Khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào 24/2, Ấn Độ đã nhanh chóng hỗ trợ Ukraine về mặt nhân đạo. Tại Liên hợp quốc, Ấn Độ không lên tiếng chỉ trích Nga, điều này được cho đi đúng theo chính sách đối ngoại và quốc phòng của nước này dưới thời Thủ tướng Narendra Modi.
Nhưng sau khi xung đột Nga-Ukraine gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng và thực phẩm trên toàn cầu, Ấn Độ đã có chuyển biến. Thủ tướng Modi trong hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nói: “Chúng ta phải tìm cách để trở lại con đường ngừng bắn và ngoại giao ở Ukraine”.
Ông Vivek Mishra tại Quỹ nghiên cứu Observer (ORF) ở New Delhi phân tích: “Đến năm sau, Ấn Độ sẽ giữ chức chủ tịch G20. Điều này đồng nghĩa với việc vai trò của Ấn Độ trong hòa giải kết thúc chiến tranh sẽ đáng kể hơn”.
Giáo sư dự bị John-Joseph Wilkins tại Hội đồng Đối ngoại Đức cho rằng với trách nhiệm mới, Ấn Độ nhiều khả năng tập trung hơn vào bảo vệ tự chủ chiến lược.
Ông John-Joseph Wilkins đánh giá: “Ấn Độ luôn có truyền thống cân bằng giữa các cường quốc thế giới, nhưng năm nay chính sách đối ngoại của Ấn Độ được thiết lập có thể chấp nhận một hình thức không liên kết được nâng cấp. Điều này có khả năng làm tăng ảnh hưởng toàn cầu của New Delhi trong tương lai”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ghi nhận những lo ngại gần đây của Ấn Độ về xung đột và trong cuộc gặp song phương tại Uzbekistan, ông tái đảm bảo với Thủ tướng Modi rằng sẽ làm mọi thứ để dừng xung đột “sớm nhất có thể”.
Chịu nhiều lệnh trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Putin hướng đến hình thành quan hệ gắn kết hơn với Ấn Độ thông qua đẩy mạnh quan hệ thương mại. Nhà lãnh đạo Nga từng đề cập với Thủ tướng Modi: “Thương mại của hai nước đang tăng nhờ nguồn cung phân bón bổ sung của Nga đến thị trường Ấn Độ đã tăng gấp 8 lần. Tôi kỳ vọng rằng điều này sẽ hữu ích với lĩnh vực nông nghiệp của Ấn Độ”.
Nga và Ấn Độ có mối quan hệ đặc biệt kể từ Chiến tranh Lạnh và Moskva vẫn là nhà cung cấp vũ khí, dầu thô lớn nhất của Ấn Độ. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong giai đoạn từ 2011 đến 2021, 60% lượng vũ khí Ấn Độ nhập khẩu là từ Nga. Trong khi đó, tính riêng tháng 10/2022, Nga cung cấp tới 22% lượng dầu thô của Ấn Độ. Theo ông Vivek Mishra, lập trường thay đổi của Ấn Độ nhiều khả năng không ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương.
Cùng thời điểm, Liên minh châu Âu cũng tìm cách đẩy mạnh quan hệ với Ấn Độ trong bối cảnh quan hệ của khối này với Nga và Trung Quốc nguội lạnh. EU đã tổ chức vòng đàm phán thương mại đầu tiên với Ấn Độ trong tháng 7 năm nay và đối thoại dự kiến được khôi phục từ 28/11.
Ấn Độ đặt mục tiêu thiết lập các hiệp định thương mại tự do toàn diện không chỉ với EU mà còn với Anh và Canada vào năm tới. Các thỏa thuận thương mại tương tự đã được ký kết với Australia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) trong năm nay.
Mỹ cũng nâng cao quan hệ quốc phòng với Ấn Độ sau khi ghi nhận New Delhi là trọng tâm trong duy trì an ninh tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Một số nhà phân tích địa chính trị cho rằng xung đột Nga-Ukraine đã đóng vai trò quan trọng trong gia tăng sự nổi bật của Ấn Độ trên trường quốc tế. Tuy nhiên, ông Mishra cho rằng quan điểm này làm giảm nhẹ thành tựu của Ấn Độ. Ông cho rằng Ấn Độ có tiềm năng là một thị trường ổn định và điều này đã góp phần chính. Ông nhận định: “Gần đây kinh tế Ấn Độ đã vượt qua cả Anh và Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Điều này có từ trước khi xung đột nổ ra”.
Nhưng ông cũng thừa nhận rằng xung đột Nga – Ukraine đã khiến Ấn Độ thêm phần được chú ý bởi vị trí đặc biệt là bạn của cả phương Tây và Nga. Ông Mishra nhận định: “Về tổng thể, Ấn Độ sẽ tiếp tục là cầu nối giữa hai phía và ở vị trí tốt trong việc đưa chiến tranh kết thúc”.