Trả lời phỏng vấn tờ "Thời báo Hàn Quốc" mới đây, Giáo sư Park Jae-kyu, Chủ tịch Đại học Kyungnam, người từng nắm giữ cương vị Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc dưới thời cố Tổng thống Kim Dae-jung (1999-2001) đồng thời là Cố vấn Tổng thống về vấn đề thống nhất hai miền (giai đoạn 2006-2011), cho rằng Hàn Quốc nên tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với CHDCND Triều Tiên chậm nhất vào năm tới nếu các mục tiêu của chính sách hòa giải liên Triều mà Tổng thống Park Geun-hye đang theo đuổi trở thành hiện thực. Ông Choe Ryong Hae (phải), đặc phái viên của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, gặp gỡ Tổng thống Nga Putin tại Điện Kremlin hôm 18/11. |
Theo Giáo sư Park Jae-kyu, mối quan hệ liên Triều đã xấu đi trong vài năm qua và hai miền cần một cuộc thảo luận cấp cao để "xóa bỏ những hiểu lầm và tiến lên phía trước". Năm 2015 là thời điểm thích hợp nhất cho bà Park Geun-hye tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều bởi nếu để chậm hơn nữa thì các nỗ lực nhằm xây dựng lòng tin giữa hai miền của bà Park Geun-hye có thể bị cản trở bởi từ năm 2016 chính giới Hàn Quốc sẽ phải tập trung cho cuộc bầu cử tổng thống mới.
Về các nội dung của cuộc gặp thượng đỉnh, Giáo sư Park Jae-kyu gợi ý: "Hai bên nên thảo luận về cách thức giải quyết các xung đột liên Triều, chẳng hạn như các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Hàn Quốc đang áp dụng với Triều Tiên (thường được gọi là Các biện pháp ngày 24/5).
Bằng cách đó, Seoul có thể thuyết phục Bình Nhưỡng tập trung vào phát triển kinh tế hơn là phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời chia sẻ quan điểm làm thế nào để nối lại cơ chế đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của nước này".
Các biện pháp trừng phạt kinh tế Hàn Quốc áp dụng đối với Triều Tiên từ ngày 24/5/2010 sau vụ chìm tàu Cheonan (3/2010) được xem là trở ngại chính cho việc cải thiện quan hệ liên Triều. Theo đó, Hàn Quốc cấm tất cả các hình thức hợp tác và thương mại liên Triều, ngoại trừ các hoạt động tại Khu công nghiệp chung Keasong ở biên giới giữa hai miền.
Hiện có một hình thái mới của các liên minh như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đang được hình thành tại khu vực Đông Bắc Á, giữa một bên là Mỹ-Nhật-Hàn và bên còn lại là Trung Quốc-Nga-Triều Tiên.
Nhận định này của giáo sư Park Jae-kyu được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên có những động thái nhằm tăng cường quan hệ với Nga, gần đây nhất là chuyến thăm của Bí thư Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Choe Ryong-hae (từ 17-24/11/2014) với vai trò là Đặc phái viên của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng đã "hé mở" khả năng về một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Putin và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong thời gian tới.
Tuy nhiên, liên quan đến mối quan hệ ba bên giữa Triều Tiên với Nga và Trung Quốc, giáo sư Park Jae-kyu phủ nhận những đồn đoán gần đây cho rằng Bình Nhưỡng đang nghiêng về phía Moskva hơn so với Bắc Kinh mặc dù vẫn thừa nhận mối quan hệ Trung-Triều đang ở điểm thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Theo ông: "Nga đang nỗ lực để khôi phục ảnh hưởng của mình tại khu vực Viễn Đông như trong thời Chiến tranh Lạnh, trong khi cả Trung Quốc và Nga đang tăng cường sức mạnh quân sự của mình và có xu hướng hình thành một liên minh quân sự mạnh mẽ để chống lại các 'thế lực bên ngoài' (ám chỉ Mỹ và các đồng minh của Mỹ)".
Theo Giáo sư Park Jae-kyu, các "Dự án đường sắt xuyên Siberia" (TSR) và "Dự án đường ống dẫn khí đốt" từ Nga sang Hàn Quốc đi qua Triều Tiên là những dự án rất tiềm năng để Moskva mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với cả hai miền Triều Tiên.
Ngoài ra, để tranh thủ sự ủng hộ từ các nước trong khu vực trong bối cảnh tình hình khu vực Đông Bắc Á ngày càng phức tạp, giáo sư Park Jae-kyu cho rằng Hàn Quốc cần phải trở thành "người trung gian chính" trong vấn đề thống nhất bán đảo Triều Tiên và trong các hoạt động ngoại giao quan trọng tại khu vực.
TTK