Brexit - Vấn đề không chỉ của nước Anh - Bài 2

Quyết định “ở lại” hay “cắt đứt” với phần còn lại của EU sẽ không chỉ tác động mạnh mẽ tới tương lai của nước Anh mà chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới liên minh có bề dày lịch sử 60 năm này.

“NGÃ BA BREXIT” - NGƯỜI ANH BUỘC PHẢI RẼ

“Giờ G” đã điểm, đúng 7h sáng 23/6 giờ Anh (13h ngày 23/6 giờ Việt Nam), hàng triệu cử tri Anh bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý quyết định tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) của “xứ sở sương mù”.

Tổng cộng có 382 khu vực kiểm phiếu địa phương đã được thành lập trong đó có 380 điểm ở Anh, xứ Wales và Scotland, một khu vực ở Bắc Ireland và một ở vùng lãnh thổ Gilbraltar. Trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, người dân Anh sẽ trả lời câu hỏi: “Anh nên tiếp tục là thành viên Liên minh châu Âu hay rời Liên minh châu Âu?” Họ sẽ được chọn 1 trong 2 đáp án: “Tiếp tục là thành viên Liên minh châu Âu” hay “Rời Liên minh châu Âu”. Đáp án nào giành được quá bán tổng số phiếu sẽ chiến thắng.

Một người đàn ông đứng trước bảng thông báo bên ngoài một điểm bỏ phiếu ở trung tâm thủ đô London. Ảnh: Reuters

Chỉ là lựa chọn một trong hai, thế nhưng quyết định “ở lại” hay “cắt đứt” với phần còn lại của EU được dự đoán sẽ không chỉ tác động mạnh mẽ tới tương lai của nước Anh mà chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới liên minh có bề dày lịch sử 60 năm này. 

Nhiều tờ báo hàng đầu của Anh tường thuật trực tiếp diễn biến cuộc trưng cầu “quyết định vận mệnh” nước Anh. Đồng hồ đếm ngược tới giờ đóng hòm phiếu cùng bức tranh biếm họa hình ảnh một phụ nữ đứng giữa ngã ba đường nổi bật trên trang chủ của tờ Telegraph. 

Dù là nhật báo uy tín The Guardian hay báo “lá cải” nhiều người đọc nhất nước Anh The Sun và Daily Mail cùng nhiều tờ báo khác đều cập nhật liên tục tình hình bỏ phiếu trên cả nước. 

Về phía lực lượng phản đối Brexit, sáng sớm 23/6, Thủ tướng Anh David Cameron cùng phu nhân Samantha đi bỏ phiếu tại Hội trường trung tâm ở thủ đô London với tâm trạng khá thoải mái sau khi đã nỗ lực thuyết phục cử tri bỏ phiếu “ở lại” trong ngày vận động cuối cùng – 22/6. 

Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair đăng bức ảnh ông cầm tấm biểu ngữ “Tôi chọn ở lại”. Ông Tony Blair đã lặp lại lời kêu gọi cử tri bỏ phiếu “ở lại” và cảnh báo rằng lá phiếu “ra đi” sẽ trở thành “lỗi sai lịch sử”.

 Đảng Dân chủ Tự do thắp sáng chân Lâu đài Edinburgh với thông điệp “ở lại” rực màu xanh, đỏ và trắng (màu cờ của Vương quốc Anh). Lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Tim Farron khẩn thiết nói với các cử tri: “Ngày hôm nay là ngày quyết định tương lai của nước Anh, về đất nước mà chúng ta muốn. Tôi cần các bạn bỏ phiếu với tâm thế hướng tới sự thịnh vượng và cơ hội của các thế hệ tương lai chúng ta”. 

Phía bên kia “chiến tuyến”, nhóm vận động Brexit thể hiện sự tự tin trong ngày bỏ phiếu.  Theo Independent, ám chỉ sự cố thời tiết, lãnh đạo đảng Độc lập Anh (Ukip) Nigel Farage nói: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đang có cơ hội rất lớn, tôi thực sự cho là vậy. Nhưng đó là vì cử tri và những người chọn ‘ở lại’ ở trong nhà”. 

Trong khi đó, các mạng xã hội Facebook, Twitter, Instagram rộn ràng với từ khóa  “ivoted” (Tôi đã bỏ phiếu) và “brexit” khi nhiều người chụp ảnh lá phiếu lựa chọn của mình và đăng tải lên. 

Khi cuộc bỏ phiếu đang diễn ra, hãng Populus tiến hành một cuộc thăm dò trực tuyến đối với 4.700 người cho thấy 55% cử tri lựa chọn phương án "ở lại", trong khi 45% cử tri lựa chọn "ra đi". Như vậy, tỷ lệ chênh lệch giữa những người ủng hộ Anh ở lại EU với những người ủng hộ Anh rời khỏi EU là 10%.

Một kết quả khảo sát khác do hãng Ipsos MORI thực hiện cùng thời điểm với gần 1.600 người tham gia cho thấy tỷ lệ phản đối Brexit dẫn trước 4 điểm % so với tỷ lệ người ủng hộ “ra đi”(52%/48%). Những kết quả này có thể tác động lớn đến những cử tri còn chưa đưa ra quyết định.

Theo kế hoạch, các điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa vào lúc 22h địa phương (4 giờ sáng 24/6 giờ Hà Nội). Dự kiến, kết quả chính thức sẽ được Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Jenny Watson công bố tại Manchester vào khoảng 6h sáng 24/6 (11 giờ cùng ngày Việt Nam). 

Tuy nhiên, bất luận kết quả ra sao thì câu chuyện Brexit có lẽ vẫn chưa thể chấm dứt thực sự. Và những bất đồng trong nội bộ nước Anh liên quan tới EU khó có thể dàn xếp trong “một sớm, một chiều”.

Hạnh Nhân
Brexit - Vấn đề không chỉ của nước Anh - Bài 1
Brexit - Vấn đề không chỉ của nước Anh - Bài 1

Xoay quanh hai vấn đề chủ chốt kinh tế và nhập cư, nước Anh, Liên minh châu Âu (EU) và thế giới đang đứng trước một cột mốc sẽ làm thay đổi mãi mãi EU - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - dù kết quả thu được có đi theo kịch bản nào chăng nữa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN