Theo đài RT, ông Hecker cho biết Lầu Năm Góc đang xem xét các khu vực Sahel và Sahara ở phía Bắc châu Phi để tìm kiếm các đồng minh mà Mỹ có thể hợp tác, sau đó chuyển tài sản đến đó. Ông Hecker từ chối nêu tên các quốc gia cụ thể. Ông nói: “Chúng tôi biết chúng tôi muốn đặt căn cứ ở đâu, nhưng phần lớn sẽ mang tính ngoại giao”.
Ông Hecker nói rõ rằng Mỹ chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có coi vụ lực lượng bảo vệ cung điện Niger lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum vào tháng trước là một cuộc đảo chính hay không. Nếu vậy, Mỹ sẽ phải cắt đứt hầu hết các mối quan hệ quân sự và an ninh của hai quốc gia.
Theo ông Hecker, quá trình đưa ra quyết định đó có thể mất vài tuần hoặc lâu hơn nữa, đồng thời thừa nhận rằng việc rời Niger rõ ràng sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động chống khủng bố và tình báo của Mỹ cho dù lý do rời đi là gì.
Kế hoạch sơ tán khỏi Niger của quân đội Mỹ liên quan đến các kịch bản mà theo đó người Mỹ phải vội vàng rời đi, chỉ mang theo những gì họ không thể bỏ lại hoặc rời đi một cách bình thường hơn. Ông Hecker nói: “Nhưng tất nhiên điều chúng tôi hy vọng là chúng tôi có một giải pháp ngoại giao hòa bình để giải quyết vấn đề và không cần phải rời đi”.
Trước khi xảy ra các sự kiện ở Niger, Mỹ và Pháp lần lượt có 1.000 và 1.500 quân đóng tại nước này, có một số căn cứ quân sự ở Niamey và thành phố phía Nam Agadez, cùng những nơi khác. Mỹ hy vọng tránh lặp lại tình huống ở Afghanistan, khi đó họ phải bỏ lại thiết bị quân sự trị giá hàng triệu USD.
Trước đó, ngày 16/8, các nước láng giềng của Niger trong Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã thông báo rằng họ đang kêu gọi thành lập một lực lượng dự phòng để khôi phục quyền lực cho ông Bazoum. Trước đó, họ đã cảnh báo sẽ can thiệp quân sự nếu ông Bazoum không được khôi phục chức vụ trước thời hạn chót đã qua. Các thành viên ECOWAS là Burkina Faso và Mali cho biết họ sẽ coi động thái quân sự can thiệp vào Niger là một lời tuyên chiến chống lại chính họ.
Theo các quan chức phương Tây, chính phủ quân sự của Niger, đã bắt đầu tuyển dụng những người tình nguyện để chống các cuộc can thiệp có thể xảy ra, cảnh báo rằng ông Bazoum sẽ bị sát hại trong trường hợp Niger bị can thiệp quân sự. Liên minh châu Phi đã từ chối xác nhận các kế hoạch của ECOWAS, mặc dù Pháp ủng hộ và Mỹ đã không loại trừ trường hợp hỗ trợ cuộc can thiệp.
Trong khi đó, tuyên bố của ECOWAS ngày 18/8 cho biết tổ chức này đã sẵn sàng can thiệp quân sự vào Niger. Tuy nhiên, ECOWAS vẫn sẽ ưu tiên và cố gắng tìm kiếm giải pháp hòa bình để khôi phục trật tự hiến pháp tại quốc gia này và có thể sẽ cử một phái đoàn ngoại giao đến Niamey trong ngày 19/8.
Trong một phát biểu, Ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của ECOWAS, ông Abdel-Fatau Musah, cho biết lực lượng quân sự của tổ chức này sẵn sàng can thiệp ngay khi có lệnh và ngày can thiệp cũng đã được ấn định. Tuy nhiên, ông không nói rõ ngày ấn định đó là ngày nào.
Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc họp kéo dài 2 ngày của các tham mưu trưởng quân đội các nước Tây Phi tại Accra. Tại cuộc họp này, các nhà lãnh đạo quân sự khu vực đã thống nhất về những mục tiêu chiến lược và danh sách những thiết bị cần thiết sẽ được triển khai, đồng thời khẳng định cam kết của các nước thành viên cho phép tiến hành can thiệp quân sự vào Niger khi cần thiết.
Tình hình tại Niger hầu như không cải thiện kể từ sau cuộc đảo chính hôm 26/7. Chế độ quân sự mới ở nước này vẫn tiếp tục giam giữ Tổng thống Bazoum và dự định truy tố ông vì tội phản quốc. Tuy nhiên, lực lượng này đã để ngỏ khả năng đàm phán với cộng đồng quốc tế và phản đối can thiệp quân sự từ bên ngoài.
Hiện tình hình sức khỏe của Tổng thống Bazoum đang là một trong những điểm mấu chốt cho những diễn biến tiếp theo ở Niger nói riêng và khu vực Tây Phi nói chung. Hôm 17/8, Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, người đang là Chủ tịch ECOWAS, cảnh báo sức khỏe của ông Bazoum xấu đi sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.