng họ không có ý định làm bất cứ điều gì quá quyết liệt chống lại Israel.

Ngoại trưởng Sameh Shoukry cho biết trong ngày Ai Cập tuyên bố sẽ tham gia vụ kiện của ICJ: “Thỏa thuận hòa bình với Israel là lựa chọn chiến lược của Ai Cập trong 40 năm qua. Thoả thuận này giống như trụ cột hòa bình chính giúp đạt được hòa bình và ổn định trong khu vực”.

Sau khi cáo buộc Israel trốn tránh các nỗ lực ngừng bắn, Tổng thống Ai Cập Sissi cho biết tuần trước tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab: “Bất chấp bức tranh ảm đạm hiện nay, Ai Cập vẫn nuôi hy vọng rằng tiếng nói của lẽ phải, công lý và sự thật cuối cùng sẽ chiến thắng, cứu khu vực này khỏi những làn sóng chiến tranh và đổ máu bất tận”.

Đáng chú ý, không giống như các đặc phái viên từ các quốc gia như UAE, Đại sứ Ai Cập tiếp tục công việc từ Tel Aviv, và đặc phái viên của Israel cũng thực hiện điều tương tự ở Cairo. Ngoài ra, hợp tác an ninh giữa hai nước vẫn chặt chẽ, các phái đoàn vẫn qua lại thường xuyên.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo TOI)
Mỹ bày tỏ hài lòng khi Israel điều chỉnh kế hoạch quân sự ở Rafah
Mỹ bày tỏ hài lòng khi Israel điều chỉnh kế hoạch quân sự ở Rafah

Hôm 21/5, quan chức cấp cao của Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết Israel đang cập nhật kế hoạch tấn công quân sự ở Rafah theo cách khiến Mỹ hài lòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN