Tín hiệu từ việc Ukraine chuyển hệ thống tên lửa phòng không Patriot ra khỏi sân bay ở Kiev

Những bức ảnh vệ tinh chụp Sân bay Quốc tế Sikorsky Kiev vào ngày 7 và 25/11 đã phác thảo một câu chuyện thầm lặng về sự chuẩn bị và ứng phó của Ukraine trước các cuộc tấn công từ phía Nga.

Chú thích ảnh
Hình ảnh vệ tinh ngày 25/11 cho thấy hệ thống tên lửa phòng không MIM-104 Patriot không còn ở vị trí cũ tại Sân bay Quốc tế Sikorsky Kiev như trong bức ảnh vệ tinh ngày 7/11 nữa. Ảnh: Telegram

Thông tin chi tiết từ hình ảnh vệ tinh vào ngày 7 và 25/11 đã chỉ ra sự thay đổi về vị trí của hệ thống tên lửa phòng không MIM-104 Patriot tại Sân bay Zhuliany hay còn gọi là Sân bay Quốc tế Sikorsky Kiev). Cụ thể là vào ngày 25/11, hệ thống tên lửa phòng không MIM-104 Patriot không còn ở vị trí cũ như trong bức ảnh vệ tinh ngày 7/11 nữa.

Sự thay đổi này có ý nghĩa quan trọng vì vào đúng ngày 25/11, quân đội Nga đã phát động một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cảm tử (Shahed-136/Geran-2) nhằm vào khu vực lân cận sân bay. Theo trang tin quân sự Bulgaria, đây là cuộc tấn công quan trọng nhất kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự nhằm tại Ukraine vào ngày 24/2/2022.

Báo cáo từ Bộ Quốc phòng Ukraine cho hay quân đội Nga đã điều động khoảng 75 máy bay không người lái để thực hiện nhiệm vụ trong chiến dịch đặc biệt này. Các chuyên gia từ Ukraine đã chỉ ra rằng tâm điểm của cuộc tấn công không ai khác chính là thủ đô Kiev của Ukraine. Truy tìm dữ liệu từ Bộ Quốc phòng Ukraine, người ta thấy rằng khoảng 66 trong tổng số 75 máy bay không người lái của Nga đã hoạt động quanh đường chân trời của Kiev hoặc khu vực lân cận.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ukraine vẫn giữ vững quan điểm rằng lực lượng phòng không địa phương đã thành công trong việc đánh chặn và vô hiệu hóa 74 trong số 75 máy bay không người lái của phía Nga. Và bất chấp cuộc tấn công dữ dội đó, sân bay Zhuliany hầu như không bị hư hại, theo ảnh vệ tinh ngày 25/11 ngoại trừ một điểm là các bệ phóng của hệ thống tên lửa phòng không MIM-104 Patriot đã không còn ở vị trí cũ nữa.

Các nhà phân tích từ cả Ukraine và Nga đều nhất trí rằng hệ thống tên lửa phòng không MIM-104 Patriot của Ukraine ở sân bay Zhuliany bị máy bay không người lái cảm tử của Nga tấn công. Tuy nhiên, không có mốc thời gian thống nhất nào về thời điểm hệ thống tên lửa phòng không MIM-104 Patriot của Ukraine được di dời: ngay sau cuộc tấn công vào sáng sớm 25/11 hay trước khi cuộc tấn công bắt đầu?

Dẫu như thế nào thì đối với Nga, họ đã chọn thủ đô của Ukraine làm mục tiêu chính với mục đích rõ ràng là chế ngự các hệ thống phòng thủ đô thị. Đồng thời, phía Nga đã có những cải tiến đối với máy bay không người lái nhằm giảm khả năng sớm phát hiện chúng của lực lượng phòng thủ. Cụ thể là các máy bay không người lái được sử dụng trong đợt tấn công mới nhất được phủ sợi carbon và sơn đen nhằm tăng khả năng tàng hình.

Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh ngày 25/11 cho thấy lực lượng phòng thủ Ukraine vẫn đứng vững, vô hiệu hóa thành công gần như mọi mối đe dọa. Bên cạnh đó, việc di dời hệ thống tên lửa phòng không MIM-104 Patriot cho thấy phản ứng chiến lược của Ukraine trước các mối đe dọa trên không. Sắp tới, hệ thống phòng thủ của Ukraine sẽ còn được tăng cường.

Chú thích ảnh
Hệ thống tên lửa PAC-3 do Mỹ sản xuất. Ảnh: AFP

Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Ukraine (Ukrinform) hôm 24/11, Đại sứ Đức tại Ukraine, ông Martin Jager cho biết: "Tình hình trong mùa đông có thể trở nên khó khăn hơn. Ukraine đã cố gắng hết sức để chuẩn bị cho kịch bản này và chúng tôi hỗ trợ họ chuẩn bị. Ngoài các hệ thống IRIS-T đã được chuyển giao, Đức sẽ gửi một hệ thống Patriot khác tới Ukraine vào mùa đông này".

Hồi giữa tháng 11, ông Jaeger từng nói Chính phủ Đức sẽ cung cấp thêm 2 hệ thống phòng không IRIS-T cho Ukraine vào cuối năm nay.

Trước đó, vào tháng 10/2023, Bộ Quốc phòng Đức đã công bố gói viện trợ mùa đông cho Ukraine có tổng trị giá hơn 1 tỷ euro, bao gồm các hệ thống phòng không Patriot và IRIS-T bổ sung.

Patriot là hệ thống tên lửa đất đối không và là một trong những hệ thống phòng không tinh vi nhất của quân đội Mỹ. Trong đó, Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) là hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đang được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai như một phần trong chiến lược phòng thủ.

Hệ thống Patriot bao gồm bệ phóng, trạm điều khiển và mang theo tối đa 16 tên lửa. Bệ phóng có thể được vận chuyển bằng xe tải, xe kéo và có thể được vận hành bởi một kíp gồm ba người.

Ở thời điểm hiện tại, tên lửa PAC-3 MSE được đánh giá là phiên bản mạnh nhất của hệ thống đánh chặn Patriot. Tên lửa này có tốc độ cao, sử dụng công nghệ tìm - diệt mục tiêu chính xác cho phép đánh chặn nhiều mục tiêu trên không như tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu.

Tên lửa PAC-3 MSE có chiều dài 5,21 m, có trọng lượng 312 kg, được trang bị một động cơ kép xung lực, có thể tiêu diệt tên lửa đang bay tới ở độ cao 40 km với tốc độ bay đạt Mach 5.

Cho đến nay, quân đội Ukraine không tiết lộ phiên bản nào của hệ thống tên lửa Patriot mà họ nhận được. Defense Express, cơ quan tư vấn quốc phòng có trụ sở tại Kiev, nhận định đây là biến thể PAC-3 chuyên tấn công các mục tiêu đạn đạo, vấn đề lớn nhất của lực lượng phòng không Ukraine.

Thành Nam/Báo Tin tức
Bị UAV cảm tử đánh trúng, xe tăng Nga thoát chết trong gang tấc nhờ một tích hợp đơn giản
Bị UAV cảm tử đánh trúng, xe tăng Nga thoát chết trong gang tấc nhờ một tích hợp đơn giản

Khi chiếc máy bay không người lái (UAV) cảm tử lao vào, một quả cầu lửa đã bùng lên, nhưng chiếc xe tăng T-80BV vẫn băng băng về phía trước. Sau đó, người lái xe tăng đã nhảy ra từ tháp pháo, dường như để kiểm tra thiệt hại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN