Những người ủng hộ chúc mừng chiến thắng của AKP. |
Tuy nhiên, chiến thắng mở ra cơ hội củng cố quyền lực cho Tổng thống Tayyip Erdogan này cũng làm sâu sắc hơn những chia rẽ trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo kết quả bầu cử, AKP giành được 316 ghế trong quốc hội, tức lớn hơn con số 276 ghế cần thiết để tự thành lập được chính phủ, song vẫn ít hơn 330 ghế để có thể tự quyết việc thay đổi hiến pháp. Tiếp sau là đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập chính chỉ giành được 56 ghế, đảng Phong trào Dân tộc được 41 ghế.
Ông Erdogan tuyên bố kết quả trên chính là người dân đã bỏ phiếu cho sự ổn định và là thông điệp cứng rắn gửi tới những phần tử ly khai người Kurd ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ rằng bạo lực không thể tồn tại cùng với nền dân chủ.
Còn Thủ tướng Ahmet Davutoglu tuyên bố: “Ngày hôm nay là ngày của nền dân chủ và của nhân dân. Hy vọng rằng chúng tôi sẽ phục vụ các bạn tốt trong 4 năm tới và tiếp tục được đứng trước các bạn một lần nữa vào năm 2019”. Ông cũng hối thúc các đảng phái hợp tác để xây dựng một hiến pháp mới, trao thêm quyền cho Tổng thống Erdongan.
Đặt trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ trước bầu cử, kết quả này là một sự bất ngờ với nhiều người. Sau thất bại trong bầu cử hồi tháng 6, Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với những biến động thực sự. Ngay sang tháng 7, lệnh ngừng bắn với PKK sụp đổ, kéo theo là sự bế tắc của tiến trình đàm phán hòa giải sau 2 năm nỗ lực. Tới tháng 10, thủ đô Ankara rung chuyển bởi vụ đánh bom đẫm máu nhất trong lịch sử nước này, khiến 130 người thiệt mạng.
Người ủng hộ giương cao ảnh của ông Erdogan.
|
Cũng sau thất bại trong bầu cử quốc hội tháng 6, nhiều nhà bình luận cho rằng thập kỷ cầm quyền của AKP đang đi đến hồi kết. Lý do họ đưa ra là nền kinh tế tăng trưởng nhanh trong 10 năm qua dưới sự điều hành của AKP đang bị chững lại. Cuộc xung đột tại quốc gia láng giềng Syria và làn sóng người tị nạn đổ vào nước này đặt chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ trước thách thức nghiêm trọng. Sự độc quyền của Tổng thống Erdogan, với tham vọng thay đổi hiến pháp hòng tăng quyền lực cho tổng thống, hạn chế quyền của thủ tướng, khiến nhiều người dân nước này lo ngại.
Nhưng nay trật tự đã được thiết lập. “Hồi tháng 6, người dân Thổ Nhĩ Kỳ muốn gửi một thông điệp tới AKP nhưng thực tế là người dân đã thấu hiểu một thông điệp khác. Đó là không có AKP, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rơi vào hỗn loạn. Chúng tôi cần một chính phủ mạnh dẫn dắt người dân”, Osman Aras, một thương nhân 35 tuổi nói.
Đây là cuộc bầu cử thứ hai trong vòng 5 tháng qua tại Thổ Nhĩ Kỳ khi hồi tháng 6, lần đầu tiên từ năm 2002, AKP đã mất đa số trong quốc hội. Do vậy, cuộc bầu cử là cơ hội để Tổng thống Erdogan khôi phục sự ổn định trên chính trường nước này. Các nhà đầu tư và đồng minh Phương Tây hy vọng cuộc bầu cử sẽ giúp khôi phục lại sự ổn định và niềm tin vào nền kinh tế quy mô 800 tỷ USD của Thổ Nhĩ Kỳ. Qua đó, cho phép Ankara đóng vai trò tích cực hơn trong việc giúp Liên minh châu Âu (EU) ngăn chặn làn sóng người di cư đang đổ vào châu Âu, cũng như đối phó với IS.
Nhưng bên cạnh đó, Phương Tây cũng cảnh báo về các hoạt động trấn áp tự do truyền thông và siết chặt kiểm soát ngành tư pháp của Tổng thống Erdogan sau một cuộc điều tra chống tham nhũng nhắm vào những nhân vật thân tín của nhà lãnh đạo này. Giới đầu tư nước ngoài đang theo dõi sát các dấu hiệu từ Ankara. Đó là liệu sau bầu cử chính quyền Tổng thống Erdogan có tiếp tục duy trì bầu không khí căng thẳng đó hay sẽ nới lỏng “bàn tay sắt”.
Về đối ngoại, ông Erdogan và AKP đã nhiều lần chỉ trích gay gắt việc Mỹ hợp tác với các tay súng người Kurd đối phó với IS trên tuyến biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Bruce Riedel, một cựu chuyên gia của CIA và từng là cố vấn chính trị cho Tổng thống Barack Obama, kết quả bầu cử trên sẽ gây khó khăn cho chiến lược sử dụng người Kurd để chống IS của Mỹ vì AKP phản đối mạnh mẽ chủ trương này.
Một quan chức cấp cao thuộc đảng CHP đối lập đã gọi kết quả trên “là một thảm họa” và dự đoán về sự khống chế mà “triều đại Erdogan” sẽ áp dụng đối với một chính phủ liên minh. Kết quả này cũng có thể khoét sâu sự ngăn cách giữa phe bảo thủ coi ông Erdogan là một người hùng của tầng lớp lao động, với những người theo chủ nghĩa thế tục nghi ngờ chủ nghĩa độc tài và các ý tưởng Hồi giáo.
Tổng thống Erdogan sẽ cần một đa số tuyệt đối, với 330 phiếu trong quốc hội, để thay đổi Hiến pháp và ông sẽ không thể thành công nếu thiếu sự ủng hộ của một trong các đảng đối lập. Cái khó là không đảng nào của Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ kế hoạch tham vọng này của AKP. Giới phân tích dự báo ông Erdogan sẽ tìm mọi cách để tăng quyền lực cho tổng thống và điều này sẽ gây chia rẽ chính trường Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan vốn nổi tiếng là khó lường do đó sẽ không thể biết trước được liệu các bước đi tiếp theo của nhà lãnh đạo này là gì.
Chỉ có một điều khá chắc chắn là chính phủ mới của Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với những thách thức thực sự, nhiều trong số đó rất giống với những khó khăn mà AKP từng vấp phải trong lần đầu tiên nắm quyền năm 2003. Đó là tình trạng bạo lực, nền chính trị lòe loẹt và một nền kinh tế còn nhiều bất trắc.