Trong một phát biểu được truyền thông châu Âu đăng tải hôm 26/11, tướng 4 sao về hưu James L. Jones, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho rằng người cuộc phản công trên bộ của Ukraine đã bị cản trở vì thiếu sức mạnh của không quân.
Do Ukraine không có sức mạnh của không quân, người Nga đã có thêm thời gian chuẩn bị về công sự và bố trí các bãi mìn và vì thế người Ukraine khó đạt được nhiều thành công hơn.
Theo tướng Jones, người Ukraine hiểu rõ rằng nếu không có sức mạnh không quân, trả giá về nhân lực sẽ tăng theo cấp số nhân. Trong khi đó, đối với Ukraine, nhân lực thực sự quan trọng.
Với tư cách là một chuyên gia quân sự, tướng Jones đã nhiều lần đề cập tới sự thiếu hụt về sức mạnh không quân của Ukraine khi nói về danh sách trang, thiết bị, vũ khí mà Kiev cần.
Xem ra những kỳ vọng của tướng Jones, khoảng trống về sức mạnh quân sự của Ukraine trong cuộc xung đột không cân xứng với Nga sắp được thu hẹp.
Trong bản tin phát đi vào ngày 28/11, chuyên trang thông tin IO dẫn nguồn tin cậy cho biết Pháp và Ukraine đang thảo luận về khả năng Paris cung cấp cho Kiev 6 máy bay chiến đấu Dassault Mirage 2000.
Đây không phải là vấn đề mới mẻ bởi từ tháng 9/2023 đã có thông tin về việc Kiev nêu ra yêu cầu cung cấp máy bay chiến đấu với Paris, nhưng khi đó mới được đề cập một cách mơ hồ, chưa rõ số lượng cũng chưa rõ là máy bay Rafale hay Mirage.
Về nhu cầu đối với chiến đấu cơ Mirage 2000, tứng tháng 3/2023, IO đã đưa tin dự trên nguồn tình báo kỹ thuật số rằng Ukraine có nguyện vọng mua tối thiểu 40 máy bay chiến đấu Mirage 2000-9, tương đương 2 trung đoàn.
Nghiên cứu độc lập của IO chỉ ra các nhà cung cấp tiềm năng, trong đó đáng chú ý là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Indonesia và Hy Lạp.
Không quân Nga rõ ràng đã giành lợi thế trước Ukraine trên bầu trời. Do đó, Kiev đã nhiều lần đề nghị phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu hiện đại để chống lại ưu thế của lực lượng không quân lớn hơn và tiên tiến hơn của Nga.
Ngoài chiến đấu cơ Mirage 2000, Kiev hy vọng sẽ nhận được tới 50 chiếc tiêm kích F-16 từ phương Tây.
Sau nhiều do dự, Tổng thống Mỹ Joe Biden từ hồi tháng 5 đã ủng hộ các quốc gia châu Âu viện trợ F-16 cho Kiev, đồng thời thông qua các chương trình đào tạo phi công Ukraine vận hành những chiếc tiêm kích hiện đại này.
Hãng tin Reuters ngày 17/8 dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken đã gửi thư tới những người đồng cấp Đan Mạch và Hà Lan để đảm bảo với họ rằng các yêu cầu chuyển tiêm kích F-16 cho Ukraine sẽ được chấp thuận.
Theo Ngoại trưởng Mỹ, việc này sẽ cho phép Ukraine "tận dụng tối đa các khả năng mới ngay sau khi nhóm phi công đầu tiên hoàn thành khóa đào tạo".
Theo tướng James Hecker, chỉ huy Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu, việc trang bị máy bay chiến đấu F-16 sẽ là một bước tiến cho lực lượng không quân Ukraine.
Những chiếc tiêm kích F-16 sẽ phù hợp hơn với những vũ khí do phương Tây sản xuất mà Ukraine đã nhận được trước đó, cho nên sẽ hỗ trợ và bổ sung năng lực tác chiến cho Ukraine.