Điều chỉnh nhân sự NATO, toan tính mới của Mỹ?

Cuộc họp của khối Quân sự Bắc Đại Tây dương (NATO) vừa qua đã bổ nhiệm tướng Không quân Philippe M. Breedlove làm Tổng Chỉ huy lực lượng NATO tại châu Âu thay Tướng Hải quân James G Stavridis.


Hình ảnh cuộc họp ngày 22/2/2013 tại trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels (Bỉ). Ảnh: AFP/TTXVN


Tướng Không quân Philippe M. Breedlove nguyên là tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu, nguyên tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Phi và tư lệnh Không quân của NATO, đã chính thức đảm trách cương vị chỉ huy tối cao lực lượng NATO tại châu Âu kể từ đầu tháng 4.2013. Đây là một điều chỉnh mang tính "chiến lược" của Mỹ trong nhiệm vụ tác chiến của lực lượng NATO trong tương lai.


Theo tính toán của Mỹ, trật tự thế giới đang có những thay đổi bất lợi cho nước này. Quan hệ Mỹ với các đồng minh tại châu Âu đang gặp những khó khăn từ cuộc khủng hoảng tài chính. Bên cạnh đó, sự "chống đối" của Nga đối với chiến lược mở rộng NATO về phía đông cũng tạo thêm những rắc rối trong nội bộ.


Mặc dù quan hệ Nga - Mỹ đã có những chuyển biến kể từ khi ký “Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tiến công chiến lược” (START) hồi tháng 4/2010 và có hiệu lực từ tháng 2/2011, nhưng Mỹ và Nga đều không có chung quan điểm trong thực hiện các điều khoản của hiệp định. Theo quan điểm của Mỹ, hiệp ước này không thể hạn chế kế hoạch bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại các khu vực có lợi cho Mỹ và đồng minh. Tính đến tháng 4/2013, Mỹ đã triển khai trên 800 tên lửa đạn đạo liên lục địa, trong đó Mỹ đã chỉ đạo NATO triển khai một loạt hệ thống tên lửa tại châu Âu trong đó có 6 bệ phóng Patriot được triển khai trong tháng 2.2013.


Trước thái độ "trịnh thượng" của Mỹ, Nga đã phản ứng mạnh mẽ và tuyên bố sẽ rút khỏi “Hiệp ước cắt giảm và hạn chế vũ khí tiến công chiến lược’’. Nga cáo buộc Mỹ đã lạm dụng hiệp định để triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ sang phía đông sát biên giới Nga và đe dọa an ninh quốc gia và sức mạnh hạt nhân chiến lược của Nga. Thái độ của Nga hết sức cứng rắn khi tuyên bố sẽ triển khai “Học thuyết quân sự Liên bang Nga” nhằm răn đe quân sự đối với dự án mở rộng của NATO. Lãnh đạo Nga còn tuyên bố sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong tình hình an ninh Nga bị đe dọa (hiện Nga đang sở hữu gần 1500 đầu đạn hạt nhân).


Nga lên án Mỹ thực hiện chiến lược kiềm chế "áp sát" bằng chiến thuật "gặm nhấm" biên giới sang phía Đông và bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu, triển khai quân quy mô lớn ở Trung Á và khu vực Ngoại Kavkaz, xây dựng một số căn cứ quân sự chiến lược. Những hành động trên đã đe dọa an ninh vùng đệm chiến lược, đe dọa thế lực truyền thống của Nga tại khu vực Trung Đông Âu cũng như lợi ích an ninh quốc gia của Nga.


Những phản ứng quyết liệt của Nga đã khiến cho Mỹ và các nước châu Âu cảm thấy bất an và cho rằng Nga chính là mối đe dọa đối với nền dân chủ quốc gia. Vì thế, Mỹ thực hiện chính sách gây sức ép chiến lược quân sự đối với Nga thông qua lực lượng NATO tại châu Âu.


Chính trong bối cảnh đó, Mỹ đã tăng cường sự lãnh đạo của mình đối với lực lượng NATO tại châu Âu. Mỹ sẽ chỉ đạo tướng Philippe M. Breedlove thực hiện đường lối cứng rắn của Mỹ tại châu Âu và đặt sứ mệnh lịch sử của NATO trong chiến lược duy trì trật tự an ninh trong khu vực và đẩy nhanh tiến độ mở rộng biên giới NATO sang phía Đông.


Mỹ hối thúc NATO phải tập trung vào những "mục tiêu" trước mắt và lâu dài kể cả giải quyết những "tình huống nóng". Mỹ đã chỉ đạo NATO tăng cường sự hiện diện, hợp tác và cung cấp vũ khí cho các quốc gia đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cũng như các quốc gia láng giềng của Iran như Armenia, Azerbaijan, Gruzia, Iraq, Afganistan, Thổ Nhĩ Kỳ … Bên cạnh đó Mỹ đang chỉ đạo NATO tăng cường sự phối hợp, hợp tác với các quốc gia Đông Âu và là "sân sau" của Liên Xô trước đây để hạn chế tối đa ảnh hưởng của Nga đối với chiến lược mở rộng NATO sang phía Đông.


Chiến lược mới của NATO dựa trên mô hình hợp tác an ninh để thực hiện chính sách kiềm chế những quốc gia không đi theo định hướng của Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Tuy nhiên Mỹ cũng phải tính đến những yếu tố về địa - chính trị và địa - chiến lược để can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào từng quốc gia hay khu vực. Trong các chiến dịch vừa qua của NATO tại Iraq, Afganistan, Syria…NATO thực hiện chiến dịch can thiệp dựa trên chủ nghĩa quân phiệt do đó hậu quả chính trị là tạo ra các "thủ lĩnh" mới và tạo điều kiện cho sự rối ren và thay đổi càng phát triển.


Cảnh sát Afganistan bên chiếc xe bị phá hủy trong cuộc không kích của NATO ở Ghazni ngày 30/3. AFP/TTXVN


Trong những ngày qua, lãnh đạo NATO còn tổ chức những cuộc họp kín để bàn về những nội dung của dự án tăng cường hợp tác quân sự với Nga và những nội dung cụ thể sẽ được trình bày trong cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng NATO, tướng Knud Bartel với Tổng Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng Nga, tướng Valery Gerasimov dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 5/2013.


Liệu những điều chỉnh nhân sự của NATO có giúp Mỹ thực hiện những tính toán trong chiến lược hay không? Hẳn là sẽ không có sự khẳng định trong bối cảnh hiện nay.



Đỗ Hưng (Phóng viên TTXVN tại Bỉ)



Cựu phi công F-16 làm Tư lệnh Tối cao NATO
Cựu phi công F-16 làm Tư lệnh Tối cao NATO

Nhà lãnh đạo Mỹ đã đề cử Tướng Philip Breedlove, Tư lệnh các lực lượng không quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi, làm Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại châu Âu kiêm Tư lệnh tối cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN