Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã gặp trực tiếp ngày 22/5, sau một ngày cuối tuần tiếp tục đàm phán về việc nâng trần nợ quốc gia, và khi chỉ còn ít ngày nữa là đến "hạn chót" - chính phủ cạn tiền để chi trả các hóa đơn. Hai bên đang thảo luận để đạt được thỏa hiệp về ngân sách trước ngày 1/6, thời điểm mà Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói rằng đất nước có thể vỡ nợ.
Ông McCarthy và các đảng viên Cộng hòa đang khăng khăng cắt giảm chi tiêu để đổi lấy việc tăng trần nợ. Tổng thống Biden đã đến bàn đàm phán sau nhiều tháng do dự nhưng vẫn cho rằng các nhà lập pháp Công hòa phải từ bỏ "quan điểm cực đoan" của họ.
Vào tối 21/5 (theo giờ địa phương), các nhà đàm phán đã gặp lại nhau và dường như đang thu hẹp bất đồng về năm ngân sách 2024 để có thể giải quyết bế tắc. Kết thúc buổi điện đàm với Tổng thống vừa trở về sau chuyến công du châu Á, nghị sĩ McCarthy có vẻ lạc quan. Nhưng ông cảnh báo rằng vẫn "chưa có thỏa thuận về bất cứ điều gì."
Cuộc chiến trần nợ xoay quanh vấn đề gì?
Theo tờ Le Monde (Pháp), vốn là một hành động thường lệ của Quốc hội, cuộc bỏ phiếu nâng trần nợ cho phép Bộ Tài chính tiếp tục vay tiền để thanh toán các hóa đơn đã phát sinh của chính phủ. Cuộc bỏ phiếu trong những năm gần đây đã được sử dụng như một đòn bẩy chính trị, tức là một dự luật có thể được thông qua đi kèm với các ưu tiên khác.
Các đảng viên Cộng hòa, nắm quyền đa số tại Hạ viện, hiện đang từ chối nâng giới hạn nợ trừ khi Tổng thống Biden và đảng viên Đảng Dân chủ áp đặt lệnh cắt giảm chi tiêu liên bang và hạn chế chi tiêu trong tương lai.
Đảng Cộng hòa nói rằng khoản nợ của quốc gia, hiện ở mức 31 nghìn tỷ USD, là không bền vững. Họ cũng muốn việc thông qua trần nợ phải gắn kèm các ưu tiên khác, bao gồm các yêu cầu công việc khó khăn hơn đối với những người nhận trợ cấp tiền mặt của chính phủ, phiếu thực phẩm và chương trình chăm sóc sức khỏe Medicaid. Nhiều đảng viên Đảng Dân chủ phản đối những yêu cầu đó.
Tổng thống Biden khăng khăng yêu cầu Quốc hội phê duyệt trần nợ mà không có điều kiện ràng buộc nào, nói rằng chính phủ Mỹ luôn thanh toán các hóa đơn và việc vỡ nợ là vấn đề không thể thương lượng. Nhưng khi phải đối mặt với hạn chót là 1/6, thời điểm cạn tiền, ông Biden đã khởi động các cuộc đàm phán với phe Cộng hòa.
Những điểm nghẽn của năm nay là gì?
Đảng Cộng hòa muốn giảm chi tiêu xuống mức năm 2022 và hạn chế chi tiêu trong thập kỷ tới. Nhưng Đảng Dân chủ không sẵn sàng mạnh tay cắt giảm chi tiêu liên bang như vậy. Thay vào đó, Nhà Trắng đề xuất giữ nguyên chi tiêu ở mức hiện tại của năm 2023.
Ngoài ra còn có các ưu tiên chính sách đang được xem xét, bao gồm các bước có thể giúp đẩy nhanh việc xây dựng và phát triển các dự án năng lượng mà cả đảng Cộng hòa và một số đảng viên Dân chủ đều mong muốn.
Các đảng viên Đảng Dân chủ đã kịch liệt phản đối nỗ lực của Đảng Cộng hòa nhằm áp đặt các yêu cầu công việc khắt khe hơn đối với những người nhận viện trợ của chính phủ thông qua phiếu thực phẩm, chăm sóc sức khỏe Medicaid và các chương trình hỗ trợ tiền mặt. Mặc dù vậy, Tổng thống Biden vẫn để ngỏ khả năng cho một số cuộc thảo luận về vấn đề này.
Điều gì xảy ra nếu không tăng trần nợ?
Một vụ vỡ nợ của chính phủ Mỹ sẽ là chưa từng có và sẽ tàn phá nền kinh tế quốc gia. Bộ trưởng Tài chính Yellen và các chuyên gia kinh tế nói rằng nó có thể là "thảm họa". Thực sự không có một kịch bản chi tiết về những gì sẽ xảy ra, nhưng nó sẽ có tác động sâu rộng.
Bà Yellen nhận định rằng, việc chính phủ vỡ nợ sẽ phá hủy việc làm và doanh nghiệp, khiến hàng triệu gia đình dựa vào các khoản thanh toán của chính phủ liên bang "có thể không được trả lương", bao gồm cả những người thụ hưởng An sinh xã hội, cựu chiến binh và gia đình quân nhân. Các quan chức chính phủ ước tính hơn 8 triệu người có thể mất việc làm. Nền kinh tế có thể lao vào suy thoái.
“Việc vỡ nợ có thể gây ra đau khổ trên diện rộng khi người Mỹ mất thu nhập mà họ cần để trang trải cuộc sống. Sự gián đoạn đối với các hoạt động của chính phủ liên bang sẽ ảnh hưởng đến kiểm soát không lưu và thực thi pháp luật, an ninh biên giới và quốc phòng cũng như an toàn thực phẩm", bà Yellen cảnh báo.
Vận dụng Tu chính án thứ 14
Một số đảng viên Đảng Dân chủ đã đề xuất rằng họ có thể tự nâng trần nợ mà không cần sự hỗ trợ từ đảng Cộng hòa. Những người cấp tiến đã thúc giục Tổng thống Biden viện dẫn một điều khoản trong Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp nói rằng tính hợp lệ của khoản nợ công ở Mỹ "sẽ không bị nghi ngờ". Họ lập luận rằng, dựa trên điều khoản này, để vỡ nợ sẽ là vi hiến.
Những người ủng hộ hành động đơn phương nói rằng Tổng thống Biden đã có quyền vô hiệu hóa trần nợ nếu Quốc hội không nâng nó lên, để phù hợp với điều khoản trong Tu chính án 14 cho rằng tính hợp lệ của khoản nợ quốc gia "không bị nghi ngờ".
Về phần mình, Tổng thống Biden hôm 21/5 cho rằng, việc ông có hành động một mình hay không vẫn là một "câu hỏi mà tôi nghĩ vẫn chưa được giải quyết".
Trong khi đó, tại Quốc hội, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries đã đưa ra một quy trình "đẩy" vấn đề ra Hạ viện và buộc tổ chức một cuộc bỏ phiếu về tăng trần nợ. Đó là một thủ tục lập pháp rườm rà, nhưng ông Jeffries kêu gọi các đảng viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện ký vào dự luật này với hy vọng thu thập được đa số cần thiết để kích hoạt một cuộc bỏ phiếu.
Thách thức đối với Đảng Dân chủ là họ chỉ có 213 thành viên đứng về phía mình – thiếu 5 người so với 218 thành viên cần thiết để chiếm đa số. Để 5 đảng viên Cộng hòa tham gia nỗ lực này sẽ không dễ dàng. Việc thành viên Cộng hòa ký vào đơn thỉnh cầu từ phe thiểu số được coi là một sự sỉ nhục lớn đối với lãnh đạo đảng, đặc biệt là về một vấn đề quan trọng như trần nợ. Rất ít đảng viên Cộng hòa có thể sẵn sàng gánh chịu hậu quả của hành động đó.