Dưới thời Tiểu vương Hamad Al Thani, quốc gia nhỏ bé với khối tài sản khổng lồ đã đặt mình vào một vị thế quan trọng, có thể đàm phán với Israel, với lợi ích của người Palestine.
CƠ HỘI CỦA QATAR
Theo tờ Times of Israel, kể từ khi lên nắm quyền 10 năm trước, Tiểu vương Tamim bin Hamad Al Thani, 43 tuổi, đã quyết tâm định vị đất nước nhỏ bé của mình - một trong những nước giàu nhất thế giới, với trữ lượng khí đốt lớn thứ ba và thu nhập bình quân đầu người cao thứ sáu - ở vị thế của một người chơi quan trọng trong địa chính trị toàn cầu. Nhưng ông hầu như không đạt được tầm vóc mà mình khao khát, ngay cả sau khi Qatar đăng cai tổ chức World Cup bóng đá và khi châu Âu từ bỏ cung cấp khí đốt đáng tin cậy một thời của Nga.
Sau khi các chiến binh Hamas giết chết 1.400 người ở tây nam Israel trong cuộc tấn công ngày 7/10, cuộc chiến bùng nổ giữa Israel và Hamas (một nhóm "mắc nợ" Qatar) đã trao cho Tiểu vương Thani cơ hội đạt được vị thế cao hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Arab nào khác trong một thời gian dài. Ông có khả năng ở vị trí độc nhất để giúp giải cứu trên 240 con tin - ở mọi lứa tuổi, từ rất trẻ đến rất già; chủ yếu là người Israel, nhưng nhiều người có quốc tịch nước ngoài - mà Hamas và Islamic Jihad đã bắt cóc đến Gaza ngày hôm đó.
Không giống như những người hàng xóm trong khu vực, Thani không lo lắng về một cuộc nổi dậy hay thách thức đối với sự cai trị của mình từ những nhóm Hồi giáo chính trị. Thay vào đó, ông tiếp đón các thủ lĩnh chiến binh Hồi giáo, bao gồm Hamas, song song với cho phép mở một văn phòng thương mại của Israel và hàng nghìn binh sĩ Mỹ đồn trú tại Căn cứ Không quân Al Udeid, nơi Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động trong khu vực.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Thani có thiện cảm với người Palestine. Bộ Ngoại giao của ông đổ lỗi cho Israel và chưa một lần lên án hành động tàn bạo mà Hamas đã thực hiện.
Tuy nhiên, việc Doha nắm quyền kiểm soát Hamas có thể là hy vọng duy nhất cho những gia đình mong muốn được đoàn tụ với con trai, con gái, ông bà và những người thân khác bị bắt cóc.
QATAR - "ÂN NHÂN" CỦA HAMAS
Năm 2012, khi chiến tranh nổ ra ở Syria và giới lãnh đạo Hamas phản đối chính phủ Syria, Doha đã cung cấp nơi trú ẩn cho họ. Người Qatar cho biết quyết định này được đưa ra với sự phối hợp của Mỹ và sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Barack Obama. Hamas nợ Qatar không chỉ vì đã cung cấp nơi ẩn náu cho các nhà lãnh đạo của mình và cung cấp căn cứ để lập kế hoạch và đàm phán với những người bảo trợ Iran, mà còn vì hàng triệu USD viện trợ nước ngoài hàng năm để giúp đỡ người nghèo ở Gaza, trả tiền điện - và cấp kinh phí cho các hoạt động của Hamas.
Cho đến nay, Qatar đã thuyết phục được Hamas thả 4 người bị bắt, tất cả đều là phụ nữ. Majed Al Ansari, người phát ngôn chính thức Bộ Ngoại giao Qatar, cho biết: “Chúng tôi vẫn hy vọng về tình hình con tin. Đã có một số tiến bộ và đột phá trong các cuộc đàm phán, đặc biệt nếu so sánh nơi chúng ta bắt đầu với nơi chúng ta đang ở hiện tại.”
“Nỗ lực đang tiến triển chậm hơn chúng tôi mong đợi”, người phát ngôn Ansari nói. “Vụ đánh bom bệnh viện đã làm trì hoãn các cuộc đàm phán”, ông cho biết thêm, ám chỉ vụ nổ tại Bệnh viện al-Ahli Arab ở Thành phố Gaza vào ngày 17/10 mà Hamas đã đổ lỗi sai lầm cho Israel. (Trong khi Israel đưa ra bằng chứng cho thấy vụ nổ là do tên lửa của nhóm Islamic Jihad bắn nhầm)
Israel và nhiều đồng minh phương Tây tin rằng Tiểu vương Thani đang sử dụng đòn bẩy đối với Hamas nhiều hơn những gì ông ta có thể cho phép.
“Cộng đồng quốc tế nên kêu gọi Qatar, quốc gia tài trợ cho Hamas, cho phép thả ngay lập tức các con tin bị bọn khủng bố bắt giữ”, Ngoại trưởng Israel Eli Cohen phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 24/10.
Peter Stano, người phát ngôn chính về các vấn đề đối ngoại của EU, nói: “Chúng tôi biết rằng Qatar có thể gây ảnh hưởng đối với Hamas và chúng tôi không có lý do gì để tin rằng họ sẽ không làm điều đó”.
Ông Stano tiết lộ Hamas đang yêu cầu Israel ngừng ném bom để có thể tập hợp hơn 240 tù nhân rải rác khắp Gaza - một số bị giam giữ bởi nhóm Islamic Jihad.
Người Qatar lo ngại rằng nếu Israel duy trì chiến dịch đã tuyên bố nhằm xóa sổ năng lực quân sự và chính phủ của Hamas, đồng thời Hamas cảm thấy họ sắp sụp đổ thì các cuộc đàm phán có thể đổ vỡ. Số người chết ngày càng tăng ở Gaza và nỗi lo sợ con tin có thể chết cũng đã dẫn đến những lời kêu gọi "tạm dừng" giao tranh vì mục đích nhân đạo ngày càng tăng.
CUỘC CẠNH TRANH Ở HẬU TRƯỜNG
Nhưng đằng sau hậu trường, Qatar đang phải cạnh tranh với những nước khác trong khu vực cũng muốn chứng tỏ vai trò của mình trong mối quan hệ với phương Tây.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị làm trung gian - nếu được cả hai bên yêu cầu. Ankara có một số ảnh hưởng đối với Hamas, khi các thủ lĩnh nhóm này cũng từng tìm nơi ẩn náu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng bất chấp tình bạn Hồi giáo thân thiết giữa Hamas và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như việc ông Erdogan liên tục lên án Israel kể từ ngày 7/10, người Arab có thể vẫn muốn một nhà lãnh đạo Arab đóng vai trò dẫn đầu. Hiện tại, Doha và Ankara là đồng minh và cho biết họ đang phối hợp.
Oman là một đối tác đáng tin cậy và tương đối trung lập đối với phương Tây khi đối phó với Iran, vì nước này đã giúp xây dựng nền tảng cách đây một thập kỷ cho các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các quan chức Mỹ và Iran mà đỉnh điểm là thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Iran. Nhưng họ lại không có ảnh hưởng trực tiếp tới Hamas.
Qatar đối mặt với cạnh tranh gay gắt nhất đối với vai trò trung gian hòa giải là từ Ai Cập, quốc gia cũng đóng vai trò trong việc phóng thích hai con tin Israel và đã làm trung gian cho một số lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas trong các cuộc xung đột trước đây.
Sultan Barakat, giáo sư tại Đại học Hamad Bin Khalifa của Quỹ Qatar, từng cho rằng chính sách ngoại giao của Qatar có truyền thống thành công hơn trong việc xoa dịu các cuộc khủng hoảng ngắn hạn hơn là đưa ra các giải pháp lâu dài cho các xung đột. Nhưng giờ đây, ông tin rằng Qatar có cơ hội tốt hơn Ai Cập trong việc không chỉ làm trung gian giải phóng con tin mà còn là một lệnh ngừng bắn lâu dài.
“Israel muốn đẩy hàng triệu người Palestine vào Sinai. Ai Cập không thể hòa giải nếu nước này cũng là bên hứng chịu xung đột”, ông Barakat nhận xét.
Về phần mình, Saudi Arabia đã mất đi một số uy tín trong vai trò trung gian hòa giải với người Palestine, vì nước này dường như đã chuyển phần lớn năng lượng ngoại giao của mình nhằm bình thường hóa quan hệ với Israel trước khi cuộc chiến nổ ra.
Trong bối cảnh đó, Qatar, một quốc gia nhỏ bé với khối tài sản khổng lồ, đã dần dần chuyển mình vào vị thế có thể đàm phán với Israel, quan tâm đến lợi ích của người Palestine. Đáng chú ý, người đứng đầu Mossad (tình báo Israel), David Barnea, được cho là đã đến thăm Qatar vào cuối tuần qua để tham gia thảo luận về khả năng đạt được một thỏa thuận thả con tin.
Tiểu vương Thani còn trẻ và rất giàu có, mục tiêu rõ ràng duy nhất của ông là có được một di sản lâu dài. Bây giờ ông đang có cơ hội, nếu có thể cứu con tin bằng cách làm trung gian cho các điều khoản được các bên tham chiến chấp nhận. Điều đó có thể quyết định vai trò tương lai của Qatar trong việc tìm giải pháp cho cuộc xung đột khó giải quyết nhất thế giới.