Số phận hai con tin Nhật Bản sẽ ra sao?

Một đoạn video được đăng tải trên trang mạng của các phần tử Hồi giáo cực đoan ngày 20/1 cho thấy nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng dọa giết 2 con tin người Nhật Bản nếu Tokyo không trả khoản tiền chuộc 200 triệu USD trong vòng 72 giờ.


Hai công dân người Nhật đang bị IS giam giữ và dọa giết hại.


Đối với IS, việc đòi tiền chuộc không còn là điều mới lạ. Nhưng liệu Nhật Bản có chịu trả tiền chuộc cứu con tin, số phận của 2 con tin sẽ ra sao, dưới đây sẽ là một vài phân tích về vụ việc.


IS đã bao giờ thực hiện kế hoạch đòi tiền chuộc?


Trong vụ bắt cóc nhà báo Mỹ James Foley xảy ra ở phía Bắc Syria vào tháng 11/2012, IS đã đòi 100 triệu euro (tương đương 132 triệu USD) tiền chuộc - ông Richard Byrne, người phát ngôn cho trang báo mạng GlobalPost nơi Foley làm việc, cho biết. Tuy nhiên, cả tờ GlobalPost lẫn gia đình Foley và chính phủ Mỹ đều không chịu trả khoản tiền đó. Kết quả cuối cùng là các tay súng cực đoan đã sát hại Foley và công bố video hành quyết trên mạng. Tuy nhiên có ý kiến phản bác rằng ngay cả khi nếu họ có đưa tiền thì cũng không ai chắc chắn IS sẽ giữ lời hứa và thả người.


Một điểm khác biệt trong vụ đòi tiền chuộc từ chính phủ Nhật Bản đó là việc IS công khai số tiền và ra hạn ngày chi trả. Điều này ám chỉ IS đang đồng thời muốn củng cố ngân sách của chúng cũng như dằn mặt Nhật Bản vì động thái giúp đỡ liên minh trong cuộc chiến chống IS.


Chính sách của Nhật Bản về vụ đòi tiền chuộc?


Ngày 20/1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không bác bỏ việc trả khoản tiền chuộc 200 triệu USD cũng như thương lượng với những kẻ bắt cóc 2 con tin. Vậy điều đó có nghĩa là chính quyền Tokyo sẵn sàng chi trả, hay ít nhất là tiến hành đàm phán?


Tuy nhiên, từ trước đến nay Nhật Bản chưa bao giờ trả tiền trong các tình huống bắt giữ con tin, và tất nhiên họ không có lí do gì để làm như thế trong vụ việc này. Nhật Bản đã kí một bản thỏa thuận với nhóm quốc gia G8 vào năm 2013, trong đó tuyên bố “Chúng ta phải thể hiện lập trường rõ ràng trong việc từ chối trả tiền chuộc cho lực lượng khủng bố, đồng thời chúng ta cũng phải kêu gọi các quốc gia khác nên thực thi chính sách này”.


Chính sách trên hoàn toàn được áp dụng tại Mỹ và Anh. Mẹ của nhà báo Foley từng cho biết một nhà chức trách cấp cao Mỹ đã đe dọa khởi tố bà nếu như bà cố tình tự trả tiền chuộc để cứu sống con trai. Vậy tại sao 2 nước trên cũng như Nhật Bản lại không chịu trích một phần nhỏ trong khối tài sản khổng lồ của quốc gia để cứu sống công dân nước họ?


Một lí do hoàn toàn chính đáng giải thích cho hành động này là việc IS và Al Qaeda đều không phải những nhóm khủng bố đáng tin cậy trên thế giới. Trả tiền chuộc không có nghĩa là người được thả. Và việc trả tiền có thể tạo ra các mối nguy hiểm khác, ví dụ sẽ khích lệ hành động bắt cóc đòi tiền chuộc của lực lượng khủng bố cũng như góp phần làm giàu thêm ngân sách của chúng.


Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ David Cohen tranh luận vào năm 2012, “các khoản tiền trả theo yêu cầu sẽ dẫn đến nhiều vụ bắt cóc hơn trong tương lai, và lại thêm nhiều đòi hỏi tiền chuộc, vòng quay tiếp tục được lặp đi lặp lại và đến lúc các khoản tiền chuộc sẽ tạo thành nguồn ngân sách chính giúp lực lượng khủng bố triển khai các cuộc tấn công”.


Đàm phán đơn thuần liệu có giải thoát con tin?


Một số người phân tích rằng chính sách không trả tiền chuộc có thể chấm dứt hành động bắt giữ con tin nếu như diễn ra cuộc thương thuyết ổn thỏa giữa hai bên. Ý kiến này xuất hiện ngay sau vụ Taliban phóng thích trung sĩ quân đội Mỹ Bowe Bergdahl vào năm ngoái để đổi lấy 5 lãnh đạo Taliban bị giam giữ ở vịnh Guantanamo, Cuba. Tuy bị Quốc hội chỉ trích vì chính sách trao đổi tù nhân song Tổng thống Barack Obama vẫn kiên định nói rằng: “Chúng tôi tuyệt đối không xin lỗi vì đã đem một thành viên trở lại với cuộc sống và gia đình anh ấy”.


Trở lại trường hợp của Nhật Bản, việc trao đổi con tin không phải là một lựa chọn. Nhật Bản không có nhiều nghi phạm IS đang bị giam giữ. Chính điều đó, Nhật Bản nên cần phải có những chính sách thương thuyết khác thay vì việc khăng khăng lên án cũng như tỏ thái độ không nhượng bộ đối với nhóm khủng bố IS.


Hi vọng nào cho con tin Nhật Bản?


Trong lịch sử bắt giữ con tin của IS, tuy không nhiều nhưng không phải không có cơ hội đàm phán với lực lượng cực đoan này. Nhật Bản có thể chỉ ra một thực tế họ không giống với Mỹ và Anh, quốc gia họ không dính líu trực tiếp đến những nỗ lực chống IS đang diễn ra tại Iraq và Syria. Tuy nhiên họ vẫn cần phải phụ thuộc vào lực lượng quân sự của các nước đồng minh phương Tây hoặc Trung Đông nếu muốn cứu thoát công dân. Dù sao 72 giờ cũng đang dần trôi qua, chính quyền Nhật Bản nên có những kế hoạch hợp lý để đi đến kết quả ít thiệt hại nhất trong sự việc này.


Hồng Hạnh (theo CNN)
Nhật Bản đề nghị Mỹ, Pháp giúp giải cứu con tin
Nhật Bản đề nghị Mỹ, Pháp giúp giải cứu con tin

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã đề nghị người đồng cấp Mỹ và Pháp giúp giải cứu hai công dân đang bị nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) bắt giữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN