Theo tờ Al Jazeera, quân đội Israel đã tiến về phía Thành phố Gaza, trung tâm dân số lớn nhất ở Dải Gaza, nhưng đang vấp phải sự kháng cự quyết liệt từ các tay súng Palestine. Trong khi đó, các báo cáo cho thấy, tới ngày 2/11, số người thiệt mạng ở Gaza đã vượt quá 9.000 người.
Các tay súng của Hamas, nhóm điều hành ở Gaza, và nhóm đồng minh Palestine Islamic Jihad (Thánh chiến Hồi giáo Palestine - PIJ) đã bất ngờ nhảy ra khỏi đường hầm, bắn vào xe tăng Israel đang lao tới, rồi nhanh chóng rút trở lại mạng lưới ngầm rộng lớn của họ. Thông tin này được người dân cho biết và được tiết lộ qua các video của cả hai nhóm vào ngày 2/11.
Chiến tranh theo kiểu du kích ở Gaza đã buộc Israel, quốc gia thường sử dụng lực lượng không quân hùng mạnh của mình để tấn công các nhóm vũ trang Palestine từ trên cao, đang phải bước vào một cuộc chiến trên bộ nhằm thực hiện mục tiêu "xóa sổ" hoàn toàn Hamas.
Quân đội Israel ngày 2/11 cho biết họ đã mất chỉ huy tiểu đoàn 53 trong cuộc giao tranh, nâng tổng số binh sĩ Israel thiệt mạng kể từ khi tăng cường tấn công mặt đất lên con số 18. Chỉ huy tiểu đoàn, Trung tá Salman Habaka, được cho là sĩ quan cấp cao nhất của Israel thiệt mạng kể từ khi các hoạt động trên bộ bắt đầu vào cuối tháng 10.
Israel cho biết họ cũng đã tiêu diệt hàng chục tay súng Palestine trong cuộc tấn công.
Khi thương vong ngày càng tăng, cuộc chiến cũng đang tiến gần hơn đến trung tâm dân cư phía Bắc của Gaza, nơi Israel đã ra lệnh cho công dân sơ tán, nếu không sẽ đối mặt nguy cơ bị coi là “đồng phạm khủng bố”.
Israel tiếp tục tấn công khu vực này bằng các cuộc không kích, cùng lúc các quan chức quân sự cho biết họ đang tập trung quân đội “tại các cửa ngõ của Thành phố Gaza”.
Hamas đã "chuẩn bị tốt"
Israel thừa nhận rằng Hamas đã "chuẩn bị tốt" cho trận chiến, nói rằng "các bãi mìn và bẫy" đang khiến việc họ tiếp cận thành phố trở nên khó khăn.
Chuẩn tướng Iddo Mizrahi, trưởng nhóm kỹ sư quân sự của Israel, nói với Đài phát thanh quân đội: “Đây chắc chắn là địa hình được gieo rắc nhiều bãi mìn và bẫy bom hơn trước đây”. Ông nói: “Hamas đã học hỏi và chuẩn bị tốt".
Một người dân ở Thành phố Gaza nói với hãng tin Reuters rằng Israel đã pháo kích vào thành phố suốt đêm 1/11 nhưng không thể xâm phạm qua giới hạn thành phố. Người dân yêu cầu giấu tên cho biết: “Vào buổi sáng, chúng tôi phát hiện lực lượng Israel vẫn còn ở bên ngoài thành phố, ở ngoại ô và điều đó có nghĩa là sự kháng cự mạnh mẽ hơn họ dự tính”.
Ejaz Haider, nhà phân tích quân sự và đối ngoại, nói với Al Jazeera rằng quân đội Israel đang di chuyển dọc theo nhiều trục để bao vây nơi họ cho rằng có chiến binh Hamas.
Ông Haider nói: “Một ý tưởng có thể là, dựa trên số lượng lực lượng dự bị mà họ đã huy động, Israel không chỉ bão hòa khu vực bằng hỏa lực đường không và pháo binh, mà còn họ sẽ còn bão hòa khu vực bằng binh sĩ”.
“Đối với Hamas là đưa quân Israel vào nơi họ có thể gây ra thiệt hại tối đa, ít nhất là về mặt lý thuyết, cho đối phương”, nhà phân tích Haider nói thêm.
Thảm cảnh với người tị nạn và thường dân Palestine
Khi tiến về phía Thành phố Gaza, Israel cũng đã thực hiện các cuộc không kích vào trại tị nạn Jabalia đông đúc, tuyên bố là nhắm vào các thủ lĩnh Lữ đoàn Qassam của Hamas đang ẩn náu ở đó.
Chính quyền Gaza cho biết ít nhất 195 người Palestine đã thiệt mạng trong hai vụ tấn công hôm 31/10 và 1/11, với ít nhất 777 người bị thương và 120 người khác mất tích.
Israel tuyên bố đã tiêu diệt hai thủ lĩnh Lữ đoàn Qassam ở Jabalia.
Cuộc chiến mới nhất giữa Israel và Hamas nổ ra khi nhóm vũ trang Palestine tổ chức cuộc tấn công bất ngờ và đẫm máu vào lãnh thổ Israel, giết chết khoảng 1.400 người, chủ yếu là dân thường.
Tiếp đó, chính quyền Gaza cho biết, cuộc bắn phá trả đũa Hamas của Israel vào vùng đất này đã giết chết hơn 9.000 người, trong đó có hơn 3.700 trẻ em, đồng thời tàn phá cơ sở hạ tầng của lãnh thổ và khiến hàng trăm nghìn người phải di dời.
Số người chết ngày càng tăng và tình trạng nhân đạo thảm khốc đang gây ra những chỉ trích mạnh mẽ, cũng như lời kêu gọi ngừng bắn từ các nhà lãnh đạo thế giới, các nhà hoạt động và tổ chức quốc tế.
Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc gần đây bày tỏ lo ngại rằng “các cuộc tấn công không cân xứng của Israel có thể cấu thành tội ác chiến tranh”.
Ngay cả Mỹ, đồng minh trung thành nhất của Israel, nước đã đưa ra sự hỗ trợ vững chắc cho Israel trong chiến tranh và đề xuất gói viện trợ khẩn cấp trị giá 14,3 tỷ USD cho quân đội Israel, cũng bắt đầu kêu gọi thận trọng.
“Tôi nghĩ chúng ta cần tạm dừng”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong bài phát biểu ngày 1/11.
Trong một nỗ lực ngoại giao mới, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã lên kế hoạch thực hiện chuyến thăm thứ ba tới Israel kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết ông Blinken có kế hoạch gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong ngày 3/11 để đề nghị hỗ trợ, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu bảo vệ dân thường nhiều nhất có thể.
Lối thoát cho người nước ngoài, người bị thương
Sau khi Gaza bị phong tỏa hoàn toàn trong hơn ba tuần, những người mang hộ chiếu nước ngoài và một số người bị thương nặng đã được phép ra khỏi Gaza như một phần của thỏa thuận do Ai Cập làm trung gian.
Quan chức biên giới Palestine Wael Abu Mehsen cho biết 400 công dân nước ngoài dự kiến đến Ai Cập qua cửa khẩu Rafah trong ngày 2/11. 60 người Palestine bị thương nặng khác cũng sẽ được đưa qua biên giới.
Một người phụ nữ đang chờ đi qua cửa khẩu biên giới Rafah nói với phóng viên Al Jazeera rằng người dân ở Gaza đang "sống trong đau đớn".
“Tôi đã lên kế hoạch rời đi từ 20 ngày trước. Thế là quá đủ; chúng tôi đang sống trong đau khổ. Tất cả chúng tôi đều cận kề cái chết", người phụ nữ nói, với hộ chiếu Ai Cập trên tay.