Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất ngày 6/6, phe ủng hộ “Brexit” - Anh rời khỏi EU - đang dần chiếm ưu thế và điều này lại càng gia tăng áp lực đối với đồng bảng Anh cũng như chính bản thân Thủ tướng David Cameron khi chỉ còn 2 tuần nữa là tới các cuộc trưng cầu dân ý. Kết quả trung bình của 6 cuộc thăm dò dư luận "WhatUKThinks" cho thấy có khoảng 51% số người được hỏi ủng hộ việc Anh rời khỏi EU, trong khi 49% cho rằng nước Anh nên tiếp tục là thành viên của khối. Trong ba cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất, người ta thấy dư luận ngày càng nghiêng về khả năng để Anh ra đi, và nhiều người bày tỏ quan điểm mong muốn Anh là nước đầu tiên trong lịch sử rời khỏi liên minh này.
Thủ lĩnh đảng Độc lập Anh Nigel Farage trong một cuộc đối thoại về cuộc trưng cầu ý dân ngày 7/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Lựa chọn “Có” trong cuộc trưng cầu dân ý về “Brexit” ngày 23/6 tới đây sẽ không chỉ là cú đánh trực diện nhằm thẳng vào sự tự tin và địa vị quốc tế của EU mà còn hủy hoại vị thế của Anh với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai và một trong hai cường quốc quân sự chính trong khối. Điều này cũng sẽ tạo lỗ hổng lớn trong ngân sách chung của EU và khiến liên minh này đi chệch khỏi mục tiêu trở thành một nền kinh tế cởi mở và giàu tính cạnh tranh hơn - điều vốn được các nước như Hà Lan, Thụy Điển, Ireland và các nước Trung Âu ủng hộ - sang hướng bảo hộ hơn và có những nguyên tắc ngặt nghèo hơn.
Thậm chí ngay cả những người đề cao hướng xây dựng EU theo hình thức liên bang cũng phải thừa nhận rằng nước Anh đã có những đóng góp đáng kể trong việc mở cửa thị trường nội khối EU, thúc đẩy một chính sách đối ngoại với tầm nhìn xa hơn, và đã chia sẻ với các thành viên của khối một nền văn hóa phong phú với nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Sylvie Goulard, một nghị sỹ trong Quốc hội châu Âu, thuộc nhóm ALDE có tư tưởng tự do ôn hòa, nói: “Chúng ta sẽ để mất những giá trị thực chất của nước Anh, để mất một tầm nhìn địa chính trị toàn cầu, để mất những kinh nghiệm kinh tế, tài chính và pháp lý”. Việc Brexit trở thành sự thật sẽ càng khích lệ những người có tư tưởng hoài nghi sự hội nhập châu Âu, giúp họ càng có cớ để kêu gọi tiến hành đàm phán lại và tổ chức trưng cầu dân ý về các vấn đề nội khối.
Cán cân quyền lực của giới lãnh đạo châu Âu cũng sẽ thay đổi nếu Anh rời khỏi liên minh. Đức sẽ mất một đối tác kinh tế quan trọng. Pháp sẽ mất một đồng minh then chốt trong việc ủng hộ các sứ mệnh quân sự của EU tại châu Phi và nhiều nơi khác. Châu Âu sẽ không còn mạnh dạn chống lại Nga hay sẵn sàng xích lại gần hơn với Mỹ. Châu Âu sẽ bị chia rẽ giữa một bên là đa số các nước sử dụng đồng euro với một bên là nhóm thiểu số gồm các quốc gia vẫn chưa gia nhập khu vực đồng tiền chung hoặc cương quyết lựa chọn đứng ngoài. Không chỉ vậy, ngay cả các nước không thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), như Thụy Điển, Đan Mạch, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, Bulgaria, Romania và Croatia - cũng sẽ không còn nhiều ảnh hưởng nếu thiếu Anh, một trung tâm tài chính bên ngoài eurozone.
Một trong những bài toán hóc búa nhất mà EU phải đối mặt là làm thế nào để bù đắp lại khoản thâm hụt ngân sách sau khi Anh rời khỏi liên minh, nguồn tiền chủ yếu được sử dụng để trợ cấp các khu vực nghèo đói và hỗ trợ nông dân. Anh là nước đóng góp nhiều thứ ba cho ngân sách của khối, chỉ sau Đức và Pháp, với xấp xỉ 9,23 tỷ euro mỗi năm, nhiều hơn số tiền họ nhận lại được từ ngân khố EU trong giai đoạn 2010 - 2014. Theo quy định, Anh sẽ tiếp tục đóng góp cho ngân sách của EU thêm hai năm trước khi chính thức rời khối.
Thực tế là các nước đối tác trong EU của Anh sẽ mất một đồng minh lớn trong nhiều vấn đề như triển khai các biện pháp kích thích cạnh tranh thương mại lành mạnh, giảm thiểu sự hỗ trợ của nhà nước đối với ngành công nghiệp, phản đối các biện pháp hài hòa thuế, và phản đối các rào cản thương mại với Trung Quốc hay các nền kinh tế đang nổi. Nếu Brexit trở thành hiện thực, trung tâm nghiên cứu và sáng tạo của EU cũng sẽ không còn nữa. Một nhà ngoại giao Thụy Sỹ bày tỏ quan điểm: “Tôi lo ngại rằng châu Âu sẽ trở nên kém cởi mở hơn, kém tự do hơn nếu thiếu nước Anh... Chúng ta sẽ khó có thể giành phần thắng trong các cuộc tranh luận về kinh tế”.