Kênh CNN (Mỹ) dẫn dữ liệu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho biết trong tháng 3, Trung Quốc ghi nhận 17,5 tỷ USD dòng vốn chảy ra, mức cao chưa từng có. Trong đó bao gồm 11,2 tỷ USD trái phiếu và còn lại là cổ phiếu. IIF đánh giá tình trạng tháo vốn này từ các nhà đầu tư nước ngoài là “chưa từng có tiền lệ”, đặc biệt là các thị trường mới nổi khác không gặp tình trạng tương tự trong giai đoạn này.
Dữ liệu từ chính phủ Trung Quốc cũng cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã rút lui khỏi thị trường trái phiếu của nước này ở mức kỷ lục. Trong tháng 2, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 35 tỷ nhân dân tệ (5,5 tỷ USD) trái phiếu chính phủ Trung Quốc. Mức bán tăng trong tháng 3, lên mức 52 tỷ nhân dân tệ (8,1 tỷ USD).
Ông Martin Chorzempa tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định các nhà đầu tư quan ngại rằng Trung Quốc có thể trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt nếu nước này ra mặt hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Sau cuộc gặp ngày 4/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra thông cáo chung tuyên bố về mối quan hệ mới và gần gũi hơn. Moskva và Bắc Kinh khẳng định ủng hộ lẫn nhau mạnh mẽ trước các mối đe dọa với an ninh khu vực và ổn định chiến lược toàn cầu.
Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát và Moskva chịu hàng loạt lệnh trừng phạt, Bắc Kinh không vội vã ra mặt giúp đỡ Moskva. Nhưng Trung Quốc cũng không chỉ trích động thái của Nga tại Ukraine đồng thời cho rằng Mỹ là nguyên nhân dẫn đến tình hình này.
Nhưng căng thẳng địa chính trị không phải là lý do duy nhất. Lãi suất cao ở Mỹ và biện pháp phong tỏa COVID-19 nghiêm ngặt ở Trung Quốc cũng khiến các nhà đầu tư quan ngại.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã lần đầu tiên tăng lãi suất kể từ năm 2018 để kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bước vào chu kỳ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế đang sút kém. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc không còn quá hấp dẫn các nhà đầu tư nếu được đem ra so sánh với Mỹ. Vào đầu tháng 3, lần đầu tiên trong 12 năm qua, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc thấp hơn lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Đồng nhân dân tệ cũng chạm mức thấp nhất trong 6 tháng so với đồng bạc xanh Mỹ.
Việc Trung Quốc vẫn bám trụ chiến lược “Zero COVID” cũng tác động mạnh đến kinh tế và gia tăng bất định liên quan đến tăng trưởng trong tương lai.
Sau khi Thượng Hải và nhiều thành phố phong tỏa vì dịch COVID-19, nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức giảm tốc trong tháng 3. Tiêu thụ giảm lần đầu tiên trong hơn 1 năm, tỷ lệ thất nghiệp tại 31 thành phố lớn cũng lên mức kỷ lục. Một số nhà kinh tế học thậm chí đề cập đến nguy cơ suy thoái trong quý 2.
Nhiều ngân hàng đầu tư đã giảm dự đoán tăng trưởng năm của Trung Quốc. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 26/4 đã giảm dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc từ 4.8% xuống còn 4,4%. Với nhiều lo lắng chồng chất, một số nhà phân tích và quản lý quỹ bắt đầu xem xét về việc đầu tư vào Trung Quốc.
Nhưng dịch COVID-19 cũng không phải lý do duy nhất. Nhiều khó khăn hiện tại của nền kinh tế Trung Quốc bắt nguồn từ các quy định khắt khe với lĩnh vực tư nhân mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra trong năm 2020. Có nhiều quan ngại rằng chính phủ Trung Quốc trong năm nay sẽ tiếp tục mạnh tay với nhiều lĩnh vực từ giáo dục cho đến công nghệ.
Tháng 7/2021, Trung Quốc ra một loạt quy định khiến nền công nghiệp dạy thêm tư nhân trị giá 120 tỷ USD phải đóng cửa, khiến hàng chục nghìn công ty ngừng hoạt động. Cùng thời điểm, Chính phủ Trung Quốc xử lý ứng dụng gọi xe lớn nhất của nước này Didi chỉ vài ngày sau khi cổ phiếu của công ty chủ quản bắt đầu giao dịch tại New York (Mỹ). Việc này dẫn đến một đợt bán tháo các cổ phiếu doanh nghiệp Trung Quốc trên toàn thế giới.
Ông Brock Silvers tại công ty đầu tư Kaiyuan Capital (Trung Quốc) nhận định: “Các nhà đầu tư toàn cầu không muốn chơi trò đoán quy định hoặc lo lắng rằng tin tức của ngày mai có thể làm suy yếu các công ty hoặc hình mẫu kinh doanh”.
Chỉ số Rồng vàng Nasdaq vốn theo dõi 90 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, ghi nhận giảm 31% trong quý 3 năm 2021. Sau đó là đợt giảm thêm 14% trong quý cuối năm 2021. Trong khi đó, S&P 500 tăng lần lượt 0,2% và 11% trong quý 3 và quý 4 năm 2021.
Ông Qi Wang tại MegaTrust Investment (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết một số dòng tiền chảy từ Trung Quốc có thể đã dịch chuyển đến các tài sản USD và Ấn Độ.
Trong khi đó, các quỹ kêu gọi đầu tư USD vào Trung Quốc chỉ thu hút được 1,4 tỷ USD trong quý đầu năm 2022, giảm 70% so với quý trước.
Tuy nhiên, vẫn có bằng chứng cho thấy các công ty trên toàn cầu vẫn tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này đạt mức kỷ lục 173 tỷ USD trong năm 2021, tăng 20% so với năm 2020. Theo khảo sát được Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc thực hiện năm 2021, chỉ có 9% trong gần 600 công ty châu Âu hoặc động tại Trung Quốc có ý định chuyển đầu tư hiện tại hoặc đầu tư được lên kế hoạch ra khỏi nước này.
Nhưng có dấu hiệu cho thấy nhiều doanh nghiệp châu Âu lo lắng về chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc. Giám đốc Phòng Thương mại Đức tại miền Bắc Trung Quốc-ông Jens Hildebrandt nêu ý kiến: “Khi các công ty nước ngoài gặp khó khăn về mặt kinh tế, chúng tôi chờ đợi tín hiệu rõ ràng từ chính phủ Trung Quốc trong việc giảm gánh nặng qua các chương trình cứu trợ”.