Tiết lộ việc Ukraine “mất” Crimea và tại sao Nga không dấn thêm?

Tổng thống Vladimir Putin từng nói rằng Nga lấy lại được Crimea mà “không tốn bất kỳ một viên đạn nào”. Vậy thực hư câu chuyện là ra sao?

Tờ Pravda (Nga) mới đây cho công bố tài liệu ghi nội dung cuộc gặp của Hội đồng Quốc phòng An ninh Ukraine (NSDC) hôm 28/2/2014, chỉ một ngày sau khi các tay súng không xác định danh tính chiếm giữ trụ sở chính quyền, quốc hội tại vùng lãnh thổ này. 

Tại phiên họp, những quan chức Ukraine vừa mới lên nắm quyền sau “Cách mạng nhân phẩm” (tức chính biến Maidan) đau đầu với câu hỏi làm sao để ngăn cản Crimea sáp nhập vào Nga. Quyết định cuối cùng là đành chấp nhận kịch bản này, vì mọi lựa chọn khác đều đưa tới hệ quả xấu hơn. Oleksandr Turchynov, người lúc đó là quyền Tổng thống kiêm Chủ tịch Quốc hội, có nêu khả năng chiến tranh để giữ Crimea, nhưng Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk phản bác luận điểm này. 

Các tay súng không rõ danh tính phong tỏa đường vào sân bay trong căn cứ Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol, Crimea. Ảnh: AP

“Chúng ta đang nói đến việc tuyên chiến với Nga. Ngay sau hành động này, người Nga sẽ ra tuyên bố với nội dung ‘Bảo vệ công dân và những người nói tiếng Nga có quan hệ sắc tộc’… Kịch bản đó đã được Nga soạn sẵn và hành động của chúng ta chỉ đưa tới việc kích hoạt trên thực tế”, tài liệu giải mật cuộc gặp ghi. Ông Yatsenyuk chỉ ra rằng, tại thời điểm đó, ngân khố quốc gia trống rỗng và Ukraine không có nguồn lực quân sự để bảo vệ Kiev trước khả năng Nga đưa quân tham chiến. Thủ tướng Ukraine đề xuất kêu gọi đàm phán chính trị qua kênh trung gian nước ngoài theo hướng trao quyền tự trị nhiều hơn cho Crimea, trong khoảng thời gian đó xây dựng lại quân đội.

Những người phản đối ông Turchynov tại cuộc gặp còn có Chủ tịch Ngân hàng Nhà nước Stepan Kubiv và cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko - “Nữ hoàng tóc tết” mới ra tù trước đó ít lâu. Bà Tymoshenko nhìn nhận, ông Putin muốn áp dụng lại kịch bản năm 2008 với cuộc chiến tranh hạn chế nhằm vào Gruzia. “Ông ta (Putin) chỉ đợi chúng ta hành động để có cớ can thiệp. Hãy nhớ (Tổng thống Gruzia) Saakashvili đã mắc lỗi thế nào để rồi thất bại thảm hại ra sao. Tôi đề nghị các vị suy nghĩ 7 lần trước khi hành động”, bà Tymoshenko nói. 

Ông Turchynov sau đó nhận được cuộc điện thoại từ Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Sergei Naryshkin. Quyền Tổng thống Ukraine thông báo lại với các thành viên tham dự cuộc họp, nội dung như sau: “Ông Naryshkin chuyển lời của Tổng thống Putin. Ông ấy nói là Moskva sẵn sàng đưa ra những quyết định cứng rắn về Ukraine một khi công dân Nga và những người nói tiếng Nga (ở Ukraine) bị xâm hại. Có lẽ họ muốn nói tới khả năng điều quân, mà không chỉ tới mỗi Crimea. Ông Naryshkin truyền đạt thông điệp của ông Putin là, nếu có một người mang quốc tịch Nga thiệt mạng, Nga sẽ tuyên bố chúng ta là tội phạm chiến tranh và truy lùng trên phạm vi toàn thế giới”.

Tiếp đó, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Ukraine (SBU) Valentin Nalivaichenko thông báo, quân Nga đã triển khai binh sĩ cùng vũ khí hạng nặng trên toàn tuyến biên giới; Mỹ và Đức yêu cầu Ukraine không có hành động gì, bởi nếu không ông Putin sẽ có cớ để phát động một cuộc chiến tranh quy mô lớn. NSDC sau đó tiến hành bỏ phiếu. Ở đó chỉ có mỗi ông Turchynov ủng hộ kế hoạch tuyên bố tình trạng chiến tranh. Mọi việc sau đó thì ai cũng biết: Crimea sáp nhập vào Nga thông qua tiến trình pháp lý về trưng cầu dân ý, còn Kiev thì chấp nhận ngồi nhìn, vì lo sợ sẽ mất toàn bộ đất nước. 

Câu hỏi đặt ra là tại sao Nga chỉ dừng ở Crimea mà không tiến thêm? Điện Kremlin luôn tuyên bố, chính biến Maidan là cuộc đảo chính vi hiến. Tức là về mặt kỹ thuật, Nga hoàn toàn có cớ để can thiệp, vì chỉ cần có lời đề nghị chính thức từ ông Viktor Yanukovych, Tổng thống Ukraine mới chạy sang Nga và được Mosvka coi là người nắm quyền hợp pháp. Nga không làm tới, không muốn xâm lấn các vùng đất khác ở Ukraine để rồi phải đối mặt với hệ quả to lớn từ cộng đồng quốc tế. Moskva chỉ muốn Crimea, nơi Nga đặt căn cứ hạm đội Biển Đen, nơi có đông cộng đồng người Nga sinh sống. Những diễn biến sau đó ở miền Đông Ukraine cho thấy, Moskva không có ý tạo xung đột và can thiệp quy mô lớn.

Hoài Thanh (Theo Bloomberg)
Kiev tiết lộ bị Mỹ, Đức chỉ đạo “đứng im” nhìn Crimea sáp nhập vào Nga
Kiev tiết lộ bị Mỹ, Đức chỉ đạo “đứng im” nhìn Crimea sáp nhập vào Nga

Ukraine vừa cho công bố tài liệu giải mật liên quan đến vụ Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3/2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN