"Lằn ranh đỏ" của Mỹ
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 4/9 đã điện đàm khẩn cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu sau khi máy bay Nga tiến hành các cuộc oanh tạc tỉnh Idlib. Hai bên nhất trí thể hiện một lập trường mạnh mẽ hơn cả tuyên bố vừa đưa ra trước đó một ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Tổng thống Bashar al-Assad của Syria không được liều lĩnh tấn công tỉnh Idlib. Người Nga và người Iran sẽ phạm một sai lầm chết người khi tham gia vào thảm kịch nhân đạo tiềm tàng này. Hàng trăm ngàn người có thể thiệt mạng. Đừng để điều đó xảy ra", ông Trump đăng dòng tweet hôm 3/9. Trước đó, Tổng thống Mỹ cũng cảnh cáo sẽ không dung thứ cho Syria nếu quân đội chính phủ tiến hành một vụ tấn công hóa học tại Idlib.
Tuy nhiên Bộ ngoại giao Mỹ dường như đã nới rộng "lằn ranh đỏ" của Nhà Trắng. Sau cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Pompeo nhất trí với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ ra tuyên bố rằng hai nước coi "bất cứ cuộc tấn công quân sự nào của chính quyền Assad tại Idlib là không thể chấp nhận".
Cùng với những lời cảnh cáo, các lực lượng quân sự Mỹ được cho là đã được huy động mạnh mẽ ở Trung Động với một loạt chiến hạm mang theo tên lửa Tomahawk, sẵn sàng tấn công Syria.
Video Mỹ phóng tên lửa Tomahawk từ tàu ngầm:
Hôm 27/8, tàu khu trục USS Carney rời Biển Đen tới Địa Trung Hải. Ngày 3/9, tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles, USS Newport News vượt qua eo Gibraltar vào Địa Trung Hải. Cả hai tàu này được cho là mang theo tên lửa hành trình Tomahawk, mặc dù hải quân Mỹ tuyên bố hoạt động của tàu đã được lên kế hoạch từ trước. Các đội máy bay B-1, từng tấn công Syria từ phía Jordan hồi tháng 4 năm nay, lúc này đang đậu tại căn cứ Al Udeid ở Qatar. Theo một nguồn tin quân sự tiết lộ với CNN, Lầu Năm góc đã lên sẵn danh sách các mục tiêu tấn công tại Syria trong trường hợp Tổng thống Trump ra lệnh.
Syria - Nga thúc đẩy chiến dịch bất chấp đe dọa
Quân đội Arab Syria (SAA), với sự hậu thuẫn của không lực Nga, đã giải phóng nhiều tỉnh, thành phố quan trọng khỏi tay phiến quân kể từ khi cuộc chiến bùng phát hơn 7 năm trước. Trong quá trình đó họ cho phép các lực lượng đối lập sơ tán đến Idlib.
Trên đà chiến thắng, lúc này, Idlib tiếp tục trở thành mục tiêu giải phóng của SAA. Lực lượng chính phủ Syria và Nga đã tiến hành các cuộc đàm phán kêu gọi phiến quân ra hàng, đồng thời cho phép mở "đường máu" để phiến quân rút khỏi Idlib trước khi chiến dịch giải phóng bắt đầu. Trước cảnh báo của Tổng thống Mỹ về một cuộc không kích Syria, Moskva và Damascus đều tố cáo Mỹ hậu thuẫn cho phiến quân Syria âm mưu dàn dựng một vụ tấn công hóa học tại tỉnh Idlib để lấy cớ tấn công can thiệp Syria.
Video quân đội Syria tập kết vũ khí về Idlib:
Với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đánh bại phiến quân ở tỉnh miền tây bắc đất nước đồng nghĩa với việc triệt hạ thành trì quan trọng cuối cùng của lực lượng đối lập có vũ trang. Kể từ khi kêu gọi Nga tham gia trợ giúp cuộc chiến chống khủng bố vào năm 2015, chính quyền ông Assad và các đồng minh thân cận khác, như Iran và một nhóm dân quân dòng Shiite, đã buộc phiến quân phải tháo chạy khỏi nhiều thành trì như Aleppo, Đông Ghouta và Deraa.
Một thắng lợi trong chiến dịch ở Idlib đồng nghĩa với việc quân chính phủ kiểm soát hầu khắp lãnh thổ Syria, và lực lượng Mỹ, hiện diện trái phép trên quốc gia này, sẽ "không còn việc để làm".
Để chuẩn bị cho chiến dịch then chốt này, SAA đã huy động một lực lượng binh sĩ và vũ khí lớn áp sát Idlib. Các máy bay Nga và Syria đã oanh tạc vùng ngoại ô quanh huyện Jisr al-Shughour ở rìa tây Idlib được cho là hang ổ của phiến quân.
Trong khi đó, Nga tỏ rõ lập trường sẽ làm tất cả trong khả năng để ủng hộ Tổng thống Assad và ngăn ngừa bất cứ sự can thiệp nào từ Mỹ vào tình hình Idlib. Nga duy trì những lợi ích chiến lược ở Syria, trong đó có căn cứ không quân Khmeimim ở tây Syria và cảng Tartus - một tiền đồn bên Địa Trung Hải. Phiến quân tại Idlib cũng thường xuyên tấn công cả hai căn cứ này, khiến Moskva có thêm lý do để giúp chính phủ Syria giành lại khu vực.
Không phải ngẫu nhiên mà cuộc tập trận quy mô lớn của Hải quân và Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga lại diễn ra ngoài khơi Syria đúng vào thời điểm này. Nga đã huy động tới cuộc tập trận này ít nhất 25 tàu chiến và 30 máy bay chiến đấu các loại, bao gồm cả máy bay ném bom chiến lược Tu-160. Tàu tuần dương tên lửa dẫn đường lớp Slava, Marshal Ustinov, có thể mang theo 16 quả tên lửa hành trình chống hạm P-1000 Vulkan và 64 quả tên lửa đất đối không tầm xa, 8 hệ thống S-300F cá nhân. Tàu khu trục lớp Udaloy Severomorsk, với hệ thống tên lửa Metel, có thể chở 8 tên lửa chống ngầm hoặc tên lửa chống hạm, cũng như 64 quả tên lửa đất đối không 3K95 tầm trung. Ít nhất 4 tàu khu trục lớp Đô đốc Grigorovich, chở 8 quả tên lửa hành trình đối đất Kalibr, ít nhất 2 tàu ngầm lớp Kilo có thể bắn tên lửa Kalibr.
Thổ Nhĩ Kỳ tính phương án can thiệp
Chiến thắng Idlib cũng là điều mà Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia giáp biên giới nhưng theo quan điểm ủng hộ phiến quân, lo ngại. Nhật báo Hurriyet của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, các lực lượng vũ trang nước này đã tăng cường thêm binh sĩ và xe tăng M60 tới biên giới với Idlib.
Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại một chiến dịch lớn ở Idlib có thể có thể kích hoạt làn sóng người tị nạn hướng về biên giới nước này. Ankara vì thế muốn duy trì "thỏa thuận giảm căng thẳng" mà họ đạt được với Nga và Iran hồi năm ngoái.
Thổ Nhĩ Kỳ từng hai lần tấn công lớn vào lãnh thổ Syria, tạo ra một vùng đệm dọc theo biên giới ở khu vực phía bắc Aleppo, tiếp giáp với Idlib, tại đây họ thậm chí còn thiết lập một chính quyền địa phương tồn tại song song với các nhóm phiến quân.
Giải pháp mà Ankara tính đến lúc này là thảo luận biện pháp hành động chung với Nga nhằm trấn áp các nhóm khủng bố tại Idlib nhưng tránh một cuộc tấn công quy mô lớn cũng như kìm chân không để Tổng thống Assad giành lại hoàn toàn Idlib.
Dự kiến Idlib sẽ là chủ đề thảo luận chính tại cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 7/9 tới giữa Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Iran Hassan Rohani.
Nhân tố Israel và Iran
Một câu hỏi nữa đặt ra là liệu Israel có can thiệp vào chiến dịch Idlib. Ngay từ khi chiến dịch này chưa bắt đầu, ngày 4/9, không quân Israel đã ngang nhiên trút tên lửa và bom xuống các mục tiêu tại Syria mà họ cho là liên quan tới lợi ích của Iran. Cùng ngày, Lực lượng phòng vệ Israel lần đầu tiên công khai thừa nhận, họ đã tiến hảnh trên 200 cuộc không kích tại Syria, phóng trên 800 quả tên lửa và các loại pháo xuống nước này kể từ năm 2017.
Video Israel không kích dàn pháo phòng không SA22 của Syria hồi năm 2017:
Chính phủ Israel tuyên bố sẽ không cho phép Iran thúc đẩy hơn nữa sự hiện diện ở Syria. Chưa rõ, các cuộc không kích nếu còn tiếp diễn của Israel có ảnh hưởng tới chiến dịch giải phóng Idlib của Damascus hay không. Theo các nguồn tin khu vực thì chiến dịch này cũng dựa trên một phần lực lượng vũ trang do Iran hậu thuẫn.