Thiết kế hai con tàu đã ở trên bàn vẽ hơn một thập kỷ. Nhưng giờ đây, ở trung tâm của một xưởng lắp ráp rộng lớn bên trong nhà máy đóng tàu trên bờ biển Baltic, hai tàu ngầm tấn công A26 mới của Thụy Điển cuối cùng cũng đã song hành với nhau.
Dự kiến ra mắt vào năm 2027 và 2028, các tàu ngầm diesel-điện dài 66 mét, có tên Blekinge và Skåne do tập đoàn Saab đóng, được thiết kế để tuần tra vùng phía đông của NATO dưới Biển Baltic, theo dõi và chống lại các động thái hàng hải của Moskva trong bối cảnh mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Nga và châu Âu.
Đây là hai tàu ngầm mới đầu tiên của Thụy Điển được đóng kể từ giữa những năm 1990 và sẽ tham gia hoạt động cùng bốn tàu cũ hơn trong hạm đội của quốc gia Bắc Âu này.
Cuộc tăng tốc tàu ngầm ở châu Âu
Các cuộc hạ thuỷ tàu ngầm sắp tới của Thụy Điển nhấn mạnh hơn nữa một sự đổi mới ở Bắc Âu, nơi hải quân Na Uy gần đây đã đặt mua 4 tàu ngầm mới từ ThyssenKrupp Marine Systems (TKMS) của Đức. Hà Lan đã nhận được hồ sơ dự thầu từ TKMS, Saab Kockums và Tập đoàn Hải quân Pháp để đóng 4 tàu ngầm, trong khi Đan Mạch, quốc gia đã giải tán hạm đội của mình vào năm 2004, gần đây gợi ý rằng họ có thể đảo ngược động thái đó.
Theo báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển, việc mở rộng này sẽ phần nào thu hẹp khoảng cách của Stockholm với các hạm đội lớn nhất của NATO tại châu Âu, vốn dự kiến cũng sẽ tăng trưởng nhẹ trong thập kỷ này. Sáu tàu ngầm lớp Barracuda mới của Pháp đang được đưa vào sử dụng và hai tàu ngầm Type 212 nữa sẽ gia nhập hạm đội 6 chiếc hiện có của Đức. Hạm đội tàu ngầm lớp Astute của Anh sẽ có tổng cộng 7 tàu ngầm vào cuối thập kỷ này và 8 tàu ngầm lớp Todaro của Italy.
Việc nâng cấp đội tàu ngầm ở châu Âu diễn ra trong bối cảnh Nga cũng đang giới thiệu việc bổ sung hạm đội của họ. Vào tháng 12/2023, Tổng thống Vladimir Putin đã chụp ảnh trên bến cảng tại trung tâm sản xuất tàu ngầm Bạch Hải của Nga tại Severodvinsk cùng với hai tàu mới là Krasnoyarsk và Alexander đệ tam.
Hải quân Nga sẽ sở hữu 50 tàu ngầm vào năm 2030, theo báo cáo của Thụy Điển.
Báo cáo của Thụy Điển cũng cho biết, hạm đội tàu ngầm của Mỹ dự kiến sẽ giảm nhẹ về số lượng xuống còn 57 chiếc vào năm 2030, nhưng việc giới thiệu lớp Virginia mới sẽ giúp duy trì và thậm chí mở rộng lợi thế công nghệ của Mỹ so với các đối thủ trong cùng thời kỳ.
Môi trường an ninh xấu đi
Đến thăm vào một ngày trong tuần gần đây, xưởng đóng tàu của Saab ở thị trấn hải quân Karlskrona phía nam Thụy Điển đang nhộn nhịp hoạt động.
Con tàu Blekinge đã hoàn thiện một phần được bao bọc trong giàn giáo, trong khi các công nhân chuẩn bị thêm các phần thân thép cho thợ hàn có tay nghề cao để sau này ghép lại với nhau thành một tổng thể có khả năng chịu được các vụ nổ từ mìn và va chạm với đáy biển. Ở một khu vực khác, các thợ điện nối những đường dây dường như vô tận vào các nội thất công nghệ cao.
Đối với Thụy Điển, các tàu ngầm mới sẽ là điểm nhấn, trong môi trường an ninh đang xấu đi nhanh chóng.
Thụy Điển đã chứng kiến các cuộc xâm nhập của một tàu ngầm không xác định vào lãnh hải của mình cũng như các vụ nổ làm tê liệt đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream do Nga xây dựng trong vùng đặc quyền kinh tế hàng hải của nước này vào năm 2022 và việc cắt đứt tuyến cáp liên lạc dưới biển với Estonia vào năm 2023.
Nước này đã khôi phục chế độ quân dịch và tái vũ trang vùng biển Baltic sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát, Thụy Điển đã tăng chi tiêu quốc phòng lên 30% từ năm 2023 đến năm 2024 và xin tham gia NATO. Vào đầu tháng 1, chính phủ Thụy Điển và tổng tư lệnh quân đội nước này đã yêu cầu người dân “chuẩn bị cho chiến tranh”.
Kế hoạch hạ thuỷ tàu ngầm A26 là trụ cột chính trong tuyên bố của Stockholm rằng nước này có thể đóng góp vào sức mạnh quân sự của NATO và họ không đăng ký gia nhập liên minh chỉ để hưởng lợi từ các đảm bảo phòng thủ chung của NATO.
Kể từ khi các nước vùng Baltic gia nhập NATO vào năm 2004 và Phần Lan vào tháng 4 năm ngoái, liên minh này đã phải đau đầu nghĩ cách bảo vệ các tuyến đường cung cấp hàng hải cho các quốc gia đó - và hạn chế quyền tiếp cận của Nga trong trường hợp xảy ra xung đột với Moskva.
Baltic được nhiều người coi là môi trường biển hoạt động khó khăn vì nồng độ muối khác nhau ở đây ảnh hưởng đến sóng siêu âm. Vùng biển này cũng nông và có lượng người qua lại đông đúc, làm tăng nguy cơ va chạm.
Thành tích lâu dài
Tàu ngầm đầu tiên của Thụy Điển, được gọi là Shark, hạ thủy vào năm 1954, và trong nhiều thập kỷ sau đó, hải quân Thụy Điển đã mở rộng khả năng hoạt động dưới nước của mình như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm xây dựng một nền quốc phòng đáng tin cậy với tư cách là một quốc gia trung lập giữa Đông và Tây.
Vào cuối thế kỷ trước, các kỹ sư Thụy Điển đã đạt được bước đột phá kỹ thuật với hệ thống gọi là động cơ đẩy không khí độc lập (AIP), cho phép tàu ngầm Thụy Điển hoạt động trong thời gian dài hơn mà không cần nổi lên, tránh bị phát hiện.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Thụy Điển cắt giảm chi tiêu quốc phòng và chương trình tàu ngầm của nước này phần lớn bị đình trệ trong một thập kỷ cho đến năm 2010, khi Bộ trưởng Quốc phòng Sten Tolgfors công bố kế hoạch chế tạo tàu ngầm A26.
Trong những năm kể từ đó, dự án A26 đã bị chỉ trích vì chậm trễ và đội kinh phí. Nhưng những người bảo vệ dự án này nói rằng sự chờ đợi và chi phí bổ sung sẽ được biện minh bằng việc cung cấp các tàu được thiết kế phù hợp với điều kiện của Biển Baltic vào thời điểm mà việc kiểm soát tuyến đường thủy đó có ý nghĩa địa chính trị quan trọng.
Trong tài liệu quảng cáo của mình, tập đoàn Saab lưu ý rằng kích thước của A26 cũng như hệ thống AIP được cập nhật và thiết kế thân tàu chống sóng âm mới khiến nó phù hợp lý tưởng với vùng Baltic. Nó cũng có thiết kế mô-đun mới, cho phép thay thế công nghệ lỗi thời bằng hệ thống mới dễ dàng hơn, và một cổng mới hướng về phía trước tàu cũng sẽ cho phép tương tác dễ dàng hơn giữa thủy thủ đoàn bên trong tàu với thợ lặn hoặc tàu không người lái hoạt động bên ngoài.
Giám đốc Kockums Wicksell cho biết tàu ngầm A26 với sự kết hợp giữa hệ thống vũ khí tàng hình và tiên tiến có thể giúp xua đuổi kẻ thù và giảm rủi ro.