Giới chuyên gia: Các nước láng giềng của Niger không còn nhiều lựa chọn

Nhiều nhà phân tích nhận định các quốc gia Tây Phi đang gần hết các lựa chọn cũng như thời gian để khôi phục chế độ dân chủ ở Niger sau cuộc đảo chính vào tháng 7.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh phiên họp bất thường các nhà lãnh đạo Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) về tình hình Niger, tại Abuja (Nigeria), ngày 10/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Ủy viên của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) cho biết khối này sẽ sẵn sàng can thiệp quân sự ở Niger nếu những nỗ lực ngoại giao nhằm khôi phục trật tự hiến pháp ở quốc gia Tây Phi này thất bại. Thông điệp này được đưa ra tại cuộc họp lãnh đạo quốc phòng ECOWAS tại thủ đô Accra của Ghana ngày 17/8.

Ngoài việc cảnh cáo can thiệp quân sự, ECOWAS đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và du lịch nghiêm ngặt đối với Niger. Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết ECOWAS đã phải chứng kiến các cuộc đảo chính tràn lan trong khu vực: hai nước giềng của Niger là Burkina Faso và Mali đều có hai vụ đảo chính trong vòng ba năm qua.

Nhà nghiên cứu Andrew Lebovich tại Viện Clingendael (Hà Lan) đánh giá: “ECOWAS có rất ít lựa chọn tốt đặc biệt khi chính quyền quân sự của Niger dường như không sẵn sàng nhượng bộ trước áp lực bên ngoài vào thời điểm này”.

Theo ông Lebovich, can thiệp quân sự có thể phản tác dụng và gây tổn hại cho ECOWAS theo nhiều cách trong khi việc không đạt được nhượng bộ lớn từ chính quyền quân sự Niger "có thể làm suy yếu ECOWAS về mặt chính trị vào thời điểm vốn đã mong manh”.

Chú thích ảnh
Người dân chuyển lương thực tại khu chợ ở Niamey, Niger, ngày 8/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ quan an ninh hàng đầu của Liên minh châu Phi (AU) - Hội đồng An ninh và Hòa bình đã họp ngày 14/8 để xem xét liệu họ có hỗ trợ can thiệp quân sự hay không nhưng vẫn chưa công bố quyết định cuối cùng.

Theo một số nguồn tin được truyền thông Pháp trích dẫn, AU đã bác bỏ đề xuất của ECOWAS về can thiệp quân sự vào Niger trừ khi chính quyền quân sự nhượng quyền và phục hồi chức vụ cho Tổng thống Mohamed Bazoum.

Hội đồng An ninh và Hòa bình có thể bác bỏ can thiệp quân sự nếu họ cảm thấy rằng điều này có thể đe dọa sự ổn định rộng lớn hơn trên lục địa Đen. Ông Lebovich cho rằng nếu Hội đồng An ninh và Hòa bình nói không với việc sử dụng vũ lực thì có rất ít căn cứ pháp lý biện minh để ECOWAS có thể dựa vào.

Nhà nghiên cứu cấp cao Andrew Tchie tại Viện Na Uy về các vấn đề quốc tế, nhận định với hãng tin France 24 rằng AU "có lẽ đang chờ đợi để biết quyết định của ECOWAS sẽ như thế nào" sau cuộc họp kéo dài hai ngày của các lãnh đạo quốc phòng ECOWAS tại Ghana.

Ông Tchie nêu rõ: “Tôi nghĩ đó là điều Liên minh châu Phi đang chờ đợi, trước khi họ có thể nói về quyết định của mình và các bước tiếp theo sẽ là gì”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo AP, France24)
Tin tức TV: Cháy rừng ở Hawaii gây thảm hoạ kinh hoàng; xung đột tại Ukraine tạo thách thức mới với an ninh lương thực
Tin tức TV: Cháy rừng ở Hawaii gây thảm hoạ kinh hoàng; xung đột tại Ukraine tạo thách thức mới với an ninh lương thực

Trong tuần từ ngày 12 đến 18/8 đã có hàng loạt sự kiện và vấn đề nóng như cháy rừng gây ra thảm hoạ kinh hoàng nhất thế kỷ tại Hawaii (Mỹ); Quốc hội Thái Lan ấn định thời gian bầu chọn thủ tướng mới; cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đối mặt 91 cáo buộc hình sự và 700 năm tù sau 4 lần bị truy tố; ECOWAS thảo luận khả năng can thiệp quân sự vào Niger và xung đột Nga-Ukraine tạo thách thức mới với an ninh lương thực toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN