Theo đài Sputnik (Nga), trong tuần này, ông Stoltenberg nói với truyền thông Đức rằng hội nghị thượng đỉnh NATO tiếp theo sẽ được tổ chức tại Washington vào ngày 9 - 11/7 và ông cho rằng Thụy Điển sẽ là thành viên NATO trước khi hội nghị diễn ra.
Từ bỏ hàng thập kỷ trung lập, vào tháng 5/2022, Thụy Điển và Phần Lan đã nộp đơn xin gia nhập NATO ngay sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine. Phần Lan nhanh chóng được chấp thuận, nhưng Thụy Điển đã bị Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary ngăn cản.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc Thụy Điển quá mềm mỏng với đảng Công nhân người Kurd, tổ chức vốn bị Ankara, EU và Mỹ xếp vào danh sách khủng bố.
Hồi tháng 7/2023, tòa án Thụy Điển đã kết tội một người đàn ông bị cáo buộc làm việc cho đảng Công nhân người Kurd. Cuối tháng đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển đã ký thỏa thuận an ninh song phương mới. Theo thoả thuận, Thụy Điển đồng ý tiếp tục vận chuyển vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Erdogan cũng bày tỏ mong muốn được mua máy bay chiến đấu F-16 từ Mỹ.
Ông Erdogan sau đó cũng rút lại tuyên bố phản đối Thụy Điển gia nhập NATO. Đến tháng 10/2023, ông đã chính thức trình lên quốc hội nước này hồ sơ xin gia nhập NATO của Thụy Điển. Một số nhà lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phản đối tiến trình này và yêu cầu Stockholm nhượng bộ nhiều hơn.
Tuy nhiên, ông Stoltenberg cho rằng Thụy Điển đã tôn trọng tất cả cam kết với Thổ Nhĩ Kỳ và đã có đủ nhượng bộ.
Còn tại Hungary, đảng Fidesz cầm quyền - do Thủ tướng Viktor Orbán lãnh đạo - đã trì hoãn nỗ lực tham gia NATO của Thụy Điển kể từ tháng 7/2022, cáo buộc rằng các chính trị gia Thụy Điển đã có những lời nói dối về tình hình dân chủ của Hungary.
Trong một cuộc họp báo hồi tháng 12/2023, ông Orban nhấn mạnh không có thỏa thuận nào giữa đất nước ông và Thổ Nhĩ Kỳ về việc Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
“Không có thỏa thuận nào giữa Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Orban nhấn mạnh và nói thêm rằng việc phê duyệt Thuỵ Điển gia nhập NATO “sẽ chỉ được quyết định bởi Quốc hội Hungary, khi các nhà lập pháp thống nhất đã đến lúc phải thực hiện điều đó. Họ chưa sẵn sàng đưa ra quyết định này”.
Trong khi đó, quá trình kết nạp thành viên mới của NATO cần được tất cả các thành viên của liên minh này nhất trí thông qua.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc mở rộng NATO không đóng góp cho nền hòa bình thế giới và liên minh này là tàn tích của Chiến tranh Lạnh.
Moskva tuyên bố sẽ đáp trả việc NATO mở rộng hiện diện về phía đông, tiến sát biên giới Nga. Nước này cũng coi việc NATO mở rộng hiện diện ở khu vực là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.