Brexit - Vấn đề không chỉ của nước Anh - Bài 1

Xoay quanh hai vấn đề chủ chốt kinh tế và nhập cư, nước Anh, Liên minh châu Âu (EU) và thế giới đang đứng trước một cột mốc sẽ làm thay đổi mãi mãi EU - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - dù kết quả thu được có đi theo kịch bản nào chăng nữa.

NHỮNG BẢN “TỐI HẬU THƯ” CUỐI CÙNG

Đêm trước cuộc trưng cầu dân ý lịch sử “ra đi” hay “ở lại” của nước Anh diễn ra ngày 23/6 theo giờ địa phương, hai phe vận động đưa ra những bản “tối hậu thư” cuối cùng.

Tiếp tục là cuộc tranh đấu đến phút chót của hai phe đi/ở, trên trang nhất số ra ngày 22/6, tờ Daily Mail chạy dòng tít “Những lời dối trá. Những kẻ quyền thế tham lam. Hay một tương lai tươi sáng bên ngoài một châu Âu đang chết và đổ vỡ...”, trong khi nội dung trang bìa tờ Daily Mirror kêu gọi người Anh bỏ phiếu ở lại EU “vì việc làm, vì con cái và vì tương lai của nước Anh”.

Vì một nước Anh hùng mạnh

Theo phóng viên TTXVN tại London, ngày 21/6 tại Số 10 Downing trước sự hiện diện của đông đảo báo giới, Thủ tướng Anh David Cameron tiếp tục “dốc ruột gan” thuyết phục người Anh nói không với kịch bản rời khỏi EU - Brexit. Nhắc lại lịch sử lâu đời của quốc gia này, ông Cameron khẳng định ở lại EU giúp Anh bảo tồn, phát huy và làm hùng mạnh thêm những giá trị được người Anh trân quý nhất, từ nền dân chủ, sự tự do cho đến lòng khoan dung. Trong hàng ngũ các quốc gia thành viên EU, Anh đưa ra tiếng nói dẫn đầu trước những vấn đề thời sự của quốc tế: ứng phó với biến đổi khí hậu, xử lý bệnh dịch, giảm đói nghèo hay giúp đỡ bè bạn trên toàn thế giới. 

Những người vận động của phe “Ở lại” xuất hiện ở trung tâm London, Anh ngày 21/6.

Thủ tướng Cameron nhấn mạnh, quan trọng hơn tất thảy, “ở lại” đồng nghĩa với việc bảo đảm an ninh kinh tế của đất nước này bởi EU tạo ra một thị trường chung với 500 triệu khách hàng sát “ngay bậc cửa” cùng nhiều thương vụ và cơ hội cho người dân Anh. Ông Cameron khẳng định, còn “ra đi” đồng nghĩa đối diện với một mối nguy không hề nhỏ. Trong ngắn hạn đó là một cuộc suy thoái, trong trung hạn đó sẽ là một thập kỷ “không chắc chắn” của nhiều vấn đề và trong dài hạn, đó sẽ là một cuộc sống với ít việc làm hơn, lương thấp hơn trong khi giá cả cao.

Dù khẳng định bỏ đi không phải là phong cách của người dân nước này, rằng “người Anh không bỏ cuộc”, Thủ tướng Cameron cảnh báo không Anh, EU vẫn đó. Khi Brexit thực sự xảy ra, tại thủ đô Brussels (Bỉ), các cuộc họp của lãnh đạo EU vẫn diễn ra. Họ sẽ vẫn bàn về nhiều vấn đề và nhiều vấn đề liên quan đến vận mệnh của “xứ sở sương mù”. Nhưng điểm nguy hiểm là, với Brexit, nước Anh sẽ không có mặt bên bàn đàm phán đó.

Thủ tướng David Cameron kêu gọi người dân Anh hãy nghĩ đến “hy vọng và ước mơ” của những thế hệ tương lai, của những “đứa trẻ còn chưa được chào đời” trước khi đưa ra quyết định bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý bởi “ra đi” sẽ không có đường quay trở lại và hậu quả của quyết định như vậy ngày hôm nay sẽ không nằm lâu ở hiện tại.

Người Anh quyết định số phận dân Anh

Theo người đứng đầu Ủy ban Vận động “Ra đi” Matthew Elliott, lựa chọn không ở lại sẽ làm nước Anh giàu có hơn và thịnh vượng hơn bởi “EU đắt đỏ, quan liêu và mù quáng”. Trong khi đó, cựu thị trưởng London ông Boris Johnson kêu gọi người Anh “dứt áo ra đi” để “giành lại quyền kiểm soát định mệnh của quốc gia vĩ đại này” đồng thời “tin tưởng vào chúng ta và những gì nước Anh có thể làm được”. Chia sẻ quan điểm này, lãnh đạo đảng Độc lập Vương quốc Anh Nigel Farage cho rằng, các chính trị gia của nước Anh mới là những người làm luật Anh, thay vì “những người đàn ông cao tuổi chẳng được bầu lên” tại Bỉ. 

Bước vào cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, nước Anh chứng kiến số người đăng ký tham gia bỏ phiếu đạt mức kỷ lục. Theo số liệu công bố ngày 21/6 của Ủy ban Bầu cử Anh, khoảng 46,5 triệu người nước này đã đăng ký tham gia bỏ phiếu, cao hơn con số kỷ lục 46,4 triệu người đăng ký tham gia cuộc bầu cử quốc hội Anh diễn ra hồi năm ngoái. Trong lúc đó, Tổ chức “What UK Thinks” cung cấp số liệu cho thấy, trong tình thế người người nhà nhà ở Anh đang bàn luận về cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, phe “ở lại” đang tạm dẫn mong manh trước phe “ra đi” với tỉ lệ lần lượt 51%/49% và trên 10% người dân Anh vẫn chưa đi đến quyết định sẽ bỏ phiếu cho phe nào. 

Những bản “tối hậu thư” cuối cùng đã được đưa ra và lá phiếu của người Anh sẽ định đoạt hệ quả nào dành cho họ. Đúng như Thủ tướng Anh David Cameron đã thú nhận, đây sẽ là một cuộc bỏ phiếu “không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra”.

Vũ Anh
Brexit - Vấn đề không chỉ của nước Anh - Bài 2
Brexit - Vấn đề không chỉ của nước Anh - Bài 2

Quyết định “ở lại” hay “cắt đứt” với phần còn lại của EU sẽ không chỉ tác động mạnh mẽ tới tương lai của nước Anh mà chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới liên minh có bề dày lịch sử 60 năm này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN