Trung Quốc lập "chốt chặn" cửa ngõ Bắc Biển Đông?

Lầu Năm Góc từng tuyên bố rằng bất kỳ sự tăng cường nào trên bãi cạn Scarborough là “ranh giới đỏ” Trung Quốc không nên vượt qua.

Tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp cận và phun nước vào tàu ngư dân Philippines ở gần bãi cạn Scarborough.Ảnh: AP

Theo trang mạng Freebeacon ngày 11/8, Trung Quốc đang tăng cường các lực lượng an ninh hàng hải xung quanh một đảo có tranh chấp chính ở Biển Đông mà Lầu Năm Góc đã cảnh báo Bắc Kinh không được quân sự hóa.

Các quan chức Lầu Năm Góc cho rằng số lượng các tàu an ninh hàng hải của Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough đã tăng lên một cách nhanh chóng vài tuần qua.

Trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã giới hạn triển khai các tàu hải quân tại bãi cạn Scarborough khoảng 2 hoặc 3 tàu an ninh hàng hải vốn tương tự như tàu bảo vệ bờ biển (hay còn gọi là tàu hải cảnh).

Nhưng trong vài tuần gần đây, số lượng các tàu chiến của Trung Quốc đã tăng lên hơn chục chiếc. Bên cạnh đó, Trung Quốc dường như đang gửi một đội tàu lớn gồm hàng trăm tàu cá tới bãi cạn Scarborough, tương tự như những gì đã diễn ra tại Biển Hoa Đông. Trung Quốc đã gửi tổng cộng 324 tàu cá và 13 tàu an ninh hàng hải tới các vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku do Tokyo kiểm soát trên Biển Hoa Đông, nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Sự gia tăng các tàu hải quân mới này tại bãi cạn Scarborough cùng với những hoạt động quân sự mang tính khiêu khích khác của Trung Quốc trên khắp Biển Đông diễn ra trong bối cảnh sau khi Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan) ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền rộng lớn của Bắc Kinh ở vùng biển này.

Việc tăng cường hoạt động hải quân trên là một sự phát triển mới. Tuần trước, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, nói với tờ Wall Street Journal rằng "Trung Quốc không hề thay đổi cách cư xử ở bãi cạn [Scarborough] về mặt nạo vét".

Các hoạt động hải quân mới đây của Trung Quốc trên bãi cạn Scarborough có khả năng làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter cũng tuyên bố, việc quân sự hóa bãi cạn trên là "ranh giới đỏ" mà Trung Quốc không nên vượt qua. Ông nhấn mạnh: "Tôi hy vọng, diễn biến này không xuất hiện bởi vì nó sẽ khiến cả Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực phải hành động. Điều này có thể có hệ quả không chỉ làm gia tăng căng thẳng mà còn khiến Trung Quốc bị cô lập".


Các chuyên gia quân sự cho rằng việc Trung Quốc gia tăng sự hiện diện quân sự tại bãi cạn Scarborough có thể là bước đầu tiên để nước này thực hiện việc cải tạo đất trên bãi cạn vốn có vị trí gần nơi các lực lượng Mỹ sẽ được triển khai ở Philippines.

Đại tá Hải quân đã về hưu và từng là người đứng đầu cơ quan tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Jim Fanell, bình luận: "Việc Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của các tàu quân sự tại bãi cạn Scarborough có thể thấy rằng Bắc Kinh hiện đã quyết định bắt đầu quá trình cải tạo đất trên và quanh bãi cạn này nhằm thiết lập sự hiện diện quân sự lớn hơn tại cửa ngõ phía Bắc Biển Đông".

Lần gần đây nhất Trung Quốc phái lượng lớn tàu hải quân tới bãi cạn Scarborough là vào tháng 4/2012, khi hơn 10 tàu được triển khai. Những tàu này đã thiết lập một hàng rào an ninh quanh bãi cạn Scarborough và ngăn cản các tàu của Philippines quá cảnh ở vùng biển gần đó.

Công Thuận
Mỹ nghi ngờ cam kết của ông Tập Cận Bình trong vấn đề Biển Đông
Mỹ nghi ngờ cam kết của ông Tập Cận Bình trong vấn đề Biển Đông

Nghi ngờ này được Giám đốc Văn phòng Báo chí Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau khẩn cấp đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN