Hà Nội có đủ điều kiện để đi đầu cả nước
Ngày 26/3 vừa qua, trong cuộc làm việc với TP Hà Nội về công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại Thủ đô, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đề nghị Hà Nội chủ động làm việc với các bộ, ngành đưa ra phương án bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn. Với các chính sách có phạm vi tác động lớn, Hà Nội báo cáo Trung ương quyết định.
Đáng chú ý, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội cùng Bộ Công an quản lý phương tiện giao thông bằng các công cụ giám sát thông minh. Việc này cần làm ngay và Hà Nội có đủ điều kiện để đi đầu cả nước.
Video phóng viên ghi nhận hiệu quả từ 600 camera giám sát giao thông tại Hà Nội:
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội cho biết, trong công tác quản lý phương tiện giao thông bằng các công cụ giám sát thông minh, Hà Nội hiện có hơn 600 cụm camera giám sát giao thông hoạt động 24/24h, ghi nhận vi phạm tại các tuyến đường. Dữ liệu từ camera sẽ được truyền trực tiếp về Trung tâm chỉ huy giao thông (Phòng CSGT Hà Nội) để lực lượng chức năng theo dõi, phân tích và xử lý. với mạng lưới camera giám sát giao thông ngày càng phủ rộng, hình thức phạt nguội sẽ siết chặt hành lang pháp lý, tránh tình trạng chấp hành theo kiểu đối phó.
"Việc xử lý vi phạm qua hệ thống camera đã hạn chế vi phạm và tai nạn giao thông. Giám sát bằng công nghệ giúp quá trình xử lý khách quan, minh bạch, tạo niềm tin cho người dân; đồng thời, góp phần hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, hướng tới xây dựng môi trường giao thông an toàn, văn minh trên địa bàn Thủ đô", Đại tá Trần Đình Nghĩa nhấn mạnh.
Thời gian tới, Phòng CSGT Hà Nội tập trung kiểm tra tại các tuyến, nút giao trọng điểm, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là hành vi không chấp hành đèn tín hiệu, đi ngược chiều... Đồng thời, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng văn hoá giao thông an toàn, văn minh ở Thủ đô.
Minh bạch và hiệu quả khi áp dụng camer trong xử lý vi phạm
Phạt “nguội” là hình thức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ thông qua hệ thống camera giám sát được lắp đặt trên các tuyến đường. Từ hệ thống camera giám sát, các thông tin, hình ảnh sẽ được gửi về trung tâm xử lý, truy xuất thông tin về phương tiện vi phạm, xác định chủ phương tiện, địa chỉ để gửi thông báo xử phạt.
Hiện nay, số lượng phương tiện cá nhân ngày càng gia tăng, gây rất nhiều áp lực đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), danh sách ô tô vi phạm trật tự an toàn giao thông trong tháng 3 (từ ngày 1/3 đến ngày 31/3) là 571 trường hợp. So với cùng kỳ tháng trước, đã tăng 79 trường hợp.
Một trong hơn 600 cụm camera giám sát giao thông hoạt động 24/24h.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Lê Kim Thành đánh giá cao hệ thống camera thông tin tại Thủ đô Hà Nội.
Bên trong trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội - nơi duy nhất có thể điều khiển chu trình đèn giao thông của Thủ đô.
Trên các màn hình giám sát, hàng trăm nút giao thông hiển thị theo thời gian thực.
Theo Đại uý Đào Thế Phương, cán bộ Phòng CSGT Hà Nội, trong tháng 3/2025, hệ thống camera giám sát đã phát hiện 571 ô tô vi phạm giao thông.
Khi đến các điểm nộp phạt nguội, người dân được xem lại hình ảnh vào thời điểm vi phạm.
Người dân Thủ đô đồng tình với việc xử phạt qua camera vì đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Biển số ô tô, xe máy được camera ghi lại rõ nét theo thời gian thực.
Hà Nội phát huy tốt camera quản lý giao thông sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng
Trung tá Trương Song Thành, Đội trưởng Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết, với hệ thống camera hiện nay, người dân nếu không tự giác chấp hành, hoặc chỉ chấp hành khi có CSGT, các camera sẽ ghi nhận và thông báo đến các chốt ứng trực trên đường để xử lý. Những lý do quên mang theo giấy tờ, hay mất giấy tờ để không bị tạm giữ đều không thuyết phục, khi chỉ cần tra cứu trên phần mềm ứng dụng hiện nay sẽ ra các thông số tên, tuổi, chủ phương tiện và lịch sử vi phạm để qua đó CSGT thực hiện xử lý theo quy định.
Đại uý Đào Thế Phương, cán bộ Đội điều khiển đèn tín hiệu giao thông Hà Nội cho biết, các hành vi vi phạm như vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm, dừng đỗ sai quy định sẽ được ghi nhận và xử lý theo hai hình thức: Trực tiếp hoặc "phạt nguội". Khi nhận được thông tin về phương tiện vi phạm, các tổ công tác sẽ triển khai lực lượng dừng xe kiểm tra, xử lý. Trường hợp chưa có ngay hình ảnh, dữ liệu sẽ được cung cấp khi người vi phạm đến giải quyết tại trụ sở CSGT. Với các phương tiện không thể dừng ngay để kiểm tra, đơn vị chức năng sẽ tiến hành xác minh, gửi thông báo vi phạm và xử lý theo trình tự quy định.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Lê Kim Thành đánh giá, từ năm 2023 đến nay, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô được kiểm soát và kéo giảm. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh phương tiện giao thông tăng nhanh, tuy nhiên, từ đầu tháng 3/2025 đến nay, xuất hiện tình trạng "né chốt", tái vi phạm, đi ngược chiều đi trên vỉa hè... Bên cạnh đó, không thể phủ nhận Hà Nội đang áp dụng hiệu quả camera giám sát tích hợp AI.
Trên cơ sở 6 giải pháp cấp bách của TP Hà Nội, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị thêm một số giải pháp có thể triển khai ngay, như đẩy nhanh tiến độ các dự án trong nội thành đang làm thu hẹp lòng đường, vỉa hè; tiếp tục tuyên truyền văn hoá giao thông để người dân chấp hành; tăng cường xử phạt lỗi cố tình gây ùn tắc giao thông.
Với hơn 600 cụm camera giám sát thông tminh, tình hình giao thông trên nhiều tuyến phố, nút giao, các xung đột, va chạm giao thông; biển số ô tô, xe máy được camera ghi lại rõ nét theo thời gian thực… người vi phạm bị xử phạt cũng “tâm phục, khẩu phục”; vừa giúp cho cán bộ xử lý tránh được lạm quyền, tiêu cực.