Theo nhận định của Timothy Wright, cộng tác viên nghiên cứu về phân tích quốc phòng và quân sự của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) mới đây, thế giới có thể đang tiến tới kỷ nguyên của hoạt động hạt nhân không bị hạn chế. Trong khi vấn đề hạt nhân thường gây bất ổn, sự cạnh tranh và mất lòng tin về địa chính trị càng làm suy yếu thêm sự ổn định chiến lược.
Trong môi trường này, các hành động liên quan đến lực lượng hạt nhân chiến lược và các vụ thử tên lửa đạn đạo liên quan có thể bị các đối thủ hiểu lầm hoặc hiểu sai là mang tính chất leo thang. Do đó, 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (P5) có thể nghiên cứu tạo ra các cơ chế minh bạch mới, đặc biệt là chế độ thông báo đa phương về lĩnh vực này để giảm thiểu rủi ro. Nhưng việc đề xuất đưa Trung Quốc, Pháp và Anh vào vòng đàm phán lại Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) có khả năng gặp nhiều thách thức.
Đầu năm nay, Nga đã đình chỉ thực hiện New START do điều mà họ cho là "sự thù địch cực độ" của Washington liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Bộ Ngoại giao Nga vào thời điểm đó cho biết "việc tiến hành kinh doanh như bình thường với Mỹ và phương Tây nói chung là không thể".
Thỏa thuận song phương New START vẫn có hiệu lực theo thời hạn gia hạn 2021-2026 và đặt giới hạn về đầu đạn và bệ phóng đối với kho vũ khí chiến lược của Nga và Mỹ, đồng thời các biện pháp minh bạch và xác minh cung cấp cho mỗi quốc gia những thông tin quan trọng về cơ cấu lực lượng của bên kia. Mỹ cũng đình chỉ thực hiện New START vào tháng 6/2023, nhưng nhấn mạnh rằng họ sẵn sàng đảo ngược điều này nếu Nga quay lại tuân thủ.
Những quy định, ràng buộc về mặt pháp lý đối với quy mô kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Nga và Mỹ đã được áp dụng từ năm 1972. Nhưng điều này sẽ không được áp dụng sau năm 2026 nếu New START không được thay thế hoặc gia hạn. Triển vọng về vấn đề đó rất mờ mịt vì Nga đã gắn việc kiểm soát vũ khí với cuộc xung đột ở Ukraine, do đó khó tiến hành các cuộc đàm phán về một thỏa thuận tiếp theo; và ngay cả khi xung đột ở Ukraine kết thúc trước năm 2026, các điều kiện mới có thể gây tranh cãi trong bất kỳ cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí nào giữa Nga và Mỹ.
Những thách thức chính trị và kỹ thuật
Có lẽ bất đồng quan trọng nhất giữa Nga và Mỹ về kiểm soát vũ khí trong tương lai là quan điểm khác nhau của họ về việc bổ sung các nước tham gia. Nga khẳng định Pháp và Anh phải tham gia, vì họ là đồng minh của Mỹ, trong khi Mỹ mong muốn có thêm Trung Quốc vì nước này đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân.
Mặc dù Moskva và Washington cuối cùng có thể thống nhất những tham vọng này, nhưng việc đưa thêm các bên vào bàn đàm phán sẽ đặt ra một thách thức chính trị và kỹ thuật đáng kể. Pháp và Anh đã phản đối lời kêu gọi của Nga tham gia một thỏa thuận đa phương có tính ràng buộc về mặt pháp lý vì quy mô kho vũ khí nhỏ hơn của họ. Tương tự, Trung Quốc cũng bác bỏ đề xuất của Mỹ đưa nước này vào một hiệp ước tương lai vì lý do tương tự. Tuy nhiên, không giống như Pháp và Anh, lực lượng hạt nhân của Trung Quốc đang trải qua quá trình mở rộng nhanh chóng về số lượng và chất lượng.
Việc kết hợp nhiều bên ký kết hơn vào một khuôn khổ ràng buộc về mặt pháp lý cũng sẽ đòi hỏi phải thiết kế lại các thỏa thuận song phương hiện có để đảm bảo sự đa dạng hơn về quy mô kho dự trữ hạt nhân. Trong khi Nga và Mỹ có kho vũ khí gần giống nhau thì kho vũ khí của các thành viên P5 khác lại khác nhau đáng kể.
Trong một thỏa thuận mở rộng, các quốc gia sẽ cần đồng ý về một "mức trần chung" cho tất cả các bên ký kết hoặc đàm phán về một tỷ lệ mà họ đều đồng ý. Cách tiếp cận thứ hai sẽ gây khó khăn không mong muốn cho một số quốc gia trong việc muốn phát triển tối đa, trong khi cách tiếp cận thứ nhất sẽ hạn chế các bên ký kết theo đuổi các học thuyết về mức độ răn đe tối thiểu phản ánh môi trường an ninh mà họ cảm nhận được.
Những khó khăn này cho thấy rằng việc kiểm soát vũ khí song phương mang tính ràng buộc về mặt pháp lý có thể đang ở mức thấp nhất, nhường chỗ cho một kỷ nguyên hoạt động hạt nhân không bị hạn chế. Việc thiếu các ràng buộc sẽ trở nên trầm trọng hơn do thiếu minh bạch về cơ cấu và tư thế lực lượng hạt nhân của đối thủ, có khả năng dẫn đến chạy đua vũ trang.
Căng thẳng địa chính trị ở châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương có thể sẽ làm tăng rủi ro hơn nữa, vì các nhà hoạch định chính sách dân sự và quân sự có thể bị kích động trong thời kỳ khủng hoảng hoặc bất ổn và trong trường hợp xấu nhất có thể dẫn đến leo thang vô tình.
Trước những thách thức liên quan đến việc hình thành các thỏa thuận đa phương ràng buộc về mặt pháp lý mới, thay vào đó, các quốc gia có vũ khí hạt nhân có thể tìm kiếm các cơ chế ràng buộc về mặt chính trị để giảm thiểu rủi ro, điều này có thể dễ dàng đàm phán hơn.
Triển vọng kiểm soát vũ khí đa phương
Mặc dù Trung Quốc, Pháp và Anh không sẵn lòng chính thức tham gia một thỏa thuận đa phương, nhưng các tuyên bố từ các quốc gia này - cũng như Nga và Mỹ - bày tỏ sự đánh giá cao về sự cần thiết của các biện pháp giảm thiểu rủi ro và coi P5 như một diễn đàn thích hợp để theo đuổi các biện pháp này. Trong bài phát biểu đề cập đến môi trường kiểm soát vũ khí đang ngày càng xấu đi vào tháng 6/2023, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng P5 "mang đến cơ hội [để] quản lý rủi ro hạt nhân và áp lực chạy đua vũ trang thông qua sự kết hợp giữa đối thoại, minh bạch và thỏa hiệp".
Nga phản ứng tích cực với bài phát biểu này, cho rằng đây là một "tuyên bố quan trọng và tích cực". Vào tháng 8/2023, Trung Quốc cũng cho biết họ "hỗ trợ P5 tiếp tục đối thoại và hợp tác để thảo luận về các biện pháp giảm thiểu rủi ro chiến lược khả thi". Mặc dù Anh và Pháp chưa phản hồi trực tiếp với nhận xét của ông Sullivan, nhưng London và Paris đều nói rằng sự cạnh tranh tạo ra nhu cầu về các cơ chế tốt hơn để giảm thiểu rủi ro.
Các cuộc đàm phán giữa các thành viên P5 về các biện pháp giảm thiểu rủi ro mang tính ràng buộc về mặt chính trị có thể sẽ gặp khó khăn do mối quan hệ kém giữa các bên vào thời điểm hiện tại. Hơn nữa, một số quốc gia thành viên NATO có thể phản đối việc Pháp, Anh và Mỹ lôi kéo Nga vào việc kiểm soát vũ khí trong khi cuộc xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của các biện pháp minh bạch nhằm giảm thiểu rủi ro và nguy cơ tính toán sai lầm khi căng thẳng leo thang. Do đó, khuôn khổ này cũng có thể đóng vai trò là điểm khởi đầu hữu ích cho các biện pháp sâu rộng hơn sau này khi có điều kiện thích hợp.