Lý do quan hệ Pháp, Mỹ căng thẳng sau đảo chính ở Niger

Các quan chức Pháp đang thất vọng vì những người đồng cấp Mỹ sẵn sàng can dự với chính quyền đã lật đổ tổng thống được bầu cử ở Niger.

Chú thích ảnh
Mohamed Toumba, một trong những người tham gia lật đổ Tổng thống Nigeria Mohamed Bazoum, phát biểu trước những người ủng hộ chính quyền mới ở Niamey ngày 6/8/2023. Ảnh: AP

Theo tờ Politico (Mỹ) ngày 18/8, cuộc đảo chính ở Niger đang gây căng thẳng mới cho liên minh Pháp - Mỹ, khi hai nước bất đồng về cách phản ứng với việc tổng thống của quốc gia Tây Phi bị lật đổ vào tháng 7 vừa qua. 

Pháp đang từ chối tham gia ngoại giao với chính quyền quân sự mới của Niger và ủng hộ mạnh mẽ Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) can thiệp quân sự. Trong khi đó, Mỹ đã cử một đặc phái viên đến gặp lãnh đạo chính quyền quân sự và không tuyên bố chính thức việc tiếp quản là một cuộc đảo chính - khẳng định rằng vẫn còn một cách đàm phán để khôi phục nền dân chủ ở Niger.

Dù các quan chức Pháp cũng ủng hộ một giải pháp hòa bình, nhưng họ đang phản đối cách tiếp cận của Mỹ, nói rằng việc đàm phán với chính quyền quân sự Niger đồng nghĩa với thừa nhận quyền lực của họ.

“Có lẽ để tránh đổ máu, Mỹ đã nhanh chóng muốn thảo luận với những người thực hiện cuộc đảo chính. Nhưng phản ứng tốt hơn nên là đưa ra một số điều kiện hoặc đảm bảo trước khi mở các kênh đó”, một quan chức Pháp phụ trách về tình hình ở Niger cho biết. 

Tình hình trên cho thấy sự thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực và nhấn mạnh sự khác biệt giữa lợi ích của Paris và Washington tại quốc gia châu Phi này. Mỹ, quốc gia sử dụng Niger làm căn cứ cho các hoạt động chống khủng bố, cũng có thể tin rằng họ có nhiều đòn bẩy hơn Pháp, đặc biệt là do trong quá khứ Niger là thuộc địa cũ của Paris.

Một số cựu quan chức Mỹ cho rằng việc Pháp không hài lòng với cách tiếp cận của Mỹ một phần là do Paris bị "kích động" khi mất một trong những chỗ đứng chiến lược cuối cùng ở khu vực Sahel Tây Phi, nơi các cuộc đảo chính khác đã buộc nước này phải rút quân. Pháp lần này đã từ chối yêu cầu của chính quyền quân sự ở Niger rút quân khỏi nước này.

Cameron Hudson, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ chuyên về châu Phi, nhận định: Lợi ích của Pháp ở Niger cao hơn nhiều so với của Washington. Đó là một thất bại chiến lược và tâm lý đối với Pháp. Ở Tây Phi, Pháp đã quen với việc các cường quốc thế giới khác đi theo sự lãnh đạo của mình, hoặc ít nhất là sự hướng dẫn của họ. Điều đó không xảy ra trong trường hợp này.

Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland, trong chuyến thăm chớp nhoáng tới Niger, đã gặp gỡ các đại diện của cuộc đảo chính vào ngày 7/8 và kêu gọi họ đảo ngược hành động của mình. Nhưng bà Nuland đã bị từ chối gặp tổng thống bị phế truất, Mohamed Bazoum, và sau đó bà thừa nhận rằng chính quyền quân sự dường như không muốn đảo ngược các động thái của họ.

Các quan chức Pháp chỉ ra rằng đó là một ví dụ về việc can dự quá nhanh. Một quan chức Mỹ thừa nhận rằng một số đồng minh không hài lòng với chuyến đi của bà Nuland nhưng không cho biết đồng minh nào hoặc nêu chi tiết mối quan ngại của họ. Tuy nhiên, quan chức này bảo vệ nỗ lực can dự với những người lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger: "Cửa sổ cơ hội đang đóng lại. Chúng ta có nên để cơ hội đó đóng lại không? Hay là nên tạo ra một số mức độ linh hoạt?"

Ali El Husseini, một người Mỹ có quan hệ với chính quyền quân sự, cho biết các nhà lãnh đạo quân sự mới của Niger không tin tưởng Pháp, đặc biệt là vì các quan chức Pháp đang hành động như thể họ “không tồn tại”.

"Họ đổ lỗi cho người Pháp về áp lực mà Niger đang phải chịu từ các nước xung quanh, cũng như những gì họ coi là vấn nạn tham nhũng ở nước này, đổ lỗi cho Tổng thống bị lật đổ Bazoum về phần lớn vụ tham nhũng đó. Nhưng họ sẵn sàng thảo luận với Mỹ, quốc gia mà họ cho là ít phải nhượng bộ hơn", ông Husseini nói.

Chú thích ảnh
Pháp đã từ chối rút quân khỏi Niger. Ảnh: AA

Trong khi Pháp và Mỹ vẫn liên kết chặt chẽ với nhau trong một loạt chủ đề, bao gồm cả cuộc xung đột ở Ukraine, một số điểm căng thẳng đã xuất hiện giữa hai “đồng minh lâu đời nhất” trong những năm gần đây. 

Chúng bao gồm những khác biệt về quan hệ đối tác an ninh giữa Australia, Mỹ và Anh, quan hệ với Trung Quốc và Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ, điều mà các quan chức EU lo ngại sẽ "hút đầu tư" ra khỏi châu Âu.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Adrienne Watson không phủ nhận căng thẳng giữa Pháp và Mỹ về Niger, nhưng nhấn mạnh rằng hai đồng minh tiếp tục đối thoại, cũng như với đại diện của các quốc gia châu Phi.

Ông Watson cho biết trong một tuyên bố: “Trọng tâm của chúng tôi là đảm bảo việc trả tự do cho Tổng thống Bazoum và gia đình của ông ấy, đồng thời hướng tới con đường ngoại giao theo hiến pháp Niger để bảo vệ trật tự hiến pháp”. 

Điện Elysée từ chối bình luận về những bất đồng giữa Mỹ và Pháp, nhưng cũng chính một nhà ngoại giao cấp cao của Pháp thừa nhận có sự khác biệt trong cách tiếp cận của các nước đối tác đang tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng ở Niger.

Pháp đã cam kết hỗ trợ đầy đủ cho ECOWAS và trong các cuộc họp vào cuối tuần này, ECOWAS đã nhắc lại lời đe dọa dùng vũ lực nếu vẫn thất bại trong việc khôi phục nền dân chủ ở Niger. ECOWAS đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Niger và cho biết đã sẵn sàng can thiệp quân sự. Paris đã chỉ ra rằng họ sẽ xem xét yêu cầu hỗ trợ quân sự nếu ECOWAS chọn can thiệp vào Niger và yêu cầu giúp đỡ. 

Pháp có 1.500 quân ở Niger. Việc họ từ chối rút khỏi nước này về mặt quân sự một phần là để thể hiện sự ủng hộ của họ đối với chính phủ được bầu, chính phủ mà họ đã đạt được các thỏa thuận về việc đặt căn cứ quân sự của mình. Cuộc đảo chính ở Niger đặt dấu chấm hết cho một trong số ít quan hệ đối tác vững chắc mà Paris vẫn có trong khu vực, sau khi Paris buộc phải rút quân khỏi các hoạt động chống khủng bố ở Mali và Burkina Faso.

Trong khi đó, quan chức Mỹ cho biết Washington đã nói rõ với ECOWAS rằng Nhà Trắng ưu tiên ngoại giao hơn. Mỹ có 1.100 binh sĩ ở Niger, nơi họ đã chi hàng trăm triệu USD để huấn luyện lực lượng an ninh chống lại các tổ chức khủng bố. Niger là một phần quan trọng trong chiến lược chống khủng bố tổng thể của Mỹ, đặc biệt là trước sự trỗi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan ở châu Phi.

Không giống như Pháp, Mỹ vẫn chưa chính thức coi việc lật đổ Tổng thống Bazoum là một cuộc đảo chính, vì như vậy sẽ kích hoạt một đạo luật có thể dẫn đến việc chấm dứt viện trợ quân sự của Mỹ cho quốc gia châu Phi này, mặc dù có thể có các trường hợp ngoại lệ.

Mỹ đã tạm dừng một số chương trình kinh tế và an ninh để gây sức ép buộc chính quyền quân sự khôi phục quyền lực cho Tổng thống Bazoum. Washington coi viện trợ của mình là đòn bẩy, nhưng cũng lo lắng rằng việc ngừng viện trợ hoàn toàn có thể đồng nghĩa với việc mất đi đòn bẩy đó.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Politico.com)
Chính quyền quân sự Niger cam kết quá trình chuyển đổi không quá 3 năm
Chính quyền quân sự Niger cam kết quá trình chuyển đổi không quá 3 năm

Ngày 19/8, người đứng đầu chính quyền quân sự Niger, Tướng Abdourahamane Tiani, đã cam kết rằng giai đoạn chuyển tiếp ở quốc gia Tây Phi sẽ không kéo dài quá 3 năm, đồng thời cảnh báo các nước bên ngoài không thực hiện việc can thiệp quân sự vào tình hình ở nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN