Thách thức thông tin đối với các nhà báo tại ‘điểm nóng’ Gaza

Các hãng phương tiện truyền thông toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức gần như chưa từng có trong việc đưa tin về cuộc chiến Israel-Hamas.

Chú thích ảnh
Đội ngũ phóng viên của đài CNN ẩn nấp khi nghe thấy tiếng còi báo động cảnh báo tên lửa từ Gaza bay đến tại thành phố Sderot, Israel. Ảnh: AFP

Đó là những thách thức từ thông tin trái chiều chưa được kiểm chứng cho đến sức ép chạy đua thông tin với mạng xã hội và yêu cầu cẩn thận trong ngôn từ trước áp lực của dư luận.

Theo các hãng truyền thông, việc không thể tiếp cận với Gaza khi các điểm ra vào từ Israel và Ai Cập đều đóng cửa đang làm gia tăng thêm thách thức trong việc đưa tin.

Trong một nội dung đăng tải trên tài khoản mạng xã hội, ông Deborah Turnes, giám đốc điều hành của đài truyền hình BBC News (Anh), bày tỏ: “Cuộc chiến này là một trong những câu chuyện phức tạp và phân cực nhất mà chúng tôi từng gặp phải”.

Tại Gaza, các phóng viên Palestine cho biết công việc của họ bị cản trở bởi các vụ đánh bom, thực trạng cắt điện và thiếu xăng dầu. Liên minh phóng viên Gaza cho hay kể từ khi vòng xoáy xung đột mới nhất bùng nổ vào ngày 7/10, 22 nhà báo đã thiệt mạng.

“Trong các cuộc xung đột trước đây, chúng tôi luôn có thể cử đặc phái viên, nhưng lần này đội ngũ của chúng tôi ở Gaza bị cắt đứt với phần còn lại của thế giới”, Phil Chetwynd, Giám đốc Tin tức Toàn cầu của hãng thông tấn AFP, chia sẻ. Văn phòng thường trực của AFP ở Gaza có khoảng 10 nhà báo. Họ đã phải chuyển ra khỏi thành phố Gaza và hướng về phía Nam sinh sống trong điều kiện lều trại bấp bênh.

Theo số liệu thống kê của chính phủ, tổng cộng có 2.050 nhà báo đã tới Israel để đưa tin về cuộc chiến. Trong đó, lực lượng đông nhất đến từ các hãng truyền thông Mỹ, với 358 người, của Anh là 281 người và của Pháp là 221 người. Ngay cả Ukraine, một quốc gia cũng đang chịu cảnh chiến tranh, cử 2 phóng viên tới đây.

Theo Liên đoàn Nhà báo Quốc tế (IFJ), việc không thể tiếp cận thực sự với hiện trường buộc các phóng viên phải dựa nhiều vào các nguồn "chính thức" mà không thể xác minh tuyên bố. IFJ chỉ ra: “Nhiều phương tiện truyền thông vội vàng đăng tải thông tin và hình ảnh sai lệch mà chưa thể xác minh hoặc có bằng chứng đáng tin cậy”.

Một trong những ví dụ tiêu biểu cho thực trạng trên là thông tin các tay súng Hamas chặt đầu trẻ em. Tin tức này đã được các phương tiện truyền thông chia sẻ một cách chóng mặt. Thậm chí, trong một bản tin trực tiếp của đài truyền hình CNN, thông tin cũng đăng tải mà chưa hề được xác thực.

“Tôi cần phải cẩn trọng hơn với lời nói của mình. Tôi thành thực xin lỗi”, nữ phóng viên Sara Sidner của đài CNN đã phải xin lỗi trên tài khoản X (Twitter) sau khi bản tin được phát sóng.

Chú thích ảnh
Nhà báo mặc áo chống đạn tác nghiệp tại điểm nóng chiến sự Gaza. Ảnh: AFP

Một ví dụ khác có thể kể đến là vụ tấn công bệnh viện Ahli Arab tại Gaza. Ngày 17/10, một số hãng truyền thông, trong đó có AFP, đưa thông tin từ Cơ quan Y tế Hamas cho biết có 200-300 người thiệt mạng trong một vụ tấn công vào bệnh viện. Lực lượng Hamas quy cho quân đội Israel chịu trách nhiệm trong vụ tấn công này.

Về phần mình, Israel phủ nhận cáo buộc, nói rằng vụ tấn công xuất phát từ một quả rocket do lực lượng thánh chiến Palestine phóng nhầm. Một số hãng truyền thông sau đó lại viết nội dung nghiêng về tuyên bố của Israel, cho rằng có báo cáo tình báo và phân tích video xác thực.

Tuy nhiên, ngay cả khi phân tích các cảnh quay hay phỏng vấn các chuyên gia vũ khí, không ai có thể thực sự chỉ ra kịch bản bên nào đưa ra mới là chính xác cũng như không thể xác định được số lượng nạn nhân thương vong.

Tờ New York Times của Mỹ và báo Le Monde của Pháp lên tiếng thừa nhận thông tin ban đầu của họ đã không đáp ứng được tiêu chuẩn tin tức thông thường.

"Các phiên bản tin tức đầu tiên của chúng tôi phụ thuộc quá nhiều vào các tuyên bố của Hamas, cũng như chúng tôi đã không ghi rõ những tuyên bố này đã được xác minh hay chưa”, tờ The New York Times đính chính vào thứ hai tuần trước.

“Chúng tôi đã thiếu thận trọng”, đại diện của báo Le Monde cho biết một ngày sau đó.

“Đáng lẽ chúng tôi nên cẩn thận hơn trong cách diễn đạt và đưa ra nhiều thông tin bối cảnh về những điều chúng tôi chưa thực sự biết”, ông Chetwynd của hãng AFP chia sẻ.

Một thách thức khác mà các hãng truyền thông gặp phải trong quá trình tác nghiệp tại Gaza là vai trò ngày càng tăng của mạng xã hội. Chỉ bằng những cú nhấp chuột, bất kỳ một tuyên bố hoặc hình ảnh nào cũng có thể lan truyền và khiến một bộ phận dư luận sục sôi, cáo buộc truyền thông thiên vị.

Douglas Jehl, biên tập mảng thông tin quốc tế của tờ The Washington Post, cho biết: “Trong mọi cuộc xung đột, chúng tôi cần nhắc nhở bản thân rằng việc xác minh thông tin cần có thời gian. Đặc biệt trong xung đột lần này, điều đó lại càng khó khăn hơn khi cả hai bên đều ra sức tung ra những tuyên bố trái ngược và kiểm tra những thông tin mà chúng tôi đăng tải”.

Bên cạnh thông tin xác thực, các nhà báo cũng phải đặc biệt lưu ý đến cách diễn đạt và ngôn từ sử dụng trong lúc đưa tin. Một trong những ưu tiên hàng đầu là không dùng những thuật ngữ thể hiện quan điểm của một bên. Theo đài BBC và hãng AFP, các nhà báo của hai hãng tin này đã tránh dùng từ “khủng bố” để nói về lực lượng Hamas, trừ khi trong bản tin của họ có trích dẫn và từ đó xuất hiện trong lời nói của người được phỏng vấn.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo AFP)
Quân đội Israel gặp kháng cự quyết liệt ở cửa ngõ Thành phố Gaza
Quân đội Israel gặp kháng cự quyết liệt ở cửa ngõ Thành phố Gaza

Quân đội Israel đã tiến về phía Thành phố Gaza, trung tâm dân số lớn nhất của dải đất, nhưng đang vấp phải sự kháng cự quyết liệt từ các tay súng Palestine, gồm cả nhóm Hamas và Islamic Jihad.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN