Tin giả trên Facebook làm trầm trọng thêm cho cuộc khủng hoảng biên giới châu Âu

Sau hơn một tuần ngủ trong lều lạnh lẽo ở biên giới Belarus-Ba Lan và bị tấn công bởi vòi rồng và bình xịt hơi cay, anh Mohammad Faraj từ bỏ ý định vượt biên giới, lui về một khách sạn ấm áp ở Minsk, thủ đô của Belarus.

Chú thích ảnh
Đoàn người di cư tập trung ở biên giới Belarus-Ba Lan ngày 15/11. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, ngay sau đó, người đàn ông 35 tuổi vô cùng ngạc nhiên và phấn khích khi xem một clip đăng trên Facebook với tuyên bố rằng Ba Lan sắp mở cửa biên giới và kêu gọi tất cả những người muốn vào Liên minh châu Âu (EU) tập trung tại một trạm xăng gần khu trại mà những người di cư gọi là "rừng rậm”. 

Anh Faraj, là người Kurd ở Iraq, vội vã quay trở lại khu lán trại tồi tàn mà anh ta vừa rời khỏi, vượt quãng đường 305km từ Minsk đến trạm xăng đúng thời điểm mở cửa biên giới vào đầu tháng 11 như thông báo lan truyền trên Facebook. Tất nhiên, biên giới Ba Lan vẫn đóng chặt, và anh phải trải qua 10 ngày giống như trong một bộ phim kinh dị. Anh phẫn nộ cho rằng tin tức giả mạo trên Facebook đã hủy hoại cuộc sống của mình. 

Truyền thông xã hội, đặc biệt là Facebook đã trở thành công cụ reo rắc hy vọng và ảo tưởng của những kẻ trục lợi và bịp bợm. Một số tham gia vì tiền, hứa hẹn đưa người di cư qua biên giới với những khoản chi phí khổng lồ; một số dường như thu hút sự chú ý để trở thành "người có ảnh hưởng" trực tuyến; số khác dường như được thúc đẩy bởi mong muốn giúp đỡ người di cư khốn khổ.

Từ tháng 7, các hoạt động trên Facebook bằng tiếng Arab và Kurdish liên quan đến người di cư đến châu Âu qua ngả Belarus đã tăng vọt. Bà Monika Richter, trưởng nhóm nghiên cứu  tại hãng theo dõi hoạt động mạng xã hội Semantic Visions cho biết: “Facebook đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo này”.

Các nhà nghiên cứu cho biết những kẻ buôn lậu người đã công khai chia sẻ số điện thoại và quảng cáo dịch vụ trên Facebook, đăng kèm cả cả video chứng thực từ những người được cho là đã đến Đức thành công qua Belarus và Ba Lan.

Chú thích ảnh
Người di cư được chuyển tới trú tại một nhà kho logistics ở khu vực Grodno, Belarus, sau khi tháo dỡ lán trại tị nạn. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một bài đăng, kẻ buôn lậu quảng cáo về các chuyến đi hàng ngày từ Minsk đến Đức chỉ với quãng đường đi bộ 20km. Hành trình này bị cảnh báo là không thích hợp cho trẻ em vì rất lạnh. Một kẻ buôn lậu khác sử dụng tên Facebook là "Visa Visa" đã rao tin về chuyến đi đến Đức từ Belarus qua Ba Lan. Kẻ buôn lậu cho biết chuyến đi sẽ kéo dài từ 8 đến 15 giờ nhưng kèm theo lời cảnh báo: "Đừng gọi nếu bạn sợ".

Ngày 19/11, bất chấp trải nghiệm cay đắng khi nhiều lời hứa trên Facebook bị lật tẩy là sai sự thật, làn sóng phấn khích lại quét qua những người di cư đang co ro trong khu lưu trú tạm thời do một số bài đăng trên mạng xã hội khẳng định rằng cánh cửa châu Âu vẫn hé mở. Điều kiện duy nhất là trả 7.000 đô la Mỹ cho một người tự nhận là tường tận mọi lối đi qua biên giới Belarus-Ba Lan và vượt qua được hàng ngũ đông đảo của binh lính Ba Lan.

Ông Rekar Hamid, cựu giáo viên ở Iraq, đã trả gần 10.000 USD cho các đại lý du lịch ở nước này để đối lấy một tour trọn gói đưa ông cùng vợ con đến châu Âu. Tuy nhiên, cuối cùng, họ bị giam lỏng trong một nhà kho cũ kĩ ở Belarus. “Chúng cứ nói cơ hội vẫn còn, nhưng hay xem chúng tôi đang ở đâu đây”, ông chỉ tay về phía đám đông nằm co ro trên nền bê tông. 

Ông Musa Hama, một người Kurd khác cũng có mặt tại nhà kho, than thở rằng không có bất kỳ sự kiểm tra thực tế nào có thể ngăn cản mọi người nắm lấy tia hy vọng do Facebook cung cấp. “Mọi người đang tuyệt vọng nên họ tin bất cứ điều gì,” ông nói.

Clip cảnh sát Ba Lan và người di cư đụng độ tại biên giới ngày 16/11 (nguồn: RT):

Người di cư đã ùn ùn kéo đến Belarus từ đầu năm nay khi nước cộng hòa này nới lỏng các chính sách thị thực đối với một số quốc gia, đặc biệt là Iraq, để nỗ lực thúc đẩy du lịch. Nắm lấy cơ hội kinh doanh béo bở, các công ty du lịch ở vùng bán tự trị của người Kurd bắt đầu quảng cáo trên Facebook và các nền tảng khác về cách xin thị thực của Belarus. Các đường dây buôn lậu người đã lợi dụng mạng xã hội để tô vẽ Belarus như một cánh cửa phụ vào châu Âu. 

Kể từ tháng 7, Semantic Visions đã xác định hàng chục nhóm Facebook được tạo ra để chia sẻ thông tin về các tuyến đường di cư và được những kẻ buôn lậu sử dụng để quảng cáo dịch vụ của chúng.

Công ty Facebook, nay đã đổi tên thành Meta, thông báo đã cấm các dữ liệu tạo điều kiện hoặc thúc đẩy buôn lậu người, đồng thời lập ra các nhóm chuyên trách để theo dõi cuộc khủng hoảng này. Meta đang làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật và các tổ chức phi chính phủ để chống lại làn sóng tin tức giả mạo liên quan đến khủng hoảng di cư ở châu Âu.

"Dẫn lậu người qua biên giới quốc tế là bất hợp pháp và các quảng cáo, bài đăng, trang hoặc nhóm cung cấp, hỗ trợ hoặc điều phối hoạt động này không được phép xuất hiện trên Facebook. Chúng tôi sẽ xóa nội dung này ngay sau khi phát hiện", công ty cho biết.

Nhưng các sự kiện ở Belarus đã phơi bày rằng ngay cả khi từng trải qua một vụ lợi dụng dịch vụ tương tự trong cuộc khủng hoảng di cư châu Âu năm 2015, Facebook vẫn phải chật vật để ngăn chặn tin giả khỏi nền tảng của mình, đặc biệt là bằng các ngôn ngữ không phải tiếng Anh.

"Facebook không coi trọng trách nhiệm của họ, và hậu quả trực tiếp là chúng ta thấy những người tuyệt vọng trong cái lạnh, trong bùn, trong rừng ở Belarus. Tất cả chỉ vì họ tin rằng những thông tin sai lệch trên Facebook", ông Jeroen Lenaers, một thành viên người Hà Lan của Nghị viện châu Âu đến từ Hà Lan, chỉ trích. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo Straits Times)
Xem bé gái 11 tháng tuổi ở Trung Quốc trượt tuyết siêu đỉnh dù chưa biết đi
Xem bé gái 11 tháng tuổi ở Trung Quốc trượt tuyết siêu đỉnh dù chưa biết đi

Video một bé gái 11 tháng tuổi trượt tuyết đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Mặc dù Beibei vẫn chưa biết đi nhưng bé đã có thể trượt xuống một con dốc thoải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN