Mỹ và Nga chỉ dùng đường dây nóng quân sự một lần trong xung đột ở Ukraine

Quân đội Mỹ và Nga đã thiết lập một đường dây liên lạc khi bắt đầu nổ ra xung đột ở Ukraine nhưng đường dây này mới chỉ được sử dụng đúng một lần.

Chú thích ảnh
Lầu Năm Góc. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters ngày 29/11, thông tin trên do một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ. Ông này cho biết Mỹ đã chủ động thực hiện một cuộc gọi thông qua đường dây giảm xung đột để truyền đạt những lo ngại của Mỹ liên quan chiến dịch quân sự của Nga gần các cơ sở hạ tầng quan trọng ở Ukraine.

Hầu như không có mấy thông tin về sự cố cụ thể khiến Mỹ đã thực hiện cuộc gọi trên cho Nga qua đường dây này. Đường dây kết nối giữa Bộ Tư lệnh châu Âu của quân đội Mỹ và Trung tâm Quản lý Quốc phòng của Nga.

Quan chức này từ chối giải thích chi tiết nhưng cho biết hai bên đã không sử dụng đường dây khi một tên lửa rơi nhầm vào Ba Lan ngày 15/11 khiến hai người thiệt mạng.

NATO nói vụ nổ có thể do một tên lửa phòng không của Ukraine gây ra, nhưng Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng vì nước này đã bắt đầu cuộc xung đột vào cuối tháng 2.

Mặc dù quan chức Mỹ nói trên từ chối nêu rõ hoạt động nào của Nga đã khiến Mỹ lo lắng, nhưng đã có những sự cố liên quan đến hoạt động chiến đấu của Nga xung quanh cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.

Các hoạt động này xảy ra xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Ukraine cũng đã lo ngại Nga có thể cho nổ đập Nova Kakhovka, nơi giữ một hồ chứa khổng lồ ở miền nam Ukraine. Phá vỡ con đập sẽ tạo ra một bức tường nước đổ ập xuống các khu định cư bên dưới, chảy xuống thủ phủ khu vực chiến lược Kherson.

Liên lạc giữa Mỹ và Nga đã được dư luận chú ý kể từ khi bắt đầu nổ ra xung đột tại Ukraine, nhất là trong bối cảnh có nguy cơ nghiêm trọng xảy ra tính toán sai lầm của cả hai bên, có thể gây ra xung đột trực tiếp giữa các quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân.

Đường dây giảm xung đột chỉ là một trong nhiều cách mà quân đội Mỹ và Nga vẫn phải dùng để liên lạc.

Các kênh quân sự khác gồm các cuộc đàm phán cấp cao hiếm hoi giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Các tướng lĩnh hàng đầu là Tướng Mỹ Mark Milley và Tướng Nga Valery Gerasimov cũng đã hai lần trao đổi kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan và Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Bill Burns cũng đã tiếp xúc với các quan chức Nga.

Tuy nhiên, quan hệ Mỹ - Nga đang ở mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Lạnh. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Nga đã hoãn các cuộc đàm phán ở Cairo nhằm nối lại các cuộc thanh sát vũ khí hạt nhân. Bộ Ngoại giao Nga xác nhận các cuộc đàm phán đã bị hoãn lại. Không bên nào đưa ra lý do.

Khi được yêu cầu bình luận về đường dây giảm xung đột, Lầu Năm Góc chỉ nói rằng họ giữ lại một số kênh để thảo luận các vấn đề an ninh quan trọng với người Nga, nhất là trong trường hợp bất ngờ hoặc khẩn cấp nhằm ngăn chặn tính toán sai lầm, sự cố quân sự và leo thang căng thẳng.

Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Chúng tôi có hy vọng nhờ các cuộc gọi cấp cao gần đây của Bộ Quốc phòng với các đối tác Nga và tin rằng tiếp tục đối thoại là rất quan trọng”.

Khi được công bố vào tháng 3, Lầu Năm Góc cho biết đường dây giảm xung đột có mục đích tránh cuộc đụng độ vô ý trong không phận NATO hoặc trên mặt đất.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết: “Đây không phải là một đường dây khiếu nại đa năng, nơi chúng ta chỉ cần nhấc điện thoại và bày tỏ lo ngại về những gì Nga đang làm ở Ukraine”.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Ảnh: Sputnik

Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô đã duy trì đường dây nóng như vậy ở các cấp độ khác nhau.

Ông Alexander Vershbow, cựu Đại sứ Mỹ tại Moskva và là cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc và NATO, cho biết đường dây giảm xung đột mới nhất nhằm tập trung vào các hoạt động hàng ngày, trái ngược với các cuộc trao đổi chiến lược hơn giữa các quan chức hàng đầu như Tướng Milley và Gerasimov.

Ông Vershbow đã so sánh với đường giảm xung đột liên quan Syria. Đường dây này hoạt động nhiều hơn vì ở Syria, lực lượng Mỹ và Nga đôi khi xuất hiện trong cùng một không phận hoặc khu vực.

Quan chức Mỹ trên nói với Reuters rằng đường dây giảm xung đột được kiểm tra hai lần mỗi ngày với các cuộc gọi bằng tiếng Nga. Một người biết tiếng Nga tại Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ thực hiện các cuộc gọi đó từ Wiesbaden, Đức.

Wiesbaden cũng là địa điểm của Nhóm hỗ trợ an ninh mới của Lầu Năm Góc -Ukraine, chuyên hỗ trợ từ xa cho Chính phủ Ukraine phòng thủ chống quân đội Nga.

Các quan chức Mỹ từng nói rằng ngay từ đầu, giới chức Mỹ đã tin rằng đường dây giảm xung đột có thể hữu ích nếu Mỹ cần sơ tán công dân khỏi lãnh thổ do Nga chiếm đóng ở Ukraine.

Một quan chức đã dự đoán rằng đường dây có thể được sử dụng nếu một máy bay chiến đấu Nga đuổi theo một máy bay Ukraine vào không phận Ba Lan, hoặc một tên lửa Nga bay qua không phận NATO.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Ukraine muốn gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen ít nhất 1 năm
Ukraine muốn gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen ít nhất 1 năm

Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine ngày 28/11 cho biết nước này muốn kéo dài thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc mang tên Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen thêm ít nhất 1 năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN