Hội nghị NATO: Đồng thuận để đấy?

Cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng của 28 thành viên khối bắc Đại Tây Dương (NATO) trong hai ngày 21 và 22/2 đã kết thúc với những nội dung chính được các thành viên bàn bạc “cân đong” rất cẩn thận.


 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta tại buổi họp báo bế mạc Hội nghị NATO ngày 22/2.

 

Vấn đề đầu tiên được bàn thảo được gọi là “gói bảo vệ’’đã được thông qua ngay sau khi kết thúc buổi họp đầu tiên ngày 21/2. Thực chất, nội dung này đã được chuẩn bị rất tỉ mỉ tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Chicago hồi tháng 5/2012 và được hội nghị lần này “hợp pháp hóa” mà thôi.


Vấn đề lớn thứ hai của Hội nghị là NATO sẽ từng bước loại bỏ các hoạt động quân sự tại Ápganixtan và chương trình hoạt động mới sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2015 nhằm hỗ trợ và huấn luyện lực lượng Ápganixtan. Nhưng dự án này sẽ còn nhiều rắc rối vì thực tế lực lượng an ninh của Ápganixtan (ANSF) vẫn còn rất yếu (228.500 quân) mặc dù ngân sách Quốc phòng hàng năm của họ lên đến 4,1 tỉ USD.


Vấn đề lớn thứ ba được bàn thảo là quan hệ NATO với Ucraina. Đánh giá về quan hệ này, ông Tổng thư ký NATO Rasmussen cho rằng “Ucraina là đối tác quan trọng và có những đóng góp không nhỏ trong các hoạt động do NATO điều hành, trong đó có các hoạt động quân sự tại Ápganixtan”.


Trong hội nghị lần này, tuy NATO đã đạt được sự đồng thuận về nhiều vấn đề, thế nhưng vấn đề cấp bách hàng đầu đối với hầu hết các thành viên NATO là tìm đâu ra nguồn ngân sách để đáp ứng sáng kiến “phòng thủ thông minh” thì NATO vẫn “lực bất tòng tâm” vì các thành viên vẫn đang phải tập trung nguồn lực để chống đỡ hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế.


Hai điểm mấu chốt của vấn đề này là sáng kiến về “phòng thủ thông minh” và “lực lượng kết hợp” nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của NATO. Sáng kiến đầu tiên là nhằm tăng hiệu quả của các phương tiện quốc phòng trong hợp tác mua trang thiết bị quân sự và các hệ thống vũ khí đắt tiền. Thực tế hiện nay, mỗi quốc gia đều tự mua vũ khí cho riêng mình, nhưng không một quốc gia nào trừ Mỹ có đủ tiền để thực hiện sáng kiến đó. Vì vậy, tất cả các quốc gia thành viên đều phải phụ thuộc và chờ đợi sự “hào phóng” của ông chủ Mỹ. Điều minh chứng thuyết phục nhất là cuộc can thiệp vào Libi đều do Pháp và Anh khởi xướng nhưng cuối cùng đều phải nhờ tới sự trợ giúp của Mỹ mới tìm ra lối thoát khỏi bãi “sa lầy”.


Để xoa dịu các thành viên NATO tại hội nghị trước khi thông qua sáng kiến trên, ông Tổng thư ký NATO, Anders Fogh Rasmussen đã tâm sự việc cắt giảm ngân sách quốc phòng trong tất cả các quốc gia NATO là điều bất khả kháng. Tuy nhiên, ông cũng bộc bạch “tiếp tục cắt giảm có thể ảnh hưởng đến khả năng của NATO để bảo vệ người dân”. Điều trớ trêu là ở luận điểm này, khi muốn các thành viên NATO thông qua nghĩa là họ phải có tiền. Nhưng nó lại hết sức mâu thuẫn với lời kêu gọi giảm ngân sách quốc phòng để thắt lưng buộc bụng. Liệu sáng kiến “phòng thủ thông minh” có được triển khai hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.


Sáng kiến thứ hai nhằm tăng cường sự gắn kết của các lực lượng vũ trang của các quốc gia tại một thời điểm khi không có các hoạt động quân sự lớn. Điều này liên quan đến chương trình đào tạo, huấn luyện quân sự thực tế. Tại hội nghị, một quan chức NATO cho biết: “hiện nay, các thành viên NATO thường sử dụng và nhấn mạnh từ ‘cam kết ’ hơn từ ‘hoạt động’ vì họ rất lo ngại khi phải thực hiện các đề án đã được NATO thông qua”.


Hội nghị NATO đã khép lại nhưng với trọng trách “vai chính” trong vở diễn “gói bảo vệ’’, Mỹ có chỉ đạo được 27 “vai phụ” còn lại hết lòng vì sự thành công của vở diễn đó hay không? Câu trả lời vào thời điểm hiện nay: E là hơi sớm.


Đỗ Hưng (P/v TTXVN tại Bỉ)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN