Theo đài RT ngày 24/11, trong một tuyên bố đưa ra ngày 23/11, Lầu Năm Góc cho biết họ quan ngại sâu sắc về tình trạng thù địch gia tăng ở Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Lầu Năm Góc lưu ý rằng các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào các nhóm người Kurd hồi đầu tuần này có nguy cơ gây tổn hại cho các lực lượng Mỹ đóng quân gần đó.
Chỉ một ngày trước đó, Nhà Trắng đã lên tiếng ủng hộ chiến dịch Claw-Sword đang diễn ra của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố từ một số nhóm người Kurd và có mọi quyền để tự vệ. Tuy nhiên, ông Kirby cho rằng chiến dịch trên có thể gây phản ứng từ các tay súng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn, khiến nhóm này gặp khó khăn khi tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố IS.
Mặc dù Lầu Năm Góc tiếp tục công nhận những lo ngại chính đáng về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng họ cũng cảnh báo về các hành động quân sự không phối hợp ở Iraq, cho rằng điều này làm suy yếu chủ quyền của Iraq. Lầu Năm Góc kêu gọi giảm leo thang ngay lập tức trong khu vực để đảm bảo an toàn và an ninh cho nhân sự trên mặt đất.
Trên 900 lính Mỹ vẫn ở lại Syria. Quân đội Mỹ phối hợp với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo.
Mối thù địch giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm vũ trang người Kurd đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các phe phái người Kurd gây ra vụ đánh bom ngày 13/11 ở Istanbul, cướp đi sinh mạng của 6 người và làm bị thương 81 người.
Kể từ 20/11, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện một loạt cuộc không kích và pháo kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến đảng Công nhân người Kurd (PKK) và YPG, những tổ chức mà họ coi là tổ chức khủng bố. Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã tiêu diệt tới 254 tay súng và tấn công 471 mục tiêu khủng bố ở Syria và Iraq.
Ngày 23/11, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cảnh báo các cuộc không kích mới chỉ là khởi đầu và nước này có thể sớm tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào các khu vực do người Kurd kiểm soát. Tuy nhiên, ông Erdogan trấn an chính phủ Iraq và Syria rằng hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là thách thức chủ quyền hoặc toàn vẹn lãnh thổ hai nước này, đồng thời nhấn mạnh mục đích của hoạt động là bảo vệ an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính phủ Đức cũng quan ngại về chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ, kêu gọi nước này phản ứng phù hợp với luật pháp quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Christofer Burger cho rằng các thông tin về dân thường gặp nạn trong chiến dịch không kích của Thổ Nhĩ Kỳ là rất đáng lo ngại. Đức kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và tất cả các bên liên quan không làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã căng thẳng ở miền Bắc Syria và Iraq.
Trước đó, theo hãng thông tấn Nga RIA Novosti, ngày 22/11, ông Alexander Lavrentyev, đặc phái viên của Tổng thống Nga về Syria đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế sau các cuộc tấn công vào lãnh thổ Syria. Theo ông Lavrentyev, Nga sẽ tiếp tục làm việc về vấn đề này với tất cả các bên liên quan và nỗ lực tìm một giải pháp hòa bình cho vấn đề người Kurd.
Ông Lavrentiev lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã không thông báo trước cho Nga về chiến dịch không kích ở Syria và Iraq.