Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Di dân quốc tế và Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về vấn đề phát triển và tị nạn đã cùng ra một tuyên bố chung kêu gọi lãnh đạo các nước Đông Nam Á ưu tiên cứu mạng sống của hàng nghìn người di cư lênh đênh trên biển. Tuyên bố cho thấy mức độ hệ trọng của vấn đề di cư và đã đến lúc Đông Nam Á phải tìm ra một biện pháp thích hợp để đối phó.Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi liên tiếp xuất hiện những con thuyền chở hàng nghìn người Rohingiya chạy trốn bạo lực và nạn đói ở Myanmar, Bangladesh không thể cập bờ ở bất kỳ nước nào. Thái Lan, Malaysia và Indonesia đều yêu cầu các thuyền quay đầu ra biển sau khi cung cấp thức ăn, nước uống cho họ. Chỉ có những người bị chìm thuyền hoặc vào được bờ trước mới được chính quyền sắp xếp cho nơi ăn ở tạm thời. Indonesia còn ra lệnh ngư dân nước này không giúp đỡ người di cư trừ khi thuyền của họ bị chìm hoặc đã nhảy xuống nước.
Người di cư đến Đông Nam Á không biết đi về đâu. |
Trên những con tàu lênh đênh trên biển hàng tháng trời, trong điều kiện cực kỳ khó khăn, người di cư đa số là phụ nữ và trẻ em phải sống trong cảnh thiếu đồ ăn nước uống. Những người Hồi giáo Rohingya sống chủ yếu ở bang Rakhine của Myanmar đã trải qua nhiều thập kỷ bị phân biệt đối xử và không có lựa chọn nào khác là phải rời Myanmar bằng cách trả tiền cho bọn buôn người để được lên thuyền di cư. Liên hợp quốc ước tính hơn 120.000 người Rohingya đã chạy trốn trong ba năm qua. Ngoài ra, nhiều người tị nạn còn đến từ Bangladesh. Họ rời bỏ đất nước để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bọn buôn người thường đưa người di cư tới Thái Lan bằng đường biển sau đó vào Malaysia bằng đường bộ. Chúng thường giữ người di cư làm con tin cho đến khi người thân của họ trả được tiền chuộc. Tuy nhiên, gần đây Thái Lan bắt đầu triệt phá mạnh các đường dây buôn người trên bộ, khiến giới tội phạm phải dùng đường biển và kết quả là chúng bỏ rơi người di cư giữa đường khi không nước nào cho tàu cập bờ.
Ở Đông Nam Á, đã có hơn 88.000 người mạo hiểm tính mạng trên những hành trình trên biển đầy nguy hiểm này. Chỉ trong quý đầu năm 2015, 25.000 người đã cập bến. Trong khi đó, gần 1.000 người được cho là đã nằm lại dưới đáy biển do điều kiện khắc nghiệt của chuyến đi. Khoảng 1.000 người khác bị ngược đãi đến mất mạng dưới tay bọn buôn người.
Sau khi ba quốc gia nói trên từ chối tiếp nhận tàu chở người di cư Rohingya, cộng đồng quốc tế đã bày tỏ sự phản đối và gây sức ép, coi việc xua đuổi tàu chở người di cư là “màn đánh bóng bàn với mạng sống con người”. Tuy nhiên, Malaysia đã tiếp nhận hơn 45.000 người Rohingya trong nhiều năm qua và tuyên bố không thể nhận thêm. Thái Lan và Indonesia cho biết sẽ giúp người di cư gặp nạn trên biển nhưng không thể mở cửa biên giới thêm nữa.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư, ngoại trưởng các nước Malaysia, Thái Lan và Indonesia đã buộc phải tìm một biện pháp nhân đạo, với bước đi cụ thể đầu tiên là một cuộc họp chung tại Malaysia ngày 20/5. Trước cuộc họp, các nước này chưa thống nhất được một biện pháp chung và cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ tìm ra được một giải pháp hiệu quả khi mà trên thực tế, không nước nào muốn “mở cửa” đón nhận một làn sóng nhập cư ồ ạt ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Di cư không còn là vấn nạn của một quốc gia riêng lẻ nào đó, mà đã trở thành vấn đề an ninh phi truyền thống quốc tế. Ngoài ra, dù là dạng tị nạn hợp pháp, di cư bất hợp pháp hay nạn nhân của bọn buôn người, thì người di cư với số phận mong manh trong hoàn cảnh nào cũng cần được bảo vệ tính mạng. Nói cách khác, vấn đề nhân đạo cần được đặt lên hàng đầu. Nhìn từ cách tiếp cận này, muốn giải quyết được dứt điểm cuộc khủng hoảng di cư, trước hết các nước cần một sự hợp tác thực lòng, đồng thời kêu gọi hỗ trợ của cộng đồng quốc tế; tiếp đến giải các nguyên nhân gốc rễ của vấn nạn di cư như nghèo đói, mâu thuẫn tôn giáo, xung đột sắc tộc, chiến tranh…
Thùy Dương