Đưa giải pháp xanh và công nghệ mới nổi vào sản xuất vì sự phát triển bền vững

Sáng 10/4 tại TP Hồ Chí Minh, Hội nghị Khoa học Quốc tế GSETS 2025 với chủ chủ đề: “Các giải pháp xanh và công nghệ mới nổi cho sự phát triển bền vững” lần thứ 2 - năm 2025 (GSETS 2025) đã được khai mạc. Hội nghị thu hút các chuyên gia hàng đầu thế giới và mở ra nhiều cơ hội cho các nhà nghiên cứu hợp tác, trao đổi về vật liệu và công nghệ mới, các giải pháp cho mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.

Chú thích ảnh
Sáng 10/4, Hội nghị Khoa học Quốc tế GSETS 2025 chính thức khai mạc.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị khẳng định: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Do vậy, với mục tiêu tăng cường ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong định hướng phát triển đô thị hiện đại và bền vững, TP Hồ Chí Minh đã xác lập một chiến lược rõ ràng, mạnh mẽ trong việc thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Một trong những dấu mốc quan trọng thể hiện cam kết này là việc UBND TP Hồ Chí Minh hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Thành phố Hồ Chí Minh (HCMC C4IR).

“Trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi sâu sắc, mô hình phát triển dựa trên tài nguyên và nhân công giá rẻ đang dần bộc lộ những giới hạn, chúng ta cần tìm kiếm các động lực mới, các mô hình phát triển dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và đặc biệt là công nghệ xanh. Hội nghị GSETS 2025 chính là cầu nối thiết thực để các bên cùng trao đổi, chia sẻ và kết nối nhằm thúc đẩy các giải pháp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và tạo nền tảng cho một nền kinh tế tuần hoàn, carbon thấp”, ông Võ Văn Hoan cho biết thêm.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận sâu một số nội dung: Thống nhất nội hàm của phát triển bền vững và cùng xác lập tầm nhìn về các giải pháp xanh và công nghệ mới nổi, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Kinh nghiệm quốc tế và góc nhìn của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đối với thực trạng của Thành phố từ đó đề xuất các định hướng, giải pháp thiết thực cho Thành phố. Xác lập cụ thể các biện pháp thực hiện và các khuyến nghị chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các công nghệ chiến lược phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho Thành phố.

Chú thích ảnh
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi lễ.

Hội nghị ghi nhận 172 báo cáo khoa học chất lượng cao, gồm 79 báo cáo Oral và 93 báo cáo Poster, cùng sự góp mặt của 7 diễn giả chính và 26 diễn giả khách mời từ các tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới.

Với chủ đề "Các giải pháp xanh và công nghệ mới nổi cho sự phát triển bền vững", hội nghị tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ thân thiện môi trường, vật liệu tiên tiến và quản lý tài nguyên, nhằm kết nối và tìm ra giải pháp công nghệ hướng đến phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ hành tinh.

Trong khuôn khổ Hội nghị GSETS 2025, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức Lễ ra mắt Tạp chí Materials and Emerging Technology for Sustainability - METS. Tạp chí quy tụ gần 20 thành viên là các chuyên gia, nhà khoa học đến từ nhiều nước trên thế giới như Úc, Hoa Kỳ, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Trung Quốc. Tạp chí METS là diễn đàn khoa học, chia sẻ những thành tựu nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của đội ngũ học giả, nhà khoa học của Việt Nam và thế giới.

Tin, ảnh: Lưu Niệm/Báo Tin tức và Dân tộc
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn nguyên tắc chung sử dụng chatbot AI
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn nguyên tắc chung sử dụng chatbot AI

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành Công văn số 557/BKHCN-CĐSQG hướng dẫn một số nguyên tắc chung đối với công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn (chatbot AI) phục vụ công việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN