Trung Quốc tăng cường hải quân và “thế bao vây” của Mỹ, Nhật tại Biển Đông

Ngày 12/7 vừa qua, Tòa Trọng tài Thường trực tại La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết có lợi cho Philippines liên quan đến tranh chấp Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh. Những tuần tiếp theo đã chứng kiến một sự leo thang rõ rệt trong việc phát triển quân sự, các hoạt động và tuyên bố chính trị từ Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản…

Trong bài bình luận trên trang mạng Globalresearch ngày 16/8, ông Brian Kalman, chuyên gia quản lý trong ngành công nghiệp vận tải biển, người từng là sĩ quan thuộc lực lượng Hải quân Mỹ trong 11 năm, đã đưa ra bình luận về những diễn biến gần đây liên quan đến sự phát triển hải quân của Trung Quốc và cuộc cạnh tranh địa chính trị tại Biển Đông. Dưới đây là một số nội dung chính của bài viết.

Máy bay trực thăng cất cánh từ tàu sân bay của hải quân Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Sự phát triển hải quân của Trung Quốc


Sau phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc đã thực hiện một số bước mà dường như, nhìn bề ngoài, là để phản ứng theo lẽ tự nhiên. Phương tiện truyền thông phương Tây phần lớn miêu tả những hành động này chỉ theo một cách như vậy; tuy nhiên, nhiều hành động leo thang rõ ràng của Bắc Kinh đã diễn ra nhiều năm, được thực hiện trong bối cảnh có hoặc không liên quan trực tiếp đến phán quyết này.

Đặc biệt, chỉ vài ngày sau phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc bắt đầu tuần tra chiến đấu trên các vùng tranh chấp ở Biển Đông. Những cuộc tuần tra trên không bao gồm cả máy bay ném bom chiến lược, máy bay tiếp dầu và máy bay chiến đấu.

Máy bay ném bom H-6K (dựa trên máy bay Tu-16 của Liên Xô), có khả năng mang theo bom hạt nhân và tên lửa hành trình, đã được phái đi cùng với máy bay chiến đấu Su-30 và các máy bay tiếp dầu (nhiều khả năng là máy bay HY-6 hoặc thậm chí IL-78). H-6K có sáu mấu cứng dưới cánh vốn có thể mang tên lửa hành trình hạt nhân tấn công mặt đất DF-10 (LACM) hoặc tên lửa hành trình chống tàu YJ-12 (ASCM).

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã phái hàng loạt tàu hải giám và các đội tàu cá dân sự tới những vùng biển quanh bãi cạn Scarborough. Trung Quốc tiếp tục phát triển các khả năng quân sự trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông, và tiếp tục hạ thủy, đưa vào hoạt động các tàu hải quân uy lực với tốc độ chóng mặt.

Mặc dù việc quyết định thời gian về kế hoạch chế tạo tàu khu trục Type 052D bổ sung và một tàu Hải cảnh mới dựa trên cơ sở tàu khu trục nhỏ Type 054 chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên với thời điểm ra phán quyết của Tòa Trọng tài, chúng thực sự nhấn mạnh tốc độ chóng mặt trong việc Trung Quốc đang tăng cường nền tảng chiến tranh hải quân mới.

Kể từ tháng 3 năm nay, ít nhất chín tàu hải quân cỡ lớn của Trung Quốc đã được đưa vào hoạt động. Lực lượng hải cảnh của nước này cũng tiếp tục được tăng cường.

Cụ thể ngày 7/3, ba tàu đổ bộ (LST) Type 072A được đưa vào hoạt động. Chúng được biên chế cho hạm đội Biển Hoa Đông, khu vực hoạt động trong đó bao gồm quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Việc bổ sung thêm tàu có năng lực đổ bộ mới này sẽ gửi một thông điệp rõ ràng cho cả Nhật Bản và Đài Loan, rằng Trung Quốc đang hiện đại hóa và mở rộng khả năng tấn công đổ bộ của họ.

Ngày 30/5, tàu khu trục Lớp Type 054A (FFG) được đưa vào hoạt động, cộng với một tàu Type 054A khác chỉ một tuần sau đó. Ngày 8/6, tàu hộ tống cỡ nhỏ Type 056A cũng được đưa vào phục vụ.

Điều này có nghĩa là trong một tuần Trung Quốc đã biên chế 3 ba chiến hạm hiện đại cho hải quân. Cũng trong tháng 6, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã nhận riêng tàu khu trục cỡ nhỏ Type 054A đã cải tiến.

Tiếp đó ngày 15/7, Hải quân Trung Quốc đã chứng kiến sự vận hành của hai tàu bổ sung mới Type 903A. Những tàu này là rất quan trọng trong việc cung cấp hỗ trợ hậu cần cho các hạm đội được phái đi trong thời gian dài, hoặc trong thời gian chiến tranh khi đạn dược và nhiên liệu được tiêu thụ ở mức cao hơn.

Chúng sẽ cho thấy sự cần thiết đối với bất kỳ việc triển khai nhóm tàu sân bay tấn công (CSG) nào trong tương lai. Có lẽ đáng kể nhất, tàu khu trục Type 052D thứ 4, được đưa vào phục vụ ngày 12/7. Con tàu thứ 5 loại này sẽ sớm được đưa vào biên chế và hiện đang trải qua các cuộc thử nghiệm trên biển.

Thêm 6 chiếc tàu Type 052D nữa hiện đang được xây dựng và trang bị tại xưởng đóng tàu Đại Liên và Giang Nam. Những tàu này đại diện cho các chiến hạm tiên tiến và uy lực nhất trong kho vũ khí của hải quân Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc hiện có lực lượng hải cảnh (CCG) lớn nhất trong khu vực, và đã bổ sung lên tới khoảng 200 tàu thuộc tất cả các kích cỡ. Lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng có 2 tàu tuần tra lớn nhất so với bất kỳ tàu nào của các lực lượng bảo vệ bờ biển khác trong khu vực.

Đó là các tàu tuần tra khổng lồ CCG 2901 và CCG 3901 có lượng giãn nước trong khoảng 12.000 - 15.000 tấn, cả hai đều lớn hơn tàu bảo vệ bờ biển lớp Shikishima của Nhật Bản, với lượng giãn nước là 6.500 tấn.

Thế trận của Mỹ, Nhật Bản


Trong khi đó, Mỹ đã loan báo phán quyết của Tòa Trọng tài là phán quyết cuối cùng về tranh chấp đồng thời kêu gọi Trung Quốc chấp nhận ý nguyện của cộng đồng quốc tế và tuân thủ luật pháp quốc tế. Trớ trêu là, điều này lại đến từ một trong một số ít các quốc gia đã từ chối phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.


Mỹ cũng đã đưa ra biện pháp chưa từng có tiền lệ - triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, có vẻ là nhằm bảo vệ quốc gia Đông Bắc Á này trước những tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Trung Quốc đã coi động thái này là điều làm thay đổi môi trường chiến lược trong khu vực, và đặt Bắc Kinh vào thế bất lợi rõ rệt.

Mỹ đã có lập trường phản đối Trung Quốc trong việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông ngay từ đầu, và đã đi đầu trong một loạt hoạt động đi lại tự do hàng hải bằng các tàu chiến và bằng các chuyến bay của cả máy bay do thám lẫn thậm chí là máy bay ném bom B- 52, bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái.

Ngày 12/8, Mỹ đã công bố việc triển khai thêm máy bay ném bom B-52 Stratofortress đến Guam. Quan trọng hơn, việc triển khai bổ sung máy bay ném bom chiến lược B-1 và B-2 tới hòn đảo này cũng đã được công bố. Điều đó đánh dấu lần đầu tiên những tài sản hạt nhân chiến lược được triển khai tới Guam.

Cả máy bay ném bom B-1 và B-2 được thiết kế để có thể thâm nhập vào hệ thống phòng không tiên tiến của đối phương để thực hiện các vụ tấn công vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường dẫn đường chính xác. Việc triển khai các tài sản đó đã làm leo thang tình hình vốn đã không ổn định.

Tàu khu trục USS Shiloh của Mỹ neo đậu tại Vịnh Subic, căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở Philippines ngày 30/5. Ảnh: AFP/ TTXVN


Về phần mình, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một loạt những tuyên bố cứng rắn sau phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7, có lẽ là để phản ứng với các hành động của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, hoặc phối hợp với Mỹ trong một chiến lược phòng thủ rộng lớn hơn.

Những tuyên bố này chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm một chính phủ Trung Quốc đang ngày càng bị đả kích bởi một nỗ lực chung nhằm kiềm chế Bắc Kinh. Dường như Nhật Bản đang tăng cường hợp tác với cả Mỹ và Philippines trong thế trận phòng thủ hướng vào Trung Quốc.

Những tuần ngay sau phán quyết của Tòa Trọng tài, đã được đánh dấu bởi một sự leo thang ngày càng tăng ở Biển Đông (và cả Biển Hoa Đông). Sự leo thang này thậm chí đã tác động đến Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản về mặt thế trận phòng thủ chiến lược rộng lớn hơn của họ.

Dựa vào tốc độ sự leo thang hiện nay, thế giới có vài tuần hoặc vài tháng chờ đợi để xem liệu có bất kỳ bên liên quan nào sẵn sàng tham gia vào các cuộc đối đầu quân sự mở để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền và lợi ích của họ trong cuộc khủng hoảng nóng nhất toàn cầu này hay không.

Công Thuận (Theo globalresearch)
Mỹ nghi ngờ cam kết của ông Tập Cận Bình trong vấn đề Biển Đông
Mỹ nghi ngờ cam kết của ông Tập Cận Bình trong vấn đề Biển Đông

Nghi ngờ này được Giám đốc Văn phòng Báo chí Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau khẩn cấp đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN