Theo trang NBC News, trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực, ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đã nói riêng với các cố vấn rằng ông không muốn nhiệm kỳ của mình sẽ bị tiêu hao bởi các cuộc điều tra nhằm vào người tiền nhiệm Donald Trump.
Bước tiếp thay vì quay lại truy xét
Quan điểm trên của ông Biden được thể hiện bất chấp áp lực từ một số thành viên đảng Dân chủ muốn điều tra Tổng thống Donald Trump, các chính sách cũng như các thành viên trong chính quyền của ông sau lễ nhậm chức của vị Tổng thống thứ 46.
Nguồn tin từ 5 người liên quan đến các cuộc thảo luận trong nhóm thân cận của ông Joe Biden cho biết, vị cựu Phó Tổng thống đã nêu lên lo ngại rằng các cuộc điều tra sẽ càng làm chia rẽ một đất nước mà ông đang tìm cách đoàn kết, cũng như có nguy cơ khiến mỗi ngày trong nhiệm kỳ tổng thống của ông đều vướng mắc đến người tiền nhiệm.
Các nguồn tin cho hay ông Biden đã nói với các cố vấn rằng ông thận trọng với các cuộc điều tra nhằm vào ông Trump liên quan đến vấn đề thuế cũng như các sắc lệnh mà người tiền nhiệm có thể đã ban hành nhằm trao quyền miễn trừ cho các thành viên đội ngũ của mình trước khi ông rời nhiệm sở. Một vị cố vấn tiết lộ, ông Biden đã chỉ rõ rằng ông “chỉ muốn bước tiếp”. Một cố vấn khác cho biết, “ông ấy sẽ có xu hướng sửa chữa các vấn đề và tiến lên phía trước hơn là quay lại truy xét chúng”.
Theo NBC, bất kỳ quyết định nào do Bộ Tư pháp chính quyền kế nhiệm đưa ra liên quan đến ông Trump, các trợ lý hay chính sách của ông sẽ không ảnh hưởng tới các cuộc điều tra của giới chức tiểu bang, trong đó có nỗ lực của Chưởng lý quận Manhattan Cyrus Vance Jr. nhằm có được bản khai thuế của Tổng thống Trump.
Bảo đảm một Bộ Tư pháp độc lập với Nhà Trắng
Trong lúc Joe Biden tìm cách cân bằng khuynh hướng của bản thân với áp lực từ nội bộ đảng, các cố vấn của ông nhấn mạnh cựu Phó tổng thống đang tìm cách cài đặt lại quan hệ giữa Nhà Trắng và Bộ Tư pháp sau những gì xảy ra dưới thời Tổng thống Trump. Theo các trợ lý, ông Biden muốn Bộ Tư pháp trong chính quyền của ông phải hoạt động độc lập với Nhà Trắng, và ông sẽ không yêu cầu giới chức thực thi pháp luật liên bang tiến hành điều tra hay không điều tra ai hoặc vụ việc gì.
“Quan điểm bao quát của ông ấy là chúng ta cần đưa đất nước tiến về phía trước”, một cố vấn của ông Biden cho biết, “Nhưng điều quan trọng nhất trong vấn đề này là ông ấy sẽ không can thiệp vào Bộ Tư pháp và cũng không chính trị hóa Bộ Tư pháp”.
Một vị cố vấn khác của ông Biden cho hay, các ưu tiên của ông Biden sẽ là kinh tế, đại dịch COVID, biến đổi khí hậu và các mối quan hệ sắc tộc, chứ không phải là soi xét lại chính quyền Trump.
Các Tổng thống Mỹ trong lịch sử thường tự đề ra những vấn đề mà họ cho là Bộ Tư pháp cần ưu tiên thực hiện. Vì thế, các cuộc điều tra liên quan đến ông Trump, hoặc quan điểm “giải quyết quá khứ” đang được chờ đợi sẽ trở thành điểm nhấn khi ông Biden tiến gần hơn đến thời điểm nhậm chức.
Tuy nhiên, theo một cố vấn của Joe Biden thì “ông ấy có thể đặt ra yêu cầu về những gì ông cho là nên làm. Nhưng ông sẽ không trở thành một tổng thống ra lệnh cho Bộ Tư pháp làm thế này thế nọ”.
Ưu tiên đoàn kết quốc gia
Việc nhấn mạnh cách tiếp cận “cách một sải tay” (nguyên tắc độc lập) với Bộ Tư pháp có thể giúp ông Biden tránh được chỉ trích từ người ủng hộ về việc không thúc đẩy các cuộc điều tra nhằm vào người tiền nhiệm. Lâu nay, phe Dân chủ vốn chỉ trích mạnh mẽ những ảnh hưởng trực tiếp của Tổng thống Trump đối với các cuộc điều tra do Bộ Tư pháp tiến hành, trong đó có lời kêu gọi truy tố ông Biden và cựu Tổng thống Obama dựa trên những cáo buộc không rõ ràng. Vì thế việc ông Biden cam kết không can thiệp vào các cuộc điều tra liên bang sẽ được nhiều người hoan nghênh.
Tuy vậy sẽ rất khó để Joe Biden tránh được hoàn toàn vấn đề này trong bối cảnh đã xuất hiện nhiều lời kêu gọi điều tra về một loạt vấn đề liên quan đến Tổng thống Trump: từ chính sách chia tách con cái của người muốn nhập cư cho đến thuế, và có thể cả xung đột lợi ích hay vi phạm luật tài chính tranh cử. Vấn đề này có thể khiến ông Biden đau đầu khi mâu thuẫn với một số người ủng hộ đang háo hức chứng kiến một cuộc điều tra ông Trump.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Biden từng nhiều lần nói rằng ông sẽ nhường lại quyết định có truy tố ông Trump hay không cho ông Tổng chưởng lý (Bộ trưởng Tư pháp). “Nếu phán quyết là ông ta vi phạm pháp luật và trên thực tế, ông phải bị truy tố hình sự, thì cứ làm như vậy. Nhưng tôi sẽ không chỉ đạo”, ông Joe Biden phát biểu ở Atlanta, bang Georgia ngày 17/11.
Một trong những lý do mà Biden đưa ra với các trợ lý là ông tin rằng các cuộc điều tra sẽ khiến hơn 73 triệu người Mỹ bỏ phiếu cho Trump bị xa lánh. Tuy nhiên, một số đảng viên Đảng Dân cho rằng Biden nên ưu tiên các mối quan tâm của những người ủng hộ mình, chứ không phải của những người chỉ trích.
Lúc này, ông Biden cũng đã hiểu rằng ứng cử viên mà ông đề xuất cho vị trí Bộ trưởng Tư pháp sẽ “là một trong những quyết định có ảnh hưởng nhất mà ông sẽ đưa ra”.
Tình thế khó xử này từng xảy ra với cựu Tổng thống Obama khi ông nhậm chức năm 2009. Phe Dân chủ khi đó đòi truy tố các quan chức chính quyền Tổng thống Bush liên quan đến những chính sách về thẩm vấn, tra tấn nghi phạm khủng bố.
Để xoa dịu nội bộ đảng, ông Obama đã công bố các bản ghi nhớ về chương trình gây tranh cãi của chính quyền tiền nhiệm, sau đó công khai nói rằng ông không ủng hộ truy tố các quan chức chính quyền Bush đã đề xuất hoặc thực hiện chính sách đó. Ông cũng bác bỏ lời kêu gọi về một ủy ban kiểu như Ủy ban 11/9, nhằm xem xét lại các chính sách của ông Bush.