Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu đã tới Ấn Độ vào ngày 27/11 để tăng cường quan hệ với đồng minh lâu năm của Paris, trước chuyến thăm dự kiến của Tổng thống Macron vào đầu năm tới. Về mặt chính thức, chuyến đi là một đòn “tấn công quyến rũ” ngoại giao hơn là một nỗ lực để bán vũ khí do Pháp sản xuất.
Từ năm 1993, Ấn Độ và Pháp đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung và Pháp là nhà cung cấp vũ khí số 2 cho New Delhi sau Nga. Điều có lợi cho Pháp ở thời điểm này là cuộc xung đột ở Ukraine đã gây ra những lo ngại về chất lượng vũ khí của Nga cũng như khả năng đáp ứng thời hạn sản xuất để xuất khẩu của Moskva do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt.
Đối với Ấn Độ - quốc gia nằm giữa một Pakistan có năng lực hạt nhân ở phía đông và một Trung Quốc quyết đoán ở phía bắc, hiệu quả của vũ khí là mối quan tâm cấp bách. Mặc dù đã đa dạng hóa các nhà cung cấp trong những năm gần đây, nhưng Ấn Độ vẫn nhập gần một nửa lượng vũ khí từ Nga.
“Có một cảm giác cấp bách ở New Delhi là phải đa dạng hóa, tìm kiếm các nguồn mới và Pháp đã được coi là một đối tác quan trọng. Ấn Độ đã sẵn sàng nới lỏng quan hệ và đa dạng hóa”, Garima Mohan, một chuyên gia về EU-Ấn Độ của Quỹ Marshall (Đức) cho biết.
Chuyến đi của Bộ trưởng Lecornu bề ngoài không phải là về vũ khí, nhưng ông cũng không ngại tìm cách thay thế Nga. “Chúng tôi không đến đó để bán thiết bị quân sự, mục đích của chúng tôi là đánh dấu tầm quan trọng của mối quan hệ”, một cố vấn từ Bộ Quốc phòng Pháp cho biếtt. Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Lecornu đã được mời lên tàu sân bay Vikrant của Ấn Độ trong một dấu hiệu thiện chí giữa Paris và New Delhi.
Ông nói: “Nhưng chúng tôi có thể cho họ thấy rằng có các lựa chọn thay thế của châu Âu cho vũ khí của Nga”
Đối tác đáng tin cậy
Trong cuộc đua giành các hợp đồng quân sự với Ấn Độ, Pháp đã khởi đầu thuận lợi.
Mới đây Tổng thống Pháp Macron đã thảo luận về việc “làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược” với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề G20, trước khi bay tới dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương, nơi ông đảm bảo với những người tham gia rằng Pháp cam kết hiện diện trong khu vực.
Hai nhà lãnh đạo chia sẻ mối quan hệ nồng ấm và coi nhau là bạn tốt trên mạng xã hội trong vài năm qua. Các tổng thống Pháp đã vun đắp mối quan hệ này từ những năm 1990, và đặc biệt là ông Macron không bao giờ bỏ lỡ cơ hội thể hiện tình cảm với ông Modi trước công chúng Ấn Độ.
“Đó là quan hệ đối tác quan trọng nhất ở châu Âu. Theo một cách nào đó, đó là 'mối quan hệ đặc biệt', hơn cả mối quan hệ với Nga và Mỹ. Pháp và Ấn Độ luôn là những đối tác mạnh mẽ”, chuyên gia Mohan nhận xét.
Là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai của Ấn Độ, Pháp đã từng đạt được các hợp đồng mua bán vũ khí lớn, như hợp đồng bán máy bay chiến đấu Rafale. Trong lĩnh vực hải quân, mối quan hệ đã trở nên sâu sắc hơn, khi Ấn Độ và Pháp quản lý một chuỗi đảo và vùng hàng hải rộng lớn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nhưng với việc Nga đang can dự vào xung đột ở Ukraine, mối quan hệ giữa Pháp và Ấn Độ có thể chuyển sang một cấp độ mới.
Theo một nghiên cứu năm 2020 của Trung tâm Stimson, 70% - 85% lực lượng vũ trang Ấn Độ làm việc với thiết bị của Nga và chính phủ của Thủ tướng Modi đang xem xét giảm sự phụ thuộc đó.
“Một chính phủ thông minh hơn sẽ nhận ra rằng khi Liên Xô sụp đổ vào những năm 1990, thật vô nghĩa khi bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ”, một nhà phân tích Ấn Độ nhận xét với tờ Politico.
Theo giới quan sát phương Tây, cuộc xung đột ở Ukraine đã phơi bày những thiếu sót trong bộ máy quân sự của Nga. Một báo cáo của chính phủ Ukraine cho biết nhiều vũ khí của Nga "không hiệu quả" và "lỗi thời", tên lửa có xác suất cao bắn trượt mục tiêu và xe bọc thép dễ bị tấn công bởi vũ khí nhỏ.
Khó khăn của công nghiệp quân sự Pháp
Đối với Tổng thống Macron, Pháp có thể giành lấy một số hợp đồng hấp dẫn. Lực lượng không quân Ấn Độ đang tìm cách nâng cấp phi đội máy bay chiến đấu và mua hơn 100 máy bay mới, đồng thời có một gói thầu đóng tàu ngầm chưa được chốt.
Tuy nhiên cũng có những vấn đề về uy tín đối với Pháp. Ngành công nghiệp quốc phòng của nước này đang phải vật lộn để đẩy mạnh sản xuất quân sự, đáp ứng nhu cầu toàn cầu sau khi xung đột Ukraine bùng phát. Hồi tháng 6, Tổng thống Macron cảnh báo rằng Pháp cần xây dựng “nền kinh tế thời chiến”, đầu tư nhiều hơn và chuỗi sản xuất cần đơn giản hóa, nhanh hơn.
Michel Goya, một cố vấn quốc phòng người Pháp, cho biết: “Họ đang lên kế hoạch tăng sản lượng. Nhưng có những vấn đề về năng lực sản xuất và sự chậm trễ quan liêu. Câu hỏi vẫn là liệu ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta có thể chuyển đổi từ một ngành kinh doanh thủ công xa xỉ trở thành một ngành sản xuất hàng loạt hay không.”
Lựu pháo Caesar gắn trên xe tải của Pháp đã thu hút sự chú ý toàn cầu về tính hiệu quả thể hiện ở chiến trường Ukraine nhưng để chế tạo thì phải mất gần hai năm. Thời gian đó đủ để các nhà cung cấp khác như Mỹ, Israel hoặc Hàn Quốc nắm bắt cơ hội.