Nhiều cây hàng nghìn năm tuổi tại châu Phi chết hàng loạt

Ngày 11/6, các nhà nghiên cứu đã bày tỏ quan ngại khi trong thập niên qua, nhiều cây bao báp to lớn và nhiều tuổi nhất châu Phi đã đột ngột chết.

Các nhà khoa học khẳng định 9 trong 13 cây bao báp lâu đời nhất đã chết trong vòng 12 năm trở lại đây. Ông Adrian Patrut tại Đại học Babes-Bolyai (Romania), người tham gia nghiên cứu về cây bao báp, nhận định: “Thật sốc khi phải chứng kiến nhiều cây có tuổi đời hàng thế kỷ ra đi”.

Cây bao báp tại châu Phi. Ảnh: madamagazine

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến nhiều cây bao báp chết nhưng các nhà khoa học cho rằng diễn biến này có liên quan đến tình trạng khí hậu tác động đến phía Nam châu Phi.

Hãng thông tấn AFP (Pháp) dẫn nhận định của các nhà nghiên cứu cho rằng những cây bao báp trong khoảng từ 1.100 đến 2.500 năm tuổi, có kích thước tương đương chiếc xe buýt, đã trở thành nạn nhân của biến đổi khí hậu.

Hầu hết những cây bao báp to lớn đã chết đều nằm tại các quốc gia ở phía Nam châu Phi như Zimbabwe, Namibia, Nam Phi, Botswana và Zambia.

Bao báp đóng vai trò rất đặc biệt trong cuộc sống của người dân châu Phi. Con người và động vật đều có thể ăn được quả của cây bao báp.

Trong khi đó, lá của cây bao báp có thể đem luộc để ăn như rau xanh hoặc chế biến thành thuốc. Vỏ cây bao báp có thể sử dụng để làm dây thừng, quần áo, mũ…

Cây bao báp có thể sống tới 3.000 năm tuổi. Rất khó để “giết” bao báp bởi ngay cả khi bị đốt cháy hoặc bị lột vỏ, chúng vẫn có thể mọc thêm vỏ mới và phát triển.

Cây bao báp lớn nhất hiện nay sống ở Namibia, có chiều cao 30,2 m và đường vòng quanh thân là 35,1 m.

Quang Anh/Báo Tin tức
Nữ cảnh sát Nga xinh như búp bê cưỡi ngựa 'đốn tim' cộng đồng mạng
Nữ cảnh sát Nga xinh như búp bê cưỡi ngựa 'đốn tim' cộng đồng mạng

Bức ảnh nữ cảnh sát Nga với đôi mắt to tròn và tóc nâu dài suôn thẳng ngồi trên yên ngựa đã được chia sẻ “nhiệt tình” trên mạng xã hội Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN