Khi Thủ tướng Liban, Najib Mikati, vạch ra kế hoạch hòa bình gồm ba bước cho cuộc xung đột ở Gaza vào ngày 31/10, ông đã đưa ra một tuyên bố có vẻ bình thường đối với công chúng phương Tây: “Chúng tôi sẽ xem xét quyền của Israel và quyền của người Palestine.”
Nhưng lời nói của ông có khả năng gây ra sự phẫn nộ ở một quốc gia vẫn chưa công nhận Israel, chứ đừng nói đến việc nuôi dưỡng ý tưởng đàm phán hòa bình.
Ông Mikati đã phác thảo sáng kiến của mình. Kế hoạch của ông là kêu gọi ngừng bắn kéo dài 5 ngày, sau đó là chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch. Tiếp đó, một hội nghị quốc tế sẽ được triệu tập để giải quyết vấn đề cuối cùng bằng cách thực hiện giải pháp hai nhà nước.
Không nghi ngờ gì nữa, kế hoạch của ông Mikati thể hiện mong muốn ôn hòa hơn của số đông ở Trung Đông. Hầu hết những người không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột đều muốn thấy sự chấm dứt ngay lập tức đối với một chiến dịch bị nhiều người coi là sự trừng phạt không cân xứng đối với Gaza. Họ cũng muốn tăng cường nỗ lực ngoại giao quốc tế để giải quyết các vấn đề căn bản của xung đột.
Nhiều người trong thế giới Arab cho rằng, một số trách nhiệm về việc bùng nổ cuộc xung đột mới nhất ở Gaza nên được chia sẻ bởi Israel và phương Tây, những quốc gia mà họ cho là đã không nghiêm túc theo đuổi giải pháp hai nhà nước, gây tổn hại đến phẩm giá và thể hiện chính trị của người Palestine.
Tuy nhiên, bản thân kế hoạch của Mikati hầu như không có gì nguyên gốc. Nó lặp lại sáng kiến hòa bình Arab được kêu gọi bởi Saudi Arabia, vốn có ảnh hưởng hơn nhiều vào năm 2002.
Vậy tại sao một thủ tướng tạm quyền (Liban đã không có tổng thống, người duy nhất có thẩm quyền bổ nhiệm thủ tướng, trong 2 năm qua) lại đề xuất một kế hoạch hòa bình dường như vô vọng, khi đất nước của ông còn chưa giải quyết được chính vấn đề của mình với Israel?
Không đủ sức cho chiến tranh
Lý do đầu tiên và trực tiếp cho sáng kiến của Mikati là mối lo ngại ngày càng tăng ở Liban rằng đất nước này sẽ bị kéo vào một cuộc chiến mà họ đơn giản là không có đủ khả năng để tham gia.
Nhà nước Liban đã phá sản kể từ năm 2019 và đất nước này sa lầy trong hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác kể từ đó. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế của nước này đã giảm 39,9% GDP kể từ năm 2018 trong khi đồng bảng Liban mất hơn 98% giá trị trong thời gian đó. Lạm phát trung bình năm 2022 của Liban lên tới 171% và tỷ lệ nợ chính phủ trên GDP ở mức 283,2%.
Lỗ thủng tài chính này, cộng với vụ nổ bất thường tại cảng Beirut vào tháng 8/2020 và các cuộc khủng hoảng năng lượng và lúa mì sau đó, đã khiến Liban rơi vào một trong những tình cảnh kinh tế xã hội tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước. Vì vậy, hầu như không có gì đáng ngạc nhiên khi mong muốn chiến tranh không thực sự tăng cao.
Vấn đề chính trị
Động lực thứ hai đối với Thủ tướng Mikati là chính trị. Liban luôn có một vị trí đặc biệt trong cuộc xung đột Arab-Israel. Một số vùng của đất nước coi đây là một vấn đề mang tính sống còn trong bối cảnh những lo ngại Israel có thể đưa quân tấn công, trong khi những vùng khác lại có thái độ mâu thuẫn hơn.
Kể từ khi tham gia một thời gian ngắn vào cuộc chiến tranh Arab chống lại Israel năm 1948, quân đội Liban đã tránh tham gia vào bất kỳ hành động quân sự nào chống lại Israel.
Sau thành công của Hezbollah trong việc đẩy Israel ra khỏi miền nam Liban năm 2000 và chiến dịch ngắn ngủi chống lại Israel năm 2006, nhiều nhà lãnh đạo Liban đã cố gắng hết sức để tránh xa Hezbollah, và quân đội chỉ đóng vai trò tối thiểu trong việc ngăn chặn các hành động xâm lấn và tấn công của Israel vào cơ sở hạ tầng của Liban.
Hezbollah tiếp tục giành được phần lớn tính hợp pháp của mình ở Liban với tư cách là một phong trào phản kháng, thường sử dụng việc Israel tiếp tục chiếm đóng Trang trại Shebaa làm lý do chính thức. Đây là một khu vực nhỏ có diện tích 25km2 được Liban tuyên bố chủ quyền. Nó nằm trên biên giới của Liban với Syria, cũng chạy qua Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng.
Một cuộc khảo sát năm 2022 do Arab Barometer thực hiện cho thấy 17% số người được hỏi ở Liban cho biết họ “rất ủng hộ hoặc ủng hộ” việc bình thường hóa quan hệ giữa các quốc gia Arab và Israel.
Điều này xếp Liban vào thứ ba trong số các quốc gia được khảo sát. Và hai nước ở trên, Sudan (39%) và Maroc (31%), đều là các bên tham gia Hiệp định Abraham - là các hiệp định song phương được ký vào năm 2020 và 2021 giữa Israel và nhiều quốc gia Arab. Trong khi đó, chỉ có 5% người Ai Cập và người Jordan phản ứng theo cách tương tự.
Ngay cả đối với những người Liban công khai gây hấn hơn với Israel, có vẻ như họ vẫn tuân theo một số quy tắc nhất định, bao gồm hạn chế tấn công vào các tiền đồn quân sự và thiết bị giám sát, đồng thời kiềm chế nhắm mục tiêu vào dân thường.
"Không muốn", khác với "đồng tình"
Trên thực tế, một cuộc khảo sát khác được thực hiện trong tuần này bởi tờ báo Liban, Al Akhbar - được coi là ủng hộ Hezbollah - cho thấy 68% số người được hỏi phản đối việc can dự trực tiếp, trong khi chỉ 52% ủng hộ các “hoạt động” hạn chế nhằm gây áp lực lên lực lượng Israel.
Điều đó nói lên rằng, người ta không nên nhầm lẫn giữa việc không muốn chiến tranh với sự ủng hộ, hoặc thậm chí là khoan dung đối với hoạt động nội bộ và khu vực của Israel, đặc biệt là trong cuộc xung đột mới nhất với Hamas. Các cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp Liban và khu vực rộng lớn hơn trong vài tuần qua để bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine, đồng thời lên án sự ủng hộ dường như vô điều kiện của phương Tây đối với Israel.
Hơn nữa, 80% số người được hỏi trong cuộc khảo sát của Al Akhbar bày tỏ sự ủng hộ đối với các hoạt động của Hamas và 73% phản đối quan điểm trung lập của Liban trong cuộc xung đột. Điều này phù hợp với quan điểm của nhiều nước khác trong thế giới Arab, rằng Israel đã đi quá xa trong việc trả đũa ở Gaza.
Đó là những sự cân bằng mong manh mà Thủ tướng Mikati đang cố gắng duy trì bằng sáng kiến hòa bình mới của mình. Trong khi kế hoạch của ông có thể sẽ bị bỏ ngoài tai, Liban sẽ nín thở theo dõi số phận của đất nước (và khu vực) diễn ra trong những tuần tới.