Brexit và những căng thẳng nội bộ của nước Anh và EU

Cuộc trưng cầu dân ý của nước Anh về việc ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu/EU (Brexit) có liên hệ chặt chẽ với số phận chính trị của ông David Cameron và đảng Bảo thủ Anh, cũng như sẽ ảnh hưởng lâu dài tới đời sống chính trị tại Anh và EU.

Thủ tướng Anh David Cameron công bố ý định từ chức. Ảnh: AFP/ TTXVN

Việc ông Cameron ngay lập tức thông báo từ chức Thủ tướng Anh sau khi cử tri nước này bỏ phiếu chọn việc rời khỏi EU đã cho thấy rõ sự tác động qua lại này. Tuyên bố của ông Cameron buộc đảng Bảo thủ Anh phải cải tổ nội bộ và chọn ra một thủ tướng mới, thậm chí có thể nước Anh phải tiến hành tổng tuyển cử sớm trước hạn.

Một vấn đề chính trị quan trọng khác của nước Anh khi xảy ra Brexit là việc những căng thẳng nội bộ giữa các vùng của nước Anh sẽ gia tăng. Sự căng thẳng này càng rõ ràng hơn khi trong cuộc trưng cầu dân ý, đa số cử tri Anh (England) nói không với EU còn cử tri Scottland và Bắc Ireland lại nói có với EU. 

Sự chia rẽ của England với ba vùng còn lại trong nhiều vấn đề của nước Anh là không thể phủ nhận và vấn đề sẽ đặc biệt căng thẳng ở Scotland khi đảng Dân tộc Scotland (SNP) từng tiến hành trưng cầu dân ý đòi tách Scotland khỏi Anh năm 2014, mặc dù khi đó thất bại. Với kết quả Brexit, SNP có thể sẽ yêu cầu trưng cầu dân ý một lần nữa về quy chế của Scotland và khi đó, khả năng cử tri Scotland nói có với việc tách khỏi Liên hiệp Anh là có thể xảy ra.

Trong khi đó, một điểm nóng nội bộ khác của nước Anh sẽ là Bắc Ireland, vốn luôn được xem là điểm bất ổn của nước Anh. Rõ ràng nếu Anh rời khỏi EU, đường biên giới giữa Cộng hoà Ireland và Bắc Ireland sẽ không còn là đường biên giới của EU mà sẽ trở thành biên giới giữa một nước EU và một nước ngoài EU, điều này sẽ gây ra nhiều tác động chưa lường trước về kinh tế và chính trị đối với Cộng hoà Ireland và Liên hiệp Anh. Ngoài ra, Brexit cũng giúp đảng Sinn Fein theo đường lối dân tộc chủ nghĩa ở Bắc Ireland trỗi dậy. 

Như vậy, cùng với kịch bản Brexit, ngoài vấn đề phải tính toán đàm phán thế nào với EU về việc rời khỏi khối, nước Anh sẽ đồng thời phải đối mặt với sự căng thẳng nội bộ rất lớn. Vấn đề của nước Anh là những căng thẳng nội bộ này vừa là những chủ đề song song với nhau, vừa có mối liên hệ với nhau. 

Điều này đặt ra cho Anh một bài toán khó trong việc duy trì quan hệ với EU ở định dạng nào khi mà áp lực từ Scotland và Bắc Ireland không ngừng gia tăng trong bối cảnh kịch bản Brexit đã xảy ra. Trong trường hợp xấu nhất, có thể Anh vừa phải đàm phán về Brexit với EU, vừa phải đối mặt với cuộc trưng cầu dân ý lần 2 ở Scotland về việc đòi tách khỏi Anh.

Kết quả Brexit có thể nói là một cú sốc thực sự cho cả Anh và EU, một tín hiệu rõ ràng về sự phân rã của châu Âu và sự thất bại trong hội nhập khu vực nói chung, của sự đoàn kết trong nước Anh nói riêng. Brexit đồng nghĩa với chiến thắng cho những lực lượng phản đối EU ở Anh sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các đảng bài EU hoặc hoài nghi về hội nhập EU ở châu Âu, những đảng đang lớn mạnh ở Pháp, Hà Lan hay Áo và có thể đưa ra các yêu cầu về một cuộc trưng cầu dân ý tương tự ở nước của Anh. Đó có thể là một viễn cảnh tồi tệ cho EU.

Đức Chung (P/v TTXVN tại Đức)
Ngân hàng trung ương Anh cam kết bình ổn thị trường
Ngân hàng trung ương Anh cam kết bình ổn thị trường

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) ngày 24/6 khẳng định sẽ thực hiện các bước đi cần thiết để đảm bảo nền kinh tế Anh đứng vững sau “cú sốc” Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu EU) giữa lúc các thị trường tài chính và chứng khoán trên thế giới đang rơi vào tình trạng hỗn loạn mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN