Ba kịch bản giải quyết khủng hoảng chính trị tại Ukraine

Chủ tịch Quốc hội Ukraine Vladimir Groisman đã nêu ra ba phương án giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra tại cơ quan lập pháp của nước này, đe dọa sự tồn tại của liên minh cầm quyền.

Một phiên họp Quốc hội Ukraine tại thủ đô Kiev ngày 31/8/2015. Ảnh: AFP-TTXVN

Phương án thứ nhất theo ông Groisman là toàn bộ chính phủ tự nguyện từ chức để thành lập chính phủ mới với một kế hoạch hành động mới. Phương án thứ hai đòi hỏi cải cách sâu sắc chính phủ nhằm củng cố "liên minh vì dân chủ". Theo phương án thứ ba, Ukraine sẽ phải tổ chức bầu cử trước thời hạn.

Trên kênh truyền hình "112-Ukraine" ngày 25/2 ông Groisman cũng khẳng định, dù ba đảng đã rời khỏi liên minh, song hiện liên minh cầm quyền vẫn còn tồn tại về mặt pháp lý trong Quốc hội Ukraine vì vẫn nắm 237 phiếu, trong khi số phiếu tối thiểu cần thiết chỉ là 226.

Liên minh cầm quyền "Ukraine thân châu Âu" của Ukraine bao gồm 5 đảng được thành lập ngày 27/11/2014, với 300 nghị sĩ, đủ số lượng để trở thành đa số hợp hiến. Song cho đến nay, ba đảng đã tuyên bố rời khỏi hàng ngũ liên minh vì nhiều bất đồng, trong đó có liên quan đến yêu cầu Thủ tướng Arseny Yaseniuk từ chức. Hai đảng còn lại không hội đủ 226 phiếu cần thiết, song một số nghị sĩ thuộc ba đảng chuyển sang đối lập vẫn chưa rút chữ ký của mình dưới thỏa thuận liên minh, cho nên liên minh vẫn tồn tại về pháp lý với 237 phiếu.

Theo quy chế hoạt động của Quốc hội Ukraine, khi liên minh cầm quyền mất thế đa số, quốc hội sẽ có thời hạn một tháng để thành lập liên minh mới. Nếu quốc hội thất bại, tổng thống sẽ có quyền lựa chọn giải tán quốc hội và tổ chức tổng tuyển cử.
Chủ tịch Quốc hội Groisman cũng không loại trừ khả năng triệu tập họp quốc hội bất thường nếu có đủ 150 nghị sĩ ký đơn đề nghị.

Trước đó, thủ lĩnh đảng "Tổ quốc" rời liên minh sang phe đối lập Yulia Timoshenko cũng đã yêu cầu triệu tập họp bất thường và chỉ ra rằng Kiev đang đối mặt với nguy cơ xảy ra một "Maidan" mới khi chính phủ thực tế đã bị cách chức, liên minh tan rã.

Maidan là phong trào biểu tình phản đối của người dân sau trở thành bạo động thay đổi chính quyền, xảy ra tại Kiev hồi cuối năm 2013, đầu năm 2014.

TTXVN/Tin Tức
Vì sao Ukraine lại bất ổn chính trị?
Vì sao Ukraine lại bất ổn chính trị?

Trong bối cảnh đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Eyraud và người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier đã có chuyến công du tới Kiev. Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk cho rằng hai chuyến thăm này “là tín hiệu rõ ràng cho thấy Ukraine nằm trong sự chú ý của châu Âu”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN