Ảnh hưởng của Brexit tới kinh tế Mỹ

Việc người dân Anh lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc bỏ phiếu ngày 23/6 có thể không đẩy kinh tế Mỹ lâm vào suy thoái, nhưng tác động của nó tới chính sách tiền tệ, thương mại và lợi nhuận doanh nghiệp của Mỹ gây ra tâm lý lo lắng cho Mỹ.

Một người đàn ông đi ngang qua sàn giao dịch chứng khoán New York ngày 24/6. Ảnh: AP

Biến động thị trường ngay sau quyết định chưa có tiền lệ như vậy chắc chắn sẽ khiến đồng bảng Anh mất giá, đẩy đồng USD lên giá, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải hoãn quyết định tăng lãi suất lâu hơn vì cần có thời gian để đánh giá tác động cũng như đàm phán các điều khoản liên quan đến việc Anh "ly dị" EU.

Phát biểu trước các nghị sĩ ngày 21/6, bà Janet Yellen, Chủ tịch FED tái khẳng định lo lắng của cơ quan này một khi cử tri Anh bỏ phiếu tán thành Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit), vì quyết định này gây ra những tác động kinh tế lớn, nổi lên là việc giới đầu tư tìm đến các tài sản định giá bằng đồng USD như là nơi trú ẩn an toàn, khiến đồng USD tăng giá, làm suy yếu xuất khẩu của Mỹ.

Là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, Anh là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ, với lượng hàng hóa Mỹ xuất sang Anh đạt 56 tỉ USD và nhập khẩu từ Anh là 58 tỉ USD trong năm 2015. Máy bay, động cơ máy bay là những mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất của Mỹ; trong khi Mỹ nhập khẩu từ Anh nhiều nhất là xe con và xe tải.

Vậy nhưng 50% xuất khẩu hàng hóa của Anh là sang các nước EU và việc rời khỏi EU sẽ khiến Anh gặp bất lợi. Brexit tước mất của Anh quy chế tự do thương mại với châu lục có nhiều ưu đãi, khiến các công ty đa quốc gia có hoạt động ở Anh gặp khó khăn, nhất là việc xe ôtô và động cơ ôtô sản xuất ở Anh bị áp mức thuế cao hơn, các ngân hàng, công ty bảo hiểm ở trung tâm tài chính London không thể chắc chắn về hoạt động của họ trong EU.

Vương quốc Anh cũng sẽ bị loại ra khỏi các hiệp định tự do thương mại (FTA) mà EU ký với các nước khác như Canada, Mexico, Hàn Quốc. Liên minh này cũng đã ký kết Hiệp định ưu đãi thương mại với 52 nước, đang đàm phán thỏa thuận này với 72 nước khác. Tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại xuyên Đại Tây Dương quy mô cực lớn với Mỹ cũng sẽ gặp trở ngại. Tổng thống Barack Obama từng cảnh báo nếu xảy ra Brexit, sẽ phải mất rất nhiều năm để Washington sẵn sàng khởi động đàm phán về một thỏa thuận thương mại song phương với Anh. Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman ngày 21/6 cho biết: "Chúng tôi xem một nước Anh hùng mạnh trong một EU thống nhất và hùng mạnh mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Chúng tôi nghĩ tiếng nói của người Anh sẽ có trọng lượng hơn khi họ là một phần trong một thực thể lớn hơn".

Không khí căng thẳng tại sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) ngày 24/6. Ảnh: Gettyimages

Theo Michael Arone, nhà tư vấn đầu tư của tổ chức State Street Global Advisors có trụ sở ở New York, Anh sẽ phải mất 2 năm để đàm phán về các hiệp định và quy định thương mại mới với EU, tạo ra bức màn khiến dòng chảy thương mại và đầu tư mất phương hướng, buộc các doanh nghiệp phải “đóng băng” các quyết định sản xuất, kinh doanh. "Kết cục có thể là đình trệ, giảm tốc. Hãy xem các nền kinh tế đang phải vật lộn với những gì? Đó là nhu cầu trên toàn cầu thấp, buôn bán ế ẩm, tăng trưởng chậm", chuyên gia này bày tỏ.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những động lực lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế Anh trong vài năm gần đây và nguồn đầu tư lớn nhất trong số này đến từ Mỹ.

Trong báo cáo đánh giá về kinh tế Anh công bố hôm 18/6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kết luận FDI đổ vào Anh - điểm đến hàng đầu của dòng vốn đầu tư đổ vào châu Âu - đã giúp tăng tiêu dùng và thu nhập. Theo IMF, Anh là điểm hút đầu tư vì nước này là cửa ngõ để đi vào một thị trường chung với 500 triệu người tiêu dùng.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Kinh tế London (LSE) mới đây đưa ra dự đoán, dòng vốn đầu tư vào Anh có thể giảm đến 22% do các công ty, trong đó có các doanh nghiệp Mỹ, chuyển hướng hoạt động sang địa bàn khác hoặc là “đóng băng” các dự án sau cú sốc Anh rời EU. Điều này đồng nghĩa với việc thu nhập trên thực tế của hộ gia đình ở Anh giảm 2.200 bảng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng hai điểm sáng lớn của nền kinh tế Anh là dịch vụ tài chính và công nghiệp ô tô sẽ chịu tác động tiêu cực từ Brexit. Theo LSE, sản lượng ô tô chế tạo hàng năm ở Anh sẽ giảm 181.000 chiếc, tương đương 12%, do châu Âu áp mức thuế cao hơn. Số lượng tập đoàn tài chính lớn đặt trụ sở ở Anh sẽ giảm mạnh sau khi họ bị mất các thỏa thuận cho phép được tự do hoạt động ở các nước thành viên EU mà không phải thành lập các công ty con, việc vốn mất khá nhiều chi phí.

Ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan hồi đầu tháng này cảnh báo các nhân viên ở Bournemouth - nơi làm việc của 1/4 trong tổng số 16.000 nhân viên của tập đoàn này, rằng Brexit sẽ buộc JPMorgan phải cắt giảm nhân công. Ông nói: "Sau Brexit, chúng tôi không thể chỉ tập trung ở Anh và sẽ phải khởi động lên kế hoạch tiếp theo. Tôi chưa biết nó sẽ như thế nào. Có thể 1.000, 2.000 thậm chí là 4.000 việc làm sẽ bị cắt giảm".

Ford Motor, tập đoàn ôtô có các nhà máy trải khắp ở Anh và châu Âu, hôm 20/6 cũng gửi thư cho nhân viên, thông báo tập đoàn có thể phải đối mặt với mức thuế tăng 2,7% đánh vào động cơ nhập khẩu từ Anh và 10% đối với xe thành phẩm, có thể khiến lợi nhuận giảm hàng trăm triệu USD mỗi năm. Giám đốc điều hành Ford chi nhánh tại Anh Andy Barratt cho rằng "điều này sẽ có tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh của chúng tôi". Lợi nhuận của Ford tại châu Âu vừa mới khôi phục lại mức trước khủng hoảng năm 2008, sau nhiều năm thua lỗ và buộc lòng phải đóng cửa nhiều nhà máy.

Nhiều công ty khác sử dụng Anh như là một bàn đạp xuất khẩu cũng lo ngại việc rồi đây sẽ có sự khác biệt giữa Anh và EU về luật lệ. Chia sẻ với hãng tin Reuters, Phó Chủ tịch tập đoàn Mars Inc. Matthias Berninger cho rằng nước Anh hậu Brexit muốn định ra những tiêu chuẩn cho riêng mình về an toàn thực phẩm, chocolate hay các nguyên liệu thức ăn cho thú nuôi, gây khó khăn cho mạng lưới sản xuất của châu Âu vốn đã được tối ưu hóa về hiệu quả trong hơn 40 năm qua. Theo ông, một vấn đề cam go hơn chính là việc điều chuyển nhân công giữa các trung tâm sản xuất, với những quy định hạn chế nhập cư mới mà những người ủng hộ chiến dịch Brexit đang thúc đẩy. Việc mất giá của đồng bảng Anh trong dài hạn cũng sẽ làm giảm lợi nhuận biên ở Anh - thị trường lớn thứ hai thế giới của hai hãng sản xuất chocolate Mỹ là M&Ms và Snickers. "Đây đều là những vấn đề gây đau đầu mà đằng sau đó là chi phí gia tăng ăn mòn lợi nhuận... Đó là sự sụp đổ từ từ", Berninger nói.

Khi chọn Anh làm bàn đạp, các công ty Mỹ thường viện dẫn các yếu tố như Anh có thị trường lao động linh hoạt hơn so với phần còn lại của châu Âu, ngôn ngữ tiếng Anh, tính pháp trị, văn hóa sáng tạo; nhưng không gắn kết với EU thì sức hút đó sẽ mất đi. Trong một bức thư được đăng trên tờ “London Financial Times” hồi tháng trước, lãnh đạo của nhiều công ty lớn, trong đó có Giám đốc điều hành General Electric Jeff Immelt, Giám đốc điều hành Cisco Systems Chuck Robbins và Chủ tịch tập đoàn Bloomberg LP - ông Michael Bloomberg, đã nói rằng: "Đối với chúng tôi, tư cách thành viên EU cũng là một lý do quan trọng khiến chúng tôi chọn Anh. Việc Anh rời khỏi thị trường chung EU là rất đáng quan ngại và tiềm ẩn những mất mát lớn".

TTXVN/Tin Tức
Nguy cơ Catalonia trưng cầu ý dân đòi ly khai sau Brexit
Nguy cơ Catalonia trưng cầu ý dân đòi ly khai sau Brexit

Ngày 24/6, lực lượng ly khai xứ Catalonia tiếp tục kêu gọi trưng cầu dân ý tách khỏi Tây Ban Nha sau khi Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và Scotland sẽ có thể tổ chức bỏ phiếu đòi độc lập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN