“Như Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đề cập, nếu NATO cung cấp khẩu đội Patriot và cử các cố vấn quân sự NATO tới Ukraine, các nước NATO sẽ ngay lập tức trở thành mục tiêu hợp pháp của các lực lượng vũ trang Nga”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Medvedev viết trên kênh Telegram ngày 29/11.
Trước đó, trong buổi họp báo sau cuộc họp đầu tiên của ngoại trưởng nước thành viên NATO tại Bucharest, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết tổ chức này đang thảo luận về khả năng cung cấp cho quân đội Ukraine các tổ hợp tên lửa phòng không Patriot. Theo ông Stoltenberg, giới chức đang thảo luận về phương án mở rộng viện trợ phòng không cho Ukraine nhằm ngăn chặn tốt hơn các cuộc tấn công từ trên không của Nga, bao gồm cả việc cung cấp phụ tùng thay thế để đảm bảo hệ thống vũ khí của Kiev có thể sử dụng được.
Tuy nhiên, Chuẩn tướng Patrick Ryder, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, khẳng định Mỹ hiện không có kế hoạch gửi các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot tới Ukraine.
Ukraine đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh phương Tây cung cấp hệ thống phòng không, bao gồm các hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất, để bảo vệ nước này khỏi các cuộc tấn công của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Tại cuộc họp, các bộ trưởng NATO cũng lên án các cuộc không kích của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, đồng thời cam kết tăng cường hỗ trợ cho Kiev.
Hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất bao gồm một tên lửa đánh chặn trên không và một hệ thống radar nhằm đánh chặn các đầu đạn của tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Tuy nhiên, một trong những thách thức khi gửi Patriot hoặc các vũ khí tiên tiến khác tới Ukraine là các hệ thống này yêu cầu bảo trì và huấn luyện phức tạp.
Mỹ đã viện trợ cho Ukraine số lượng lớn các hệ thống phòng không khác nhau, từ tên lửa phòng không vác vai Stinger cho đến hệ thống tên lửa phòng không tầm trung NASAMS, cùng các hệ thống radar cảnh báo trên không.