Diễn đàn Mekong về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Ngày 9/4, Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Diễn đàn Mekong về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số lần thứ I với chủ đề “Truyền hình và Công nghiệp văn hóa”.

Chú thích ảnh
Quang cảnh diễn đàn.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Tiến Dũng cho biết, trong xu thế phát triển vượt bậc của kỷ nguyên số, ngành Phát thanh, Truyền hình và Công nghiệp văn hóa đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức cần sớm được nhìn nhận thấu đáo để tìm giải pháp khắc phục. Do đó, tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức diễn đàn nhằm đổi mới, thích ứng, chiếm lĩnh thị phần khán giả trên không gian mạng và 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa. Đây còn là cơ hội để kết nối trí tuệ, kinh nghiệm và giải pháp với cái nhìn khách quan, rộng mở của các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và cộng đồng sáng tạo trong cả nước.

Các tham luận tại diễn đàn đã tập trung vào hai nhóm nội dung gồm: Truyền hình trong kỷ nguyên số; Văn hóa số và công nghiệp sáng tạo.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Tiến Dũng phát biểu tại diễn đàn.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, bên cạnh việc phát sóng phát thanh, truyền hình theo phương thức truyền thống, các đài còn tận dụng lợi thế của internet để đưa nội dung đã phát sóng lên nền tảng số. Đặc biệt, phát huy vai trò của ngành Công nghiệp văn hóa, các đài đã chú trọng đẩy mạnh tuyến thông tin, tuyên truyền về con người, văn hóa dân tộc Việt Nam; góp phần phát triển văn hóa, xã hội của đất nước, đáp ứng các giá trị thụ hưởng văn hóa của nhân dân.

Bên cạnh những thuận lợi, ngành Truyền hình đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Sự cạnh tranh gay gắt với các nền tảng nghe nhìn xuyên biên giới (Youtube, Netflix, TikTok...); thiếu nguồn vốn đầu tư dài hạn và ổn định cho sản xuất nội dung chất lượng cao; khó khăn trong bảo vệ bản quyền, kiểm soát nội dung sai lệch; thiếu hụt đội ngũ sản xuất nội dung đa nền tảng chất lượng cao, đặc biệt ở địa phương.

Để phát triển truyền hình thành ngành Công nghiệp văn hóa mạnh, cần tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính: Tăng cường đầu tư và đổi mới mô hình sản xuất nội dung; phát triển thị trường và khán giả; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm truyền hình và phát triển nhân lực truyền hình đa năng, sáng tạo.

Chú thích ảnh
Đại biểu tham gia tọa đàm.

Chia sẻ về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong truyền hình và công nghiệp văn hóa thời đại AI tạo sinh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông khuyến nghị, các Đài Phát thanh Truyền hình nên sử dụng các công cụ được hỗ trợ bởi AI để tự động tạo nội dung, chẳng hạn như: Soạn thảo các bài báo hoặc bài đăng trên mạng xã hội, chỉnh sửa nội dung video và âm thanh hiệu quả hơn, tóm tắt nội dung dài cho các nền tảng khác nhau.

Vĩnh Long xác định việc thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về "đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" là nhiệm vụ cấp bách và trọng tâm. Tỉnh đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện với 43 chỉ tiêu cụ thể và 17 nhiệm vụ trọng tâm. Địa phương đã triển khai 7 nền tảng chính quyền số, 3 nền tảng kinh tế số và 6 nền tảng xã hội số.

Tỉnh Vĩnh Long xác định rõ định hướng phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa, trong đó các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được kết hợp chặt chẽ với phát triển du lịch. Địa phương chú trọng xây dựng các sản phẩm đặc thù nhằm giáo dục truyền thống, quảng bá hình ảnh địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vĩnh Long đặt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh, đồng thời tạo động lực phát triển công nghiệp văn hóa.

Thương hiệu “Truyền hình Vĩnh Long” với nhiều chương trình được yêu thích đang tiếp tục số hóa toàn bộ dữ liệu, quy trình sản xuất, lưu trữ và phát sóng, hướng tới nền tảng dữ liệu đồng bộ, chính xác và đầy đủ. Toàn bộ quy trình sản xuất đã được chuyển sang hình thức số hóa, phân phối nội dung trên các nền tảng mạng xã hội và ra mắt nền tảng OTT, nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin và giải trí của người dân mọi lúc, mọi nơi.

Tin, ảnh: Phạm Minh Tuấn (TTXVN)
Xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Ngày 4/4, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc Hội Lê Minh Hoan dự cuộc làm việc của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) về Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN