Theo nhận định của nhật báo “Korea Herald” (Hàn Quốc) số ra ngày 13/6, việc Bình Nhưỡng vào phút chót tuyên bố không tham gia đàm phán quan chức cấp cao liên Triều (dự kiến diễn ra tại Seoul vào ngày 12, 13/6) đã làm dấy lên những nghi ngờ về độ chân thành trong việc đàm phán với Hàn Quốc. Điều này cũng cho thấy Seoul cần có thêm chiến lược và sự bền bỉ nếu muốn Bình Nhưỡng thay đổi.
Nhân viên tháo dỡ đồ trong phòng họp tại khách sạn ở Seoul ngày 12/6/2013, sau khi cuộc họp cấp cao liên Triều bị hủy. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Chắc chắn là Seoul vẫn cần có những nỗ lực để duy trì kênh liên lạc hướng tới đối thoại liên Triều. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay là Hàn Quốc phải định hình được “khuôn khổ” đối thoại cơ bản để tăng cường mối quan hệ giữa hai miền trong dài hạn.
Việc Bình Nhưỡng từ chối đàm phán cấp cao với Seoul với một lý do “không đáng có” đã khiến nhiều nhà quan sát nghĩ rằng CHDCND Triều Tiên đề nghị đàm phán trước đó chỉ để làm dịu bầu không khí trước cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức Trung - Mỹ mà thôi. Việc hai nhà lãnh đạo G-2 có quan điểm đồng nhất về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đã khiến Bình Nhưỡng quyết định rút lui.
Dư luận Hàn Quốc hiện có những nhận định trái chiều về thất bại này của chính quyền Park Geun Hye. Những người theo đường lối cải cách đã lên tiếng chỉ trích chính quyền là phản ứng chậm trễ nên bị thất bại. Trong khi đó, những nhân vật bảo thủ lại ủng hộ nguyên tắc mang tính chiến lược của bà Park Geun Hye và coi đó là sự cần thiết để tiến tới bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên.
Thực tế cho thấy thất bại đầu tiên trong việc nối lại đàm phán với Triều Tiên có thể đã giúp chính quyền Tổng thống Park Geun Hye nhận ra rằng tiến trình “xây dựng lòng tin” với Bình Nhưỡng mà họ đang theo đuổi là hoàn toàn không hề đơn giản.
Trong khi một số người chỉ trích Seoul về chiến lược và mục tiêu đàm phán thì một số khác lại cho rằng chính sự mất lòng tin, tình trạng thù địch kéo dài và sự thiếu vắng các kênh liên lạc thường xuyên giữa hai miền Triều Tiên là nguyên nhân cơ bản dẫn đến thất bại lần này.
Phát biểu trước báo giới ở thủ đô Seoul ngày 12/6, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae tuyên bố “cuộc đối thoại quan chức cấp cao liên Triều bị hủy bỏ là một nỗi đau mà hai miền Triều Tiên phải chịu đựng để quan hệ liên Triều phát triển một bước mới”. Ông Ryoo Kihl-jae nhấn mạnh thêm rằng “Bình Nhưỡng cần phải tỏ thái độ chân thành để quan hệ liên Triều tiến triển tốt đẹp hơn”.
Nhà nghiên cứu Cheong Seong-chang (Viện Nghiên cứu Sejong, Hàn Quốc) cho rằng “đúng ra phải có một cách thức tiếp cận linh hoạt trong vấn đề cấp bậc của người đứng đầu phái đoàn đàm phán. Thực tế cho thấy không có sự phân biệt rõ ràng về vai vế của mỗi bên do chế độ chính trị hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, cuộc đối thoại đã không thành do chính phủ hai bên đều thiếu sự mềm dẻo và khả năng thuyết phục”.
Giới quan sát bắt đầu chuyển sự quan tâm sang Diễn đàn An ninh Khu vực (ARF) ở Brunei và cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Trung đều diễn ra vào cuối tháng 6 này. Tại các kỳ họp của ARF trước đây, ngoại trưởng hai miền Triều Tiên đều tham dự và đã từng có các cuộc gặp song phương bên lề hội nghị này. Dư luận đang kỳ vọng quan hệ giữa hai miền Triều Tiên sẽ có bước đột phá mới nếu Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se có được cuộc gặp riêng rẽ với người đồng cấp Triều Tiên Park Ui-chun.
Anh Nguyên (P/v TTXVN tại Hàn Quốc)