Theo Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, tàu Gerald R. Ford - một trong những tàu sân bay lớn nhất thế giới - cùng đội tàu hộ tống đã được điều động tới khu vực gần Israel nhằm ngăn chặn bất kỳ tác nhân nào đang tìm cách leo thang tình hình hoặc mở rộng cuộc chiến này.
Ngoài Gerald R. Ford, nhóm tàu tấn công còn bao gồm tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga Normandy và các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke như Thomas Hudner, Ramage, Carney và Roosevelt.
Ngoài ra, Mỹ có thể cử nhóm tàu tấn công thứ hai do tàu USS Dwight D. Eisenhower dẫn dầu đến Trung Đông trong tuần này dựa theo kế hoạch đã định từ vài tháng trước. Theo báo chí Mỹ, chúng có thể tiếp cận vùng phía Đông Địa Trung Hải trong khoảng hai tuần. Các máy bay chiến đấu Mỹ cũng tăng cường hiện diện tại khu vực này.
Ông Larry Johnson, cựu nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) kiêm quan chức Bộ Ngoại giao về hưu, nhận định với tờ Sputnik rằng sự hiện diện của tàu Gerald R. Ford gần Israel sẽ chỉ khiến tình hình trở nên bất ổn hơn.
Theo ông, nếu tàu chiến của Hải quân Mỹ phóng tên lửa vào các ví trị của người Palestine và phong trào Hamas, đặc biệt khi xảy ra thương vong, động thái đó giống như đổ thêm dầu vào lửa.
Ông Johnson đã nhắc lại lần gần nhất Mỹ có động thái điều tàu chiến tương tự ở bờ biển Israel và Liban là vào năm 1983. Và lúc đó, Mỹ đã pháo kích các vị trí của Hezbollah ở Thung lũng Beqaa. Kết quả là, Hezbollah đã phát động các đòn tấn công khủng bố nhằm vào doanh trại Thủy quân lục chiến và cho nổ tung Đại sứ quán Mỹ. Gần 300 người đã thiệt mạng trong hai cuộc tấn công trên. Viễn cảnh trên có thể lặp lại nếu Mỹ quyết định can dự quân sự.
Hôm 10/10, Tổng thống Joe Biden đã lên án vụ tấn công bất ngờ của phong trào Hamas ở Palestine nhằm vào người Israel là một hành động khủng bố. Bình luận về việc triển khai nhóm tấn công tàu sân bay USS Gerald R. Ford cùng các máy bay chiến đấu đến Địa Trung Hải, ông Biden nhấn mạnh rằng những động thái này không nhằm mục đích ngăn chặn Hamas, mà nhằm ngăn chặn những hành vi lợi dụng tình hình để nhân rộng xung đột.
Theo ông Larry Johnson, những gì Mỹ nên làm vào lúc này là hợp tác với Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ai Cập và Saudi Arabia để cùng nhau nỗ lực chấm dứt tình trạng bạo lực thông qua giải pháp ngoại giao.
Nga đã tuyên bố rõ rằng họ không đứng về bên nào trong cuộc xung đột Israel – Hamas, đồng thời kêu gọi các bên tham chiến chấm dứt hành động thù địch và cuối cùng đồng ý thành lập hai quốc gia trong khu vực, như kế hoạch ban đầu của Liên hợp quốc vào năm 1947.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 11/10 cho biết điều quan trọng là Moskva phải duy trì cách tiếp cận cân bằng để tham gia giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine. Trước đó, ông Peskov nói rõ rằng Moskva có mối quan hệ lâu đời với người Palestine, nhưng cũng duy trì quan hệ với Israel, nơi có nhiều công dân Nga sinh sống.