"Cuộc chiến tranh bóng tối" kéo dài hàng thập kỷ giữa Israel và Iran đã “lộ diện” vào cuối tuần này với cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái chưa từng có của Tehran nhằm thẳng lãnh thổ Israel, cho dù phần lớn đã bị lực lượng phòng thủ của Israel và đồng minh vô hiệu hóa. Sự kiện này thể hiện bước leo thang lớn giữa hai quốc gia đối địch địa chính trị.
Theo tờ Newsweek, câu hỏi về vũ khí hạt nhân đã đè nặng lên cuộc chiến ngấm ngầm kéo dài giữa Israel và Iran. Israel được cho là một trong 9 quốc gia hạt nhân trên thế giới dù họ chưa bao giờ thừa nhận, trong khi Iran bị phương Tây nghi ngờ tìm cách trở thành quốc gia hạt nhân thứ 10.
Cuộc tấn công của Tehran vào cuối tuần chỉ gây ra thương vong cho một dân thường và gây thiệt hại nhỏ tại một căn cứ không quân của Israel, nhưng được cho là đã tiêu tốn của Tel Aviv hơn 550 triệu USD chi phí đạn dược phòng thủ. Cuộc tấn công, dù có quy mô lớn, dường như được thiết kế để tránh leo thang hơn nữa trong khi vẫn thỏa mãn mong muốn của Iran là trả đũa việc Israel giết chết một chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo trong vụ không kích khu phức hợp đại sứ quán ở Damascus, hôm 1/4.
Israel hiện đang cân nhắc một phản ứng khả thi, trong khi Tổng thống Joe Biden được cho là đang thúc giục Thủ tướng Benjamin Netanyahu từ bỏ leo thang hơn nữa. Bộ trưởng Nội các chiến tranh của Israel Benny Gantz cho biết hôm 14/4 rằng nước này sẽ "xây dựng một liên minh khu vực và đưa ra một cái giá chính xác với Iran, theo cách thức và thời điểm phù hợp".
Chương trình và cơ sở hạt nhân của Iran vốn là mục tiêu chính cho các hoạt động đặc biệt của Israel và Mỹ trong những thập kỷ gần đây, và môi trường an ninh ngày càng suy thoái có thể một lần nữa khiến khả năng hạt nhân của Tehran rơi vào tầm ngắm.
Israel luôn từ chối xác nhận việc sở hữu kho vũ khí hạt nhân và theo đuổi “chính sách mơ hồ” về vấn đề này.
"Sự cố Vela" năm 1978 được cho là đánh dấu buổi bình minh kỷ nguyên hạt nhân của Israel. Khi đó, cái gọi là "tia sáng kép" đã được vệ tinh Mỹ phát hiện vào tháng 9/1979 gần Quần đảo Prince Edward, vùng lãnh thổ thuộc Nam Phi ở Ấn Độ Dương. Những tia sáng này được nhiều chuyên gia cho là xuất phát từ một cuộc thử nghiệm hạt nhân chung không được công bố do Nam Phi và Israel tiến hành.
Nam Phi - lúc đó nằm dưới sự kiểm soát của một chính phủ phân biệt chủng tộc – cuối cùng đã dỡ bỏ chương trình hạt nhân vào cuối những năm 1980 và tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1991. Nhưng Israel không phải là một bên tham gia hiệp ước mang tính bước ngoặt này và hiện được ước tính có từ 90 đến 400 đầu đạn hạt nhân.
Các nhà lãnh đạo Israel nhìn chung giữ im lặng về năng lực nguyên tử, mặc dù Bộ trưởng Nội các theo đường lối cực hữu Amichai Eliyahu đã ngầm thừa nhận điều này vào tháng 11 năm ngoái khi nói rằng tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân vào Dải Gaza là “một lựa chọn”.
Những đánh giá bị rò rỉ của các đồng minh Israel cũng đưa ra một số gợi ý về khả năng hạt nhân của nước này. Trong kho email từ cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell bị rò rỉ vào năm 2016 có một email có nội dung: "Những cậu bé ở Tehran biết Israel có 200 [vũ khí hạt nhân], tất cả đều nhắm vào Tehran, và chúng tôi có hàng nghìn."
Ông Powell cũng viết, các nhà lãnh đạo Iran khi đó biết rằng họ “không thể sử dụng một vũ khí [hạt nhân] nếu họ cuối cùng chỉ làm ra một [vũ khí hạt nhân]”.
Trong khi đó, chương trình hạt nhân của Tehran đã bị đóng băng bởi Kế hoạch Hành động Toàn diện chung năm 2016 (viết tắt là JCPOA), được biết đến phổ biến hơn với tên gọi Thỏa thuận hạt nhân Iran – yêu cầu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và giải phóng khoảng 100 tỷ USD quỹ bị đóng băng để đổi lấy việc Iran chấm dứt nghiên cứu vũ khí nguyên tử.
Thỏa thuận này được đàm phán dưới thời Tổng thống Barack Obama và được coi là một trong những thành tựu chính sách đối ngoại quan trọng trong hai nhiệm kỳ cầm quyền của ông. Tuy nhiên, người kế nhiệm ông, Tổng thống Donald Trump, đã rút Mỹ khỏi JCPOA vào năm 2018, trong bối cảnh cả Đảng Cộng hòa và Israel đều tuyên bố thất vọng trước việc Iran tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo và sử dụng các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực.
Điều này khiến Iran phải chịu các biện pháp trừng phạt mới - được gọi là cách tiếp cận "áp lực tối đa" từ Mỹ - nhưng cũng loại bỏ các hạn chế hạt nhân do JCPOA đặt ra đối với Tehran, có thể mở đường cho các nhà lãnh đạo Iran một lần nữa thúc đẩy phát triển chương trình hạt nhân.
Uranium được làm giàu ở mức từ 3 - 5% phù hợp để sử dụng trong các cơ sở năng lượng dân sự. Để sử dụng trong vũ khí hạt nhân, nó phải được làm giàu tới 90%.
Việc nâng mức độ làm giàu lên 60% sẽ đưa uranium vào một bước nhảy vọt kỹ thuật ngắn tới ngưỡng cấp độ vũ khí 90%. Khoảng cách này có thể vượt qua tương đối dễ dàng và Tehran được cho là đã đạt mức làm giàu ước tính lên tới 84%.
Báo cáo hàng quý gần đây nhất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đưa ra tổng trữ lượng uranium đã làm giàu của Iran là 5.525,5 kg tăng 1.038,7 kg kể từ báo cáo lần trước đó.
Trong số này, ước tính có khoảng 121,5 kg uranium đã được làm giàu tới 60%, giảm 6,8 kg so với ước tính trước đó. IAEA ước tính rằng 42 kg uranium được làm giàu tới 60% về mặt lý thuyết là đủ để sản xuất một đầu đạn hạt nhân.
Không rõ Iran có thể hoàn thành các bước cuối cùng cần thiết để chuyển từ kho dự trữ uranium đã làm giàu sang sở hữu vũ khí hạt nhân nhanh đến mức nào. Đây được gọi là "thời gian đột phá". Năm ngoái, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl phát biểu trước Quốc hội rằng “thời gian đột phá” của Iran có thể chỉ là 12 ngày.
Eric Brewer, Phó chủ tịch Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân có trụ sở tại Washington, nói với hãng tin AP hồi tháng 2: "Iran đã có đủ 60% nguyên liệu cho khoảng ba đơn vị vũ khí hạt nhân, nếu được làm giàu thêm tới 90%".
Ông Brewer nói thêm: “Khi bạn tính cả kho dự trữ uranium được làm giàu ở cấp độ 20% và 5% của Iran, thì nước này có đủ nguyên liệu cho một số quả bom nữa”. Ông nhận định: "Iran sẽ chỉ cần vài tuần để sản xuất vật liệu cấp vũ khí đó, nhưng có lẽ lâu hơn nữa - một năm hoặc hơn - để chế tạo một quả bom thực sự”.