Khủng hoảng chính trị mới đẩy Ukraine tới bờ vực hỗn loạn

Ngày 16/2 là ngày kịch tính đối với Ukraine khi Tổng thống Petro Poroshenko bất ngờ yêu cầu Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk và Tổng Công tố Viktor Shokin từ chức.

Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài gần một năm qua ở Ukraine đã có những diễn biến mới trong tháng 2/2016 sau khi Quốc hội thất bại trong việc lật đổ Chính phủ, liên minh cầm quyền đánh mất thế đa số trong cơ quan lập pháp và Tổng Công tố đã từ chức theo yêu cầu của Tổng thống.

Các diễn biến mới này cho thấy rõ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ giới cầm quyền ở Ukraine và làm dấy lên quan ngại rằng quốc gia này có thể sẽ phải đối mặt với sự chuyển giao quyền lực mới, và một giai đoạn bất ổn nữa có thể đẩy Ukraine đến tình trạng hỗn loạn.

Ông Arseniy Yatsenyuk phát biểu tại phiên họp Quốc hội ở Kiev ngày 16/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 16/2 là ngày kịch tính đối với Ukraine khi Tổng thống Petro Poroshenko bất ngờ yêu cầu Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk và Tổng Công tố Viktor Shokin từ chức. Điều này ngay lập tức dẫn đến việc bỏ phiếu bất tín nhiệm với Nội các và tiếp đó đã phá vỡ toàn bộ cơ cấu lãnh đạo. Yêu cầu của Tổng thống là một dấu hiệu đáng báo động nữa cho thấy tình hình xấu đi trong giới chóp bu chính trị ở Ukraine, vốn trước đó đã bị xáo trộn do một số chính trị gia có tư tưởng cải cách xin từ chức với lý do mà theo họ là tham nhũng quy mô lớn trong bộ máy lãnh đạo và áp lực chính trị từ các quan chức theo phe cánh Tổng thống.

Nhiều chuyên gia tin rằng bằng cách yêu cầu ông Yatsenyuk và ông Shokin từ chức, Tổng thống - người đang chịu chỉ trích gay gắt của dư luận sau vụ từ chức của các nhà cải cách (trong đó có Bộ trưởng Kinh tế Aivaras Abromavicius) - đang cố gắng chuyển sự chú ý của dư luận về những thất bại của ông sang phía Thủ tướng và Tổng Công tố, những người đang bị chỉ trích vì thất bại trong việc thực hiện những cải cách đã cam kết và chống tham nhũng không hiệu quả. Chuyên gia chính trị học Alexandra Reshmedilova, thuộc Trung tâm thông tin và phân tích quốc tế CRU có trụ sở tại Kiev, nhận xét: “Quyết định của Tổng thống dựa trên một lôgic đơn giản - ông đang nỗ lực cứu vớt uy tín của mình. Những tiêu cực hiện đang tập trung vào Thủ tướng và Tổng Công tố có thể hạ tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống. Đó là lý do tại sao Tổng thống đang nỗ lực bảo vệ bản thân”.

Trong khi đó, một số chuyên gia và chính trị gia nghi ngờ có một âm mưu đằng sau yêu cầu của Tổng thống, mà sau đó ông Shokin đã đồng ý từ chức, trong khi việc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhằm vào ông Yatsenyuk đã thất bại khi chỉ có 194/450 nghị sĩ quốc hội ủng hộ việc ông từ chức. Điểm mấu chốt là đa số các nhà lập pháp, những người có xu hướng trung thành với ông Poroshenko và luôn ủng hộ các dự thảo luật mà Tổng thống hậu thuẫn, đã từ chối bỏ phiếu bất tín nhiệm, làm dấy lên những suy đoán rằng các lãnh đạo cấp cao đã âm mưu làm chệch hướng sự cải tổ chính quyền. Mustafa Nayyem, nhà lập pháp cải cách thuộc đảng Đoàn kết cầm quyền, nói: “Thất bại của việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ là kết quả của các thỏa thuận ngầm giữa một bên là những thế lực đầu sỏ chính trị và bên kia là ông Arseniy Yatsenyuk và Petro Poroshenko”.

Tức giận trước việc bỏ phiếu bất tín nhiệm thất bại và gọi đó là “kế hoạch mờ ám” và “âm mưu đầu sỏ chính trị”, hai đảng Tổ quốc và Samopomich đã quyết định rời bỏ liên minh, khiến cho liên minh đa số trong nghị viện chỉ còn lại 215 ghế, thấp hơn so với mức tối thiểu 226 ghế cần thiết để thông qua luật. Sau khi liên minh cầm quyền sụp đổ, chính phủ có 30 ngày để thành lập liên minh mới chiếm đa số trong quốc hội. Nếu không, tổng thống sẽ phải giải tán quốc hội và kêu gọi tiến hành bầu cử sớm.

Giới phân tích đang bất đồng về khả năng tiến hành bầu cử sớm. Nhiều người cho rằng nhiều khả năng bầu cử sẽ không diễn ra bởi các nhân vật nắm quyền cấp cao - vốn đang bị xói mòn về uy tín - sẽ cố gắng bằng mọi cách tránh để nó xảy ra. Nhà phân tích Olexiy Golobotsky, thuộc Cơ quan Dự đoán Tình hình của Ukraine, nhận xét: “Không ai quan tâm tới bầu cử sớm, ngoại trừ một vài nhóm chính trị nhỏ trong quốc hội, những người không đủ lực để xúc tiến bầu cử sớm”. Ông cho rằng để cứu liên minh, lựa chọn tối ưu cho chính phủ là phải tập hợp lại phía mình những nghị sĩ độc lập, hoặc liên kết lực lượng với đảng Cực hữu - hiện nắm 21 ghế trong quốc hội - để đủ tạo thành đa số ghế.

Tổng thống Petro Poroshenko phát biểu trong cuộc họp báo ở Kiev. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng bầu cử sớm là điều không thể tránh bởi cả xã hội Ukraine và các đối tác nước ngoài đang mất kiên nhẫn trước việc chính phủ và quốc hội nước này trì hoãn tiến hành cải cách và chống tham nhũng. Theo tình hình hiện nay, mọi việc xem ra không sáng sủa cho Ukraine khi mà những rắc rối chính trị mới song hành cùng với khủng hoảng kinh tế và xung đột ở khu vực phía đông. Trong trường hợp diễn ra bầu cử sớm, các chủ nợ nước ngoài của Ukraine sẽ đóng băng tài trợ của mình cho đến khi thành lập được liên minh mới và chính phủ ổn định, và điều này chắc sẽ khiến cho cuộc khủng hoảng tài chính ở đất nước eo hẹp tiền mặt này càng thêm sâu sắc. Giai đoạn bất ổn trước cuộc bầu cử sớm có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện thỏa thuận hòa bình Minsk, thỏa thuận được nhiều nhà quan sát ở Ukraine và ở nước ngoài coi là công cụ duy nhất để giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở khu vực Đông Ukraine.

Cho dù quốc hội có thay đổi, cuộc bầu cử có lẽ là vô ích và kết quả của nó sẽ chẳng mang lại điều gì khác biệt đối với những người dân thường Ukraine, bởi trong các cuộc thăm dò dư luận, người ta cho rằng quốc hội sẽ vẫn bao gồm những gương mặt cũ. Hơn thế nữa, nếu bầu cử diễn ra, sẽ không có lực lượng chính trị nào chiếm ưu thế trong quốc hội, nếu xét đến sự phân cực trong quan điểm bầu cử của các cử tri Ukraine. Nó sẽ dẫn tới sự phân rẽ trong quốc hội và chính phủ thậm chí sẽ dễ tan vỡ hơn. Vladimir Fesenko, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Áp dụng Chính trị Penta, nói: “Sau bầu cử sớm, số lượng các phe cánh trong quốc hội sẽ tăng, và điều này sẽ chỉ củng cố sự mâu thuẫn trong nội bộ quốc hội và làm gia tăng khủng hoảng”.

Cho tới nay, những trì hoãn trong việc cải tổ chính phủ và quốc hội do kết quả hoạt động sau hơn một năm nắm quyền chưa đáp ứng được mong đợi đe dọa đẩy đất nước Đông Âu này vào một thế bế tắc chính trị kéo dài. Andriy Novak, Chủ tịch Ủy ban Các nhà Kinh tế Ukraine, nói: “Sẽ không có thay đổi tích cực nào nếu không tiến hành bầu cử, bởi chúng ta sẽ chẳng bao giờ đạt được những kết quả tốt hơn về mặt chất lượng từ chính phủ hiện thời, liên minh hiện thời và quốc hội hiện thời. Do đó, nhất thiết phải thay thế họ”.

Tệ hơn, người dân Ukraine đang trở nên hết sức tức giận với giới lãnh đạo bởi họ mất hết hi vọng, không còn tin vào các cơ quan chính phủ. Bởi vậy, một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng tình hình có nguy cơ gây ra nhiều làn sóng biểu tình nữa nếu không tiến hành bầu cử. Thực ra, câu hỏi đặt ra là liệu Ukraine có cần bầu cử sớm hay không, song có điều rõ ràng rằng không có cách nào dễ dàng để thoát khỏi bế tắc chính trị của Ukraine và giới lãnh đạo cần phải hành động khẩn cấp để kiểm soát được sự bất ổn đang tăng. Nếu không, cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine có thể còn tồi tệ hơn nhiều.

TTXVN/Tin Tức
Nhiễu thông tin Thủ tướng Ukraine chấp nhận từ chức
Nhiễu thông tin Thủ tướng Ukraine chấp nhận từ chức

Thông tin về việc chính phủ Ukraine từ chức đang có nhiều nội dung trái ngược nhau, gây nhiễu dư luận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN