Nỗi lo chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang bị thổi phồng?

Một nhà kinh tế học tại Thụy Sĩ cho rằng nỗi lo sợ thế giới đang ở bên bờ một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trên thực tế đã bị phóng đại.

Giáo sư Richard Baldwin. Ảnh: Nikkei Asian Review

Trong vài tháng qua, những cảnh báo qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc áp đặt mức thuế mới lên hàng hóa xuất khẩu của đối phương đã khiến nhiều người quan ngại về viễn cảnh một cuộc chiến tranh thương mại bắt nguồn từ chủ trương bảo hộ và không "mặn mà" với toàn cầu hóa.

Tuy nhiên, trong bài trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asian Review, giáo sư Richard Baldwin tại Viện Graduate ở Geneva (Thụy Sĩ) cho biết: “Tâm lý chống toàn cầu hóa phần lớn đang bị phóng đại”.

Giáo sư Baldwin đồng thời cũng nghi ngờ về năng lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các vấn đề về thương mại: “Tôi không cho rằng họ hiểu chính xác cách chuỗi giá trị toàn cầu vận hành”.

Ông Baldwin cho rằng không phải Tổng thống Trump mà nông dân và các ngành công nghiệp lớn của Mỹ mới đóng vai trò trong chính sách thương mại quốc gia này. Giáo sư Baldwin phân tích: “Tổng thống Trump đe dọa Trung Quốc. Trung Quốc lại đe dọa nông sản xuất khẩu Mỹ. Người nông dân đề nghị Tổng thống Trump ngừng lại và ông ấy đã thực hiện như vậy”. 

Ngày 20/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Washington và Bắc Kinh đã "đình chiến" về thương mại. Theo ông Mnuchin, Mỹ dự tính xuất khẩu nông sản tới Trung Quốc sẽ tăng từ 34-40% trong năm nay.

Container hàng hóa tại một cảng biển ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Giáo sư Baldwin nhận định làn sóng toàn cầu hóa mới sẽ mạnh đến mức xu hướng bảo hộ hiện nay không còn tác dụng. Theo ông Baldwin: “Các lãnh đạo Mỹ và Anh là những người đang mắc phải sai lầm lớn nhất”.

Theo dự báo của các chuyên gia, làn sóng toàn cầu hóa mới sẽ tập trung vào dịch vụ lao động. Ông Baldwin đánh giá: “Cách mạng thực sự là khi một bác sĩ Kenya có thể tư vấn y tế cho công dân Anh vào dịp cuối tuần”.


Ông Baldwin phân tích làn sóng toàn cầu hóa đầu tiên gây lo ngại về việc vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới, trong khi làn sóng thứ hai liên quan tới chuyên môn. Và trong quan điểm của ông Baldwin, làn sóng toàn cầu hóa thứ 3 sẽ lan tràn rộng rãi hơn. Giáo sư Baldwin còn đặc biệt đánh giá cao các máy móc dịch thuật có thể giúp phá rào cản ngôn ngữ. Tuy nhiên, ông Baldwin cũng cảnh báo làn sóng toàn cầu hóa thứ 3 có khả năng dẫn tới khoảng cách giàu nghèo gia tăng.

Giáo sư Baldwin bên cạnh đó cũng tin rằng chính quyền trong tương lai của Mỹ có thể sẽ tái gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Hà Linh/Báo Tin tức
Khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un 'làm mới' hình ảnh
Khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un 'làm mới' hình ảnh

Sáu năm kể từ khi nắm quyền lãnh đạo CHDCND Triều Tiên khá kín tiếng, ông Kim Jong-un đã bất ngờ thể hiện hình ảnh mới gần gũi qua các hội nghị thượng đỉnh với Mỹ và Hàn Quốc trong 2 tháng qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN