Hai phiên bản làm suy yếu NATO

Rạn nứt chính trị đang làm suy yếu khối liên minh quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Chú thích ảnh
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: AP

Theo tờ Politico, có hai phiên bản NATO. NATO 1 chính là bộ máy quân sự trơn tru trong lập kế hoạch, huấn luyện và phối hợp để thích ứng với mối đe dọa an ninh mới với châu Âu và Bắc Mỹ.

NATO 2 chính là liên minh chính trị phụ thuộc mạnh vào sự đoàn kết và quyết tâm của lãnh đạo hai bờ Đại Tây Dương.

NATO 1 đang vận hành tương đối tốt. Ngân sách quốc phòng tăng trở lại sau 25 năm giảm liên tục. Mức độ sẵn sàng về mặt quân sự đang dần cải thiện. Lực lượng quân sự đa quốc gia sẵn sàng ở các nước Baltic và Ba Lan để đối trọng với Nga. Hoạt động đối phó với các mối đe dọa trên không gian mạng, vũ trụ đang có tiến triển.

Trong khi đó, NATO 2 đang lún sâu vào rắc rối. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã coi NATO là tổ chức “lỗi thời” và thường xuyên chỉ trích các nước châu Âu về chi tiêu quốc phòng, thương mại, biến đổi khí hậu và giờ là vấn đề ngần ngại tiếp nhận các tay súng thánh chiến Hồi giáo bị bắt ở Syria.

Theo những nguồn tin nội bộ, “bộ tứ” trong NATO gồm Mỹ, Anh, Đức và Pháp trong nhiều thập kỷ qua đóng vai trò định hình các sách lược của phương Tây nay đã ngừng hoạt động trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.

Lãnh đạo các nước đồng minh của Mỹ chỉ biết về quyết định của Tổng thống Trump thông qua Twitter, cho dù các quyết định đó ảnh hưởng tới lợi ích an ninh và chiến lược của họ. Hầu như không có mấy sự phối hợp và điều đó đặc biệt rõ ràng trong tháng 10 khi Tổng thống Trump ra lệnh rút lực lượng đặc biệt Mỹ khỏi Bắc Syria. Lực lượng Mỹ đang hoạt động cùng đặc nhiệm Anh và Pháp chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ông Trump không tham vấn với các đồng minh NATO trước khi đưa ra quyết định trên.

Việc rút quân khỏi Syria đột ngột đã dọn đường cho thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ tấn công qua biên giới nhằm vào người Kurd ở Đông Bắc Syria. Sự kiện này cũng không hề có sự tham vấn trong khối và đã khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chẩn bệnh “chết não” cho NATO. Ông Macron đã kêu gọi các nước châu Âu xây dựng năng lực quốc phòng tự chủ và cho rằng Mỹ đang quay lưng lại với châu Âu.

Cả hai phiên bản NATO nói trên, bộ máy quân sự hoạt động trơn tru và bộ máy chính trị tê liệt, sẽ được thể hiện khi lãnh đạo các nước NATO tổ chức cuộc họp ngắn ở ngoại ô London ngày 4/12 để kỷ niệm 70 năm ngày thành lập của NATO.

Chắc chắc sẽ có nhiều việc phải thảo luận liên quan NATO 1. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump luôn muốn bàn về chi tiêu quốc phòng cũng như các mối đe dọa liên quan không gian mạng, cơ sở hạ tầng quan trọng, viễn thông và khủng bố.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, người đã bác bỏ nhận định NATO gặp khủng hoảng, muốn cuộc họp ở London tập trung nhấn mạnh vào hai tiến bộ của khối: Thứ nhất là ngân sách quốc phòng của các nước đang tăng thêm 100 tỷ USD ở châu Âu và Canada. Thứ hai là tiến bộ của NATO trong đáp ứng mục tiêu sẵn sàng về việc có 30 tàu chiến, 30 phi đội và 30 tiểu đoàn lục quân sẵn sàng sử dụng trong 30 ngày. Các đồng minh châu Âu có thể cũng nhất trí đảm nhận 1,65 tỷ USD chi phí hoạt động hàng năm của NATO để giảm gánh nặng cho Mỹ.

Vấn đề đối với NATO là các tuyên bố và con số như trên sẽ không có ý nghĩa gì nếu NATO mất ý chí chính trị trong tham vấn và hành động nhanh chóng trong khủng hoảng. Ra quyết định nhanh chóng là yếu tố quan trọng, đặc biệt là trong kỷ nguyên xung đột trên nhiều mặt trận diễn biến nhanh và phức tạp.

Trong cuộc tập trận tại sở chỉ huy đối phó với đe dọa trên nhiều mặt trận cách đây hai năm, Hội đồng Bắc Đại Tây Dương chần chừ tới 5 ngày khi quyết định có nên điều lực lượng phản ứng nhanh của NATO hay không. Trong khủng hoảng thực sự, đó sẽ là một vấn đề.

Chú thích ảnh
Binh sĩ NATO tại Afgahnistan. Ảnh: France24

Theo tờ Politico, liên minh chính trị làm cơ sở cho liên minh quân sự cần khẩn cấp cải tổ. Vậy nhưng ở London ngày 4/12 tới, đa số các nước và quan chức NATO có thể chỉ tập chung vào việc tránh xung đột hơn nữa với Tổng thống Trump. Cuộc họp này không phải là hội nghị thượng đỉnh chính thức nên không cần tuyên bố chung và có thể tránh được vết xe đổ của hội nghị thượng đỉnh lần trước hồi tháng 7/2018.

Lãnh đạo Đức, Ba Lan và Anh đã không đồng tình với chỉ trích về NATO của Tổng thống Pháp và khẳng định NATO vẫn là là trọng tâm trong an ninh của châu Âu. Các nước Trung Âu gần Nga và dựa vào đảm bảo an ninh của Mỹ đặc biệt không thích bình luận của ông Macron.

Nhưng với NATO như hiện nay, thậm chí còn không rõ các vấn đề nhạy cảm như vậy có được đưa ra trong cuộc họp hay không. 

Tuần trước, Đức đã đề xuất các ngoại trưởng NATO thành lập ban chuyên gia do chính Tổng thư ký NATO làm chủ tịch để tăng cường cánh tay chính trị của NATO và cải thiện vấn đề hợp tác. 

Có thể là sai lầm nhưng bình luận NATO “chết não” của ông Macron là nỗ lực cần thiết để công khai vấn đề của NATO 2 và thuyết phục các nước châu Âu cần thiết phải hành động nhiều hơn vì chính bản thân.

Nếu Liên minh châu Âu có thể có nhiều ngân sách chung hơn, chi tiêu quốc phòng quốc gia cao hơn để xây dựng các năng lực mới, cơ sở hạ tầng tốt hơn thì sẽ là điều có lợi cho cả NATO và châu Âu.
Rủi ro lớn nhất của kế hoạch này là châu Âu một lần nữa sẽ hứa nhiều làm ít trong tăng cường hợp tác quân sự, còn Mỹ thời Tổng thống Trump tiếp tục hành động không tham vấn NATO. Nói cách khác, mối nguy hại với NATO là NATO 2 một lần nữa làm suy yếu NATO 1.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tổng Thư ký NATO tiết lộ lý do liên minh chi tiêu quốc phòng gấp 20 lần Nga
Tổng Thư ký NATO tiết lộ lý do liên minh chi tiêu quốc phòng gấp 20 lần Nga

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg lý giải vì sao liên minh này tiếp tục tăng cường chi tiêu quốc phòng mặc dù tổng chi tiêu cộng lại đã gấp Nga 20 lần. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN